|
Trên hành trình di chuyển đến Phú Quốc (Kiên Giang) hôm qua (5/4), ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP..HCM) đã gặp sự cố, khi đến bến phà Thạnh Thới -Rạch Giá trễ 8 phút. Do đó không thể ra đảo Phú Quốc trên chuyến phà cuối cùng trong ngày.
Trong khi theo kế hoạch định sẵn, ông có hẹn với 500 cháu học sinh nghèo ở Phú Quốc vào sáng 6/4.
Ông Đoàn Ngọc Hải chia sẻ trên trang facebook cá nhân, trước tình thế "căng" như vậy, cô bán vé phà Thạnh Thới - Rạch Giá (Kiên Giang) đã "mách" còn một cách, đó là ông chạy xe 90km nữa đến Hà Tiên để đi chuyến phà cuối cùng trong ngày là 17h30 phút.
Cũng theo ông Hải, nhờ trễ chuyến phà ở Rạch Giá mà ông lần đầu tiên trong đời biết đến Hà Tiên.
"Đến Hà Tiên 15h30 phút, còn 2 tiếng đồng hồ nữa phà Thạnh Thới - Hà Tiên mới chạy. Tôi đi tìm một bãi biển vắng không một bóng người nhảy ùm xuống tắm.
Lúc lên bờ gặp hai vợ chồng em đi chiếc xe cà tàng Chaly này đã ngồi đợi sẵn đề nghị tôi chụp hình và đi ăn gỏi cá chích. Họ phát hiện ra tôi vì chiếc xe cứu thương không thể lẫn vào đâu được", ông Hải kể trên trang cá nhân.
Từ câu chuyện chiếc xe Chaly, ông nhớ về chuyện 30 năm trước mình từng đi xe này, trong khi bạn bè thời đó "ai đi chiếc xe này cũng khó mà tán được bạn gái".
"Cách đây hơn 30 năm tôi đi chiếc xe Chaly này mà lúc đó các bạn trẻ cùng thời đã "chê ", ai đi chiếc xe này cũng khó mà tán được bạn gái vì phong trào lúc đó là vậy, phải là xe DD đỏ trở lên các bạn gái mới vui, may quá bà xã mình vẫn "gật đồng ý".
Vậy mà hơn 30 năm sau tôi đến Hà Tiên thấy hai vợ chồng em này vẫn còn đi loại xe này, tôi thật ngưỡng mộ. Mong rằng mấy chục năm sau hai em này cũng sẽ khá giả như vợ chồng tôi", ông Hải chia sẻ.
Kèm theo chia sẻ là hình ảnh ông Hải đội nón lá, mang dép tổ ong, đi xe Chaly bên bờ biển.
Hình ảnh được ông Đoàn Ngọc Hải chia sẻ trên trang cá nhân |
Sau khi rời quan trường, ông Đoàn Ngọc Hải liên tục có các hoạt động thiện nguyện trên khắp cả nước. Từ bán đồ quý giá như đồng hồ, xe cổ... lấy tiền xây nhà cho phụ nữ mù khó khăn, bỏ tiền túi mua xe cứu thương trực tiếp chở bệnh nhân nghèo về quê, tới mở thùng từ thiện quyên góp tiền xây nhà cho đồng bào nghèo, "xin" sữa, thịt hộp cho trẻ vùng khó khăn... Và lớn hơn nữa là mở quỹ từ thiện "Vì đồng bào".
Khi làm công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", ông Đoàn Ngọc Hải đã có sự hậu thuẫn rất lớn từ người bạn đời.
Trong một bài phỏng vấn do phóng viên Đặng Đại - Nguyễn Hằng của báo Giao thông thực hiện, khi được hỏi "Vợ ông có hiểu công việc của ông không?", ông Hải đáp: "Cô ấy là một người tuyệt vời. Ban đầu cô ấy cũng như nhiều người khác, rất ngạc nhiên. Nhiều người thắc mắc về tôi: Anh có gia đình khá giả, thừa sức sống phong lưu mà bây giờ anh lại sắm cái xe đi… chở người chết!
Ở Bệnh viên Trung ương Huế, tôi còn bê cả người chết lên xe, các bác sĩ cản không được phải nhắc tôi cẩn thận và vệ sinh sạch sẽ vì họ cho biết khi người ta chết sẽ giải phóng rất nhiều vi trùng, vi khuẩn dễ lây bệnh.
Tôi giải thích với vợ là nhiều người khổ lắm, mình sướng hơn họ tỉ lần. Cho nên khi họ nhắm mắt xuôi tay, mình chăm sóc cho họ một chút, bế họ lên xe cũng có sao đâu. Cứ làm đi rồi sẽ thấy ý nghĩa của việc mình làm. Không có gì ghê gớm cả".
Ông Đoàn Ngọc Hải khi đi từ thiện. Ảnh: FBNV |
Tác giả: Thanh Tú
Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị