Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4-7 dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng việc Mỹ từ chối bàn giao tiêm kích tàng hình thế hệ 5 cho nước này có thể gọi là hành động “ăn cướp”.
“Nếu khách hàng luôn thanh toán đúng hạn, làm sao bạn có thể không giao sản phẩm cho khách hàng đó. Hành động này có thể gọi là ăn cướp", tờ Hurriyet trích lời Tổng thống Erdogan hôm 4-7 phát biểu, đề cập đến hợp đồng mua tiêm kích tàng hình F-35 với Mỹ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong chuyến công du Trung Quốc ngày 2-7. Ảnh: AFP |
Ông Erdogan cho biết Ankara đã chi 1,4 tỉ USD cho dự án siêu tiêm kích F-35 và bốn máy bay đã được bàn giao, các phi công và kỹ thuật viên Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện tại Mỹ.
"Chúng ta đã ký thỏa thuận mua 116 tiêm kích F-35. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là thị trường mà còn là nhà đồng sản xuất. Một số bộ phận chiến đấu cơ được chế tạo tại Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan cho biết thêm.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản tuần trước, ông Erdogan nói rằng Ankara sẽ tránh được lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, một báo báo của Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ sau đó nói rằng Washington vẫn lên kế hoạch trừng phạt Ankara.
Tuyên bố trên của ông Erdogan đưa ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ ra hạn chót ngày 31-7 để Thổ Nhĩ Kỳ hủy hợp đồng mua S-400 với Nga. Bằng không, toàn bộ phi công và kỹ thuật viên Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện với tiêm kích F-35A tại Mỹ sẽ bị trục xuất, đồng thời Ankara cũng bị loại khỏi dự án F-35.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục nhấn mạnh việc mua hệ thống S-400 của Nga là vấn đề thuộc chủ quyền nước này và loại trừ khả năng rút lại thỏa thuận.
Người phát ngôn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin xác nhận việc bàn giao S-400 bắt đầu trong vài ngày nữa.
“Hợp đồng S-400 là thỏa thuận đã hoàn tất, và chúng tôi đang nhanh chóng tiếp cận giai đoạn cuối. Rất sớm thôi, trong vài ngày tới, những hệ thống này sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ được tích cực sử dụng”, ông Kalin nói với báo giới, theo Sputnik.
Theo ông Kalin, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc các lựa chọn để bố trí hệ thống S-400. Trước đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay S-400 có thể được triển khai ở Qatar và Azerbaijan nhằm tránh tạo ra căng thẳng hơn nữa trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.
Vị quan chức trên lần nữa khẳng định lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ rằng S-400 sẽ không đặt ra bất kỳ đe dọa nào cho an ninh NATO.
Tác giả: THIÊN THANH
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM