Kinh tế

Nữ nhi 8X kín tiếng nắm ngàn tỷ đứng sau Út trọc

Bà Vũ Thị Hoan sinh năm 1985; quê Ninh Bình vừa bị Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt giam có rất nhiều dây dưa đến Út trọc.

Người vợ 'bí ẩn' của bầu Đức

Nếu như hầu hết các thành viên trong gia đình bầu Đức - Đoàn Nguyên Đức đều sở hữu cổ phần, khẳng định vị thế của mình trong Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thì vợ bầu Đức - bà Hoàng Thị Ngọc Bích lại không hề nắm giữ cổ phần HAGL.

Ông Đức hiện là người nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất. Người nắm giữ số cổ phần lớn thứ 2 tại HAGL là ông Đoàn Nguyên Thu, em ruột của bầu Đức - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc HAG.

Mẹ bầu Đức - bà Nguyễn Thị Thơm nắm 136.705 cổ phần, chiếm 0,02% tại HAGL. Ông Đoàn Nguyên Ngôn - em ruột bầu Đức nắm 18.726 cổ phần. Bà Đoàn Thị Nguyên Vinh - em ruột bầu Đức nắm 13.375 cổ phần.

Bà Đoàn Thị Nguyên Xuân - em ruột sở hữu 139.630 cổ phần. 182.094 là số cổ phần mà bà Đoàn Thị Nguyên Thảo - em ruột bầu Đức nắm giữ. Cuối cùng là bà Đoàn Thị Nguyên Nguyên - em ruột nắm 133.532 cổ phần.

Tỷ phú giàu thứ 3 lộ diện

Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Ngân hàng Techcombank bất ngờ xuất hiện ở vị trí thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Theo đó, tài sản trên sàn hiện tại của ông Hồ Hùng Anh (tính tới ngày 4/1/2019) lên tới hơn 20.272 tỷ đồng, chỉ thua kém chút ít so với bà Nguyễn Thị Phương Thảo ở vị trí thứ 2. Trước đó, ông Hồ Hùng Anh chưa từng có mặt trong top 10 người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán. Mặc dù sở hữu số lượng lớn cổ phiếu của Techcombank nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để ông xuất hiện trong top 10.

Cùng với việc xác định chính xác tỷ lệ sở hữu này, cùng với ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang cũng thăng hạng trên sàn chứng khoán, nhảy vọt lên vị trí thứ 4 trong top người giàu Việt.

Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang được coi là “đôi bạn cùng tiến” trên mặt trận kinh doanh. Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, cùng với ông Nguyễn Đăng Quang và Masan xây dựng thương hiệu mì gói Việt Nam tại Nga.

Nữ đại gia trẻ đứng sau các BOT tai tiếng dính đến Út trọc

Công ty Yên Khánh (trụ sở chính tại 35-37 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) thời gian qua được nhắc đến rất nhiều khi bà Vũ Thị Hoan (SN 1985; quê Ninh Bình; thường trú phường Bình An, quận 2, TP HCM), giám đốc của doanh nghiệp này, bị Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt giam vào cuối tháng 11-2018.

Công ty Yên Khánh "nổi đình nổi đám" khi tham gia đầu tư hàng loạt dự án BOT. Đặc biệt, công ty này quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp do cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") nắm giữ. Hoan là cháu ruột của Út "trọc".

Năm 2005, Công ty Yên Khánh thành lập với tên gọi là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, do bà Vũ Thị Hoan làm giám đốc khi mới 20 tuổi. Công ty này nhanh chóng lớn mạnh khi tham gia vào nhiều dự án BOT lớn như đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cầu Hạc Trì (Phú Thọ); dự án Đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km 123+105 đến Km 268 thuộc địa phận Lâm Đồng…

Bà Hoan còn là giám đốc của Công ty CP Yên Khánh Hải Thành - doanh nghiệp liên quan những vi phạm về đất đai mà Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đang điều tra. Lô đất được cho là "dính" đến vi phạm của bà Hoan nằm trên đường Tôn Đức Thắng (TP HCM). Nữ doanh nhân 8x này cũng nắm giữ 360.000 cổ phần tại Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ.

8x bí ẩn bất ngờ thành đối trọng đại gia Nguyễn Xuân Đông

Star Invest là doanh nghiệp vừa mới được thành lập vào 9/11/2018 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong phiên đấu giá ngày 22/11, Star Invest cũng là một trong 4 nhà đầu tư đã tham gia đấu giá nhưng đã thất bại trước An Quý Hưng.

Star Invest có địa chỉ tại Tầng 5, tòa nhà Sentinel Place, 41A Lý Thái Tổ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của Star Invest là ông Đặng Thế Anh Đức sinh năm 1985.

Hiện tại, cơ cấu cổ đông mới của Vinaconex hậu thoái vốn Nhà nước đã xuất hiện 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần, bao gồm An Quý Hưng đại diện bởi ông Nguyễn Xuân Đông (57,71%), Star Invest (7,57%) và một nhà đầu tư mua 21,3% cổ phần VCG từ Viettel vẫn chưa tiết lộ danh tính.

9x xinh đẹp túi tiền ngàn tỷ

Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích là hai con gái ông Trần Quí Thanh và đang dần tiếp quản đế chế nước ngọt tỷ đô từ bố mẹ. Cổ đông lớn nhất của Tân Hiệp Phát là bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Thanh, với hơn 50% vốn điều lệ. Phần còn lại thuộc về hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.

Trong năm 2018, con gái ông cựu chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành và em gái “cá mập” - shark Đặng Hồng Anh - nổi lên là tiểu thư giàu nhất Việt Nam. Tiểu thư họ Đặng nắm giữ hàng loạt công ty mía đường hàng đầu tại Việt Nam với khối tài sản trực tiếp tiếp nắm quy từ cổ phiếu gần 1,1 ngàn tỷ đồng, lọt top 60 giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Bà Ức My vẫn đang miệt mài gom thêm cổ phiếu SBT của công ty mía đường số 1 Việt Nam: CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa. "Công chúa mía đường" Việt dự chi 240 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu cá nhân tại SBT từ 10,6% hiện nay lên 13,02%. Bà My đang là thành viên HĐQT SBT đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thành Thành Công, cổ đông lớn nhất của SBT (sở hữu 32% cổ phần SBT).

Bầu Đức thay đổi nhân sự

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) vừa có Nghị quyết thông qua việc thay đổi một loạt nhân sự chủ chốt. Trong đó, HNG chính thức miễn nhiệm 6 phó Tổng Giám đốc (TGĐ) và 1 kế toán trưởng kể từ đầu 2019. Thay vào đó, HNG bổ nhiệm 1 phó giám đốc và 1 kế toán mới, đều là người của Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương.

Cụ thể, HAGL Agrico bổ nhiệm ông Trần Bảo Sơn giữ chức vụ phó TGĐ, phụ trách cơ giới hóa, một mảng được coi là thế mạnh của Thaco. Trong khi ông Phạm Xuân Hòa giữ chức vụ kế toán trưởng.

Sáu phó TGĐ bị miễn nhiệm gồm: ông Trịnh Xuân Nhân, ông Lê Đình Vũ, ông Hoàng Đình Quý, ông Phan Thanh Thủ, ông Nguyễn Ngọc Anh và bà Nguyễn Thị Thanh Thảo. Kế toán trưởng bị miễn nhiệm là bà Hồ Thị Tuyết Lan.

Trước đó hồi tháng 9, HAGL Agrico cũng đã miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Đoàn Nguyên Thu (em trai Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức), ông Nguyễn Ngọc Ánh và Thành viên Ban kiểm soát đối với bà Nguyễn Thị Hải Yến.

Thương lái Việt sang Trung Quốc mua cả 1 nông trường cam

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, tự nhận mình “là một thương lái”. Dưới góc nhìn của một thương lái có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, bà Thực thẳng thắn thừa nhận tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ngành nông sản Việt Nam. Ngoài việc thương lái của họ sẵn sàng lùng sục đến tận vùng sâu vùng xa để thu mua, thì khoảng cách về công nghệ cũng là yếu tố quan trọng khiến nông sản Việt chưa thể vươn mình thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc.

Nữ doanh nhân nói lên thực trạng: “Các nông sản chúng ta có hầu như Trung Quốc đều có hoặc họ lai tạo rất nhanh để phù hợp và tốt hơn. Bản thân thị trường nội địa họ rất lớn chưa kể đến xuất khẩu và chế biến cũng rất lớn so với chúng ta. Vì thế họ đầu tư sản xuất sẽ lợi hơn chúng ta vì giá thành rẻ, tự động cao”.

Cựu TGĐ nhận tiền tỷ đưa vợ đi du lịch nước ngoài

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Từ Thành Nghĩa (cựu TGĐ Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro- VSP), Võ Quang Huy (cựu Chánh kế toán VSP) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".

Theo cáo trạng, Võ Quang Huy đã nhận và chiếm đoạt 6,7 tỷ đồng và 130. 000 USD, tương đương hơn 7,9 tỷ đồng; Từ Thành Nghĩa đã nhận và chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng và 30.000 USD, tương đương hơn 2,1 tỷ đồng.

Sau khi nhận tiền từ bà Thu, các bị can đều không kê khai, hạch toán, báo cáo VSP mà dùng tiền chi tiêu mục đích cá nhân như chi tiếp khách, giao lưu bạn bè, đưa vợ đi du lịch nước ngoài...

Tác giả: Bảo Anh (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP