Kinh tế

Ông Lê Mạnh Hùng được đề nghị bổ nhiệm TGĐ PVN: Thua lỗ ở PVtex chìm xuồng?

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức hội nghị thực hiện quy trình giới thiệu bổ nhiệm ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc PVN vào chức Tổng giám đốc. Song, dư luận lo ngại khi ông Hùng liên quan "đại" dự án thua lỗ tại PVtex có bị chìm xuồng?

Cách đây một năm, ngày 27/4/2018, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, đã yêu cầu sớm kết thúc điều tra xử lý giai đoạn 2 các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo. Trong đó có vụ: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVtex).

Vấn đề đặt ra là: Ông Lê Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - người được giới thiệu bổ nhiệm vào vị trí tân Tổng giám đốc PVN, liên quan gì dự án thua lỗ tại PVtex?

Ông Lê Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - người được giới thiệu bổ nhiệm vào vị trí tân Tổng giám đốc PVN (Ảnh: Internet)

Sai phạm nghiêm trọng có đang bị “bỏ ngỏ”?

Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVtex) là một một trong những vụ án trọng điểm, một dự án thua lỗ mà Bộ trưởng Bộ Công Thương từng trả lời trước Quốc hội là rất đau đầu.

Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc có kết luận thanh tra từ năm 2016 chỉ rõ phải xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan. Song dường như việc xử lý trách nhiệm của một số cán bộ liên quan, trong đó có ông Lê Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc PVN vẫn chưa được xử lý triệt để.

Về vụ án nghiêm trọng trên, ngày 20/6/2017, Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố 5 bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 bị can (có 1 người bị bắt trước đó) gồm: Ông Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT Pvtex; Vũ Đình Duy, nguyên TGĐ Pvtex; Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng; Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng Pvtex; Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty PVC - KBC.

Cả 5 bị can bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng Vũ Đình Duy đã bỏ trốn.

4 bị cáo Hiếu, Hồng, Hoàng, Nam trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí - PVtex (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) tại phiên tòa ngày 31/8/2018.

Tuy nhiên, các đối tượng bị khởi tố, tạm giam chủ yếu là do những sai phạm liên quan đến trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên tại PVtex. Còn hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc triển khai thực hiện mua sắm, xây dựng, lắp đặt và chạy thử và nghiệm thu Nhà máy xơ sợi Đình Vũ gây thất thoát, thiệt hại tài sản nhà nước hàng nghìn tỉ đồng mà kết luận Thanh tra Chính phủ số 3130/TB-TTCP công bố ngày 24/11/2016 đã chỉ ra thì đến nay vẫn chưa truy được địa chỉ trách nhiệm.

Ngày 3/10/2016, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 2632/KL-TTCP kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng dự án PVtex. Sau đó, ngày 4/11/2016, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về Kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học và dự án PVtex.

Theo đó Thủ tướng đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra loạt sai phạm tại dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trong quá trình triển khai, PVtex đã điều chỉnh tổng mức đầu tư vào dự án này, tăng thêm 34 triệu USD so với dự kiến ban đầu, lên 359 triệu USD (tương đương 7.000 tỉ đồng). Và thời gian thu hồi vốn dự án tăng lên 22 năm. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dự án này lỗ hơn 1.732 tỉ đồng.

Kết luận Thanh tra chỉ rõ, những sai phạm của dự án như vi phạm trong việc mời thầu nghiệm thu tăng sai, trùng lắp khối lượng so với hồ sơ hoàn công một số hạng mục công trình với giá trị 23.046,6 USD và hơn 8 tỷ đồng; thay đổi dây chuyền thiết bị kéo sợi dún từ Đức sang Trung Quốc, hệ thống máy chủ máy in từ Đức sang Châu Âu; quá trình chạy thử từ tháng 11/2011 đến 6/2013 lỗ gần 818 tỉ đồng; tăng sai một số khoản chi phí trị giá gần 39 triệu USD.

Do đó, PVtex mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và gánh trên mình khoản nợ khoảng 6.000 tỉ đồng. Để PVtex bị thua lỗ, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ trách nhiệm thuộc về HĐQT, TGĐ các đơn vị liên quan gồm PVN, Vinatex và PVTex.

Ngoài ra, cũng tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc dự án thua lỗ có nguyên nhân chủ quan từ khó khăn của thị trường, song cũng có sai phạm, thiếu sót trong chỉ đạo, giám sát của PetroVietnam, Vinatex và Bộ Công Thương.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét xử lý hình sự đối với các dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí lớn với vốn đầu tư. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sợ để điều tra, xử lý theo pháp luật.

Dư luận cho rằng, một vụ án nghiêm trọng nhưng cho đến nay mới chỉ có 5 cá nhân bị khởi tố (trong đó Vũ Đình Duy vẫn còn lẩn trốn và bị truy nã), là chưa đủ và chưa đúng tính chất của vụ án.

Đặc biệt sai phạm và thiệt hại nhiều tỉ đồng do quá trình chạy thử và nghiệm thu nhà máy có liên quan đến lãnh đạo PVN là ông Lê Mạnh Hùng, vì đã có nhiều cuộc họp chỉ đạo Ban điều hành và PVtex giai đoạn 2013 đến nay, và vì ông Lê Mạnh Hùng làm Phó TGĐ phụ trách chỉ đạo dự án.
Trách nhiệm của ông Lê Mạnh Hùng đến đâu khi để thua lỗ hơn 1000 tỉ?

Theo báo cáo của chính PVtex gửi PVN vào tháng 10/2014 thì quá trình chạy thử, chạy nghiệm thu của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ từ 19/11/2011 đến 1/6/2013 gồm 4 giai đoạn. Kết quả của 4 lần chạy thử này lần nào cũng gặp sự số. Chi phí chạy thử, theo dự án khả thi chỉ 5,2 triệu USD. Hợp đồng quy định chủ đầu tư (PVtex) chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu.

Kết quả số tiền chi phí vận hành giai đoạn chạy thử tăng vọt từ 5,2 triệu USD lên 41,438 triệu USD, nghĩa là phát sinh con số khổng lồ 36,233 triệu USD.

Theo kết luận Thanh tra, dự án đưa vào vận hành sản xuất từ 19/8/2013 nhưng do phát sanh tranh chấp giữa chủ đầu tư (PVtex) và nhà thầu nên các khoản thanh thoán vượt giá trị tổng mức đầu tư, trong đó có khoản lỗ trên 41 triệu USD chi phí thời gian chạy thử vẫn chưa được quyết toán (ở thời điểm công bố kết luận Thanh tra tháng 11/2016)

Cũng tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đánh giá hiệu quả dự án ngoài những thay đổi, phát sinh trong kiểm tra chỉ đạo đơn đốc, giám sát dẫn chi phí cao thì “trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành nhà máy còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, sản phẩm khó tiêu thụ”.


Thế nhưng bất chấp tồn tại, tranh chấp với nhà thầu (trong đó có việc chuyển công nghệ Đức sang Trung Quốc trị giá trên 11 triệu USD) và hàng loạt sự cố kỹ thuật chưa được giải quyết triệt để thì PVtex vẫn có công văn do Tổng giám đốc Vũ Đình Duy (hiện đang bị truy nã đặc biệt ký ngày 6/8/2013) đề nghị PVN cho phép nghiệp thu, hoàn thành hợp đồng EPC để đi vào chạy thương mại.
Đáng chú ý hơn, đề nghị của Vũ Đình Duy lại nhận được sự đồng thuận dễ dàng của Phó TGĐ PVN Lê Mạnh Hùng - người được giao phụ trách dự án PVtex.

Tại biên bản họp HĐTV PVN ngày 13/12/2013, khi người Chủ trì là ông Phùng Đình Thực - lúc đó là Chủ tịch HĐTV PVN - đặt vấn đề: “Hợp đồng EPC không quy định về nghiệm thu có điều kiện như vậy, đề nghị của TGĐ PVN (lúc đó là ông Đỗ Văn Hậu - PV) có khác với quy định hợp đồng không? Hiện ta có đủ điều kiện để nghiệm thu? Phó TGĐ Lê Mạnh Hùng có ý kiến: “Về mặt kỹ thuật, nhà thầu HEC có quyền yêu cầu nghiệm thu để đưa nhà máy vào vận hành thương mại”.

Vậy là, Ban lãnh đạo PVN đã nghĩ ra khái niệm “Nghiệm thu có điều kiện”, đây là khái niệm không có trong luật và cũng không có quy định trong hợp đồng EPC để kết thúc quá trình chạy thử và nhận bàn giao nhà máy để tiếp tục tự tổ chức chạy thử dưới hình thức vận hành thương mại.

Kết quả khi vận hành thương mại, PVtex lỗ tiếp hơn 1000 tỉ. Tại văn bản do Phó TGĐ PVN thời điểm tháng 3/2015 là ông Ninh Văn Quỳnh cũng đã đề cập đến những lập lờ của PVtex: “Trong tính toán hiệu quả kinh tế tại tờ trình số 59, PVtex tính toán 2014 lãi 1,6 triệu nhưng thực tế năm 2014 lỗ 900 tỉ”- trích văn bản 038/CV-NVQ.

Lách hợp đồng, gây thiệt hại nghìn tỉ vẫn thăng chức?

Đến nay, trách nhiệm về việc lách hợp đồng EPC để “nghiệm thu có điều kiện” dự án Nhà máy xơ sợ Đình Vũ gây thiệt hại kinh tế hàng ngàn tỉ đồng vẫn chưa được xem xét.

Không dừng ở lại đó, trong những lần chạy thử sau này, ông Lê Mạnh Hùng tiếp tục có trách nhiệm khi tiếp tục để thiệt hại thêm tiền tỷ...

Rõ ràng với những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng tại dự án xơ sợi Đình Vũ - một vụ án trọng điểm được Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương do Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, trong khi ông Lê Mạnh Hùng, Phó TGĐ PVN là người phụ trách dự án lại được đề nghị bổ nhiệm, lên chức là một điều khó hiểu.

Ông Lê Mạnh Hùng sinh ngày 24/10/1973 ở Hưng Yên; tốt nghiệp Đại học Bách khoa với bằng Kỹ sư Công nghệ Tổng hợp Hoá dầu và Hữu cơ. Tiếp đó, năm 2003, ông Hùng lấy bằng Thạc sỹ chuyên ngành Công nghệ hoá dầu ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2008, ông Lê Mạnh Hùng trở thành Tiến sỹ chuyên ngành Hoá dầu và xúc tác hữu cơ.

Hiện, ông Hùng đang phụ trách các đơn vị gồm: Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, Ban QLDA Khí - Điện - Đạm Cà Mau, PVGas, BSR, PVCFC, PVFCCo, DMC, PVTex, VPI, NASOS.

Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Bảo Ngân

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP