|
Chiều 7/11, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc kiểm tra, chấn chỉnh, kỷ luật cán bộ liên quan (nếu có) trong phản ánh của báo chí “Lật tẩy đường dây bán phiếu khám nhanh “móc túi” người bệnh”, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có cuộc làm việc đột xuất với Bệnh viện Mắt Trung ương.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê |
Cô M.A trong bài báo không trong danh sách “cò mồi chuyên nghiệp”
Báo cáo với đoàn làm việc, TS Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay, ngày 29/10/2018, trên báo chí có đăng tải bài này, ngay trong buổi sáng giao ban ngày 30/10, ban giám đốc đã nhận được thông tin và tiến hành xử lý.
Bệnh viện cũng có công văn gửi đơn vị đăng tải, xác định cá nhân cán bộ y tế liên quan là BS N.D.T, khoa Chấn thương. Sau đó, Bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ và khoa kiểm điểm. Trước mắt, bệnh viện yêu cầu BS T ngừng công tác chuyên môn để tập trung tường trình vụ việc.
Phó Gíam đốc Bệnh viện Mắt Trung ương Phạm Ngọc Đông |
Trong nội dung bản tường trình, BS D.T có thừa nhận khám cho bệnh nhân không có phiếu khám ở khu khám theo yêu cầu.
BS này cam đoan không liên quan cò mồi mà chỉ “vô tình khám hộ khi chị ấy nhờ khám cho người nhà chị ấy. Việc chị M.A (người được nhắc trong bài báo - PV) có tham gia đội ngũ cò mồi hay không thì tôi hoàn toàn không biết” – bản tường trình cho hay.
Chia sẻ với đoàn làm việc, BS D.T cho biết đã nhận thức được sai phạm của mình khi không cho người bệnh không mua phiếu khám mà tự ý bảo người bệnh khám tại khu khám yêu cầu, do tranh thủ khám. Điều này đã vi phạm quy định của Bệnh viện.
“Về phía Bệnh viện, chúng tôi luôn khẳng định, không bao che, dung túng các hiện tượng cò mồi và tiếp tay cho cò mồi. Thứ 1 là thiệt hại tài chính bệnh viện, vì họ sử dụng cơ sở vật chất của viện mà lại phục vụ mục đích cá nhân. Ngoài ra, sự việc làm ảnh hưởng uy tín bệnh viện, ngành Y; thêm vào đó, không đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh” – TS Đông khẳng định.
Đại diện phòng Tổ chức cán bộ (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho hay, Bệnh viện nghiêm cấm trình dược viên không được lên các phòng ban và làm việc với cơ quan công an nhiều lần, công an cũng cung cấp danh sách cò mồi thường xuyên ra vào bệnh viện.
Đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định, cô M.A - vốn là trình dược viên, thời gian gần đây không làm ở viện Mắt Trung ương nữa.
“Theo danh sách cò mồi chuyên nghiệp do công an cung cấp không có tên cô này. Bản thân trong danh sách quản lý trình dược viên cũng không có tên cô M.A” – đại diện Viện nói và cho rằng, sau thời gian làm trình dược viên, cô M.A có sự quen biết các bác sĩ, việc cô ấy có móc nối hay là cò mồi hay không thì chỉ có cô ấy và bác sĩ mới biết.
Phát biểu tại cuộc làm việc đột xuất, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị Bệnh viện Mắt Trung ương phải rà soát lại tất cả quy trình, bởi theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh: “Nếu đúng quy định thì rõ ràng vụ việc không xảy ra”.
Cùng đó, theo PGS.TS Khuê, các bộ phận trong viện (khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Chấn thương, bảo vệ, công tác xã hội, phòng tổ chức cán bộ, kế hoạch tổng hợp…) phải xem xét kỹ quy trình, quán triệt rất rõ xem quy trình đón tiếp, khám chữa bệnh lỏng lẻo ở khâu nào, rút kinh nghiệm từng khâu một.
Đặc biệt, quản trị hành chính phải phối hợp để thực hiện chặt chẽ hơn đảm bảo an ninh, an toàn người bệnh, bệnh viện, bố trí thêm các biển chỉ dẫn, hướng dẫn cho người bệnh thuận lợi trong quá trình khám, chữa bệnh tại Bệnh viện.
45 phòng khám, chỉ 10 phòng khám đúng tuyến BHYT
Theo BS Minh Anh (phòng Kế hoạch Tổng hợp), mỗi ngày, Bệnh viện Mắt Trung ương khám trung bình 2.000 người với khoảng 45 phòng khám, chia 2 hệ thống (đúng tuyến BHYT và theo yêu cầu) trong đó, đúng tuyến là 10 phòng. Mỗi bác sĩ khám khoảng 40-50 bệnh nhân/ngày.
Đặc thù khám ở mắt là trẻ em và người già, số lượng người đi theo người bệnh rất đông. Nên lưu lượng trong viện với điều kiện chật hẹp là quá tải. Hệ thống khám bệnh lại trên nhà cao tầng phân tán, không tập trung nên lưu thông trong viện là khó khăn..
Đại diện Bệnh viện này cho hay, sau vụ việc, Bệnh viện quán triệt triệt để đón tiếp, vào máy thông tin bệnh nhân, bất kể người bệnh là ai. Vụ việc cũng được Bệnh viện tìm hiểu, phối hợp điều tra cụ thể.
“Nhân viên y tế của viện tiếp tay cho cò mồi bản thân tôi chưa phát hiện ra. Còn cò mồi hoạt động ở viện là có, thậm chí từng phát hiện cò mồi có tính chất lừa đảo” – ông Minh Anh nói.
Vị này nói thêm, ở viện có người chào mời, lôi kéo bệnh nhân ngay khi ở cổng, dắt đi các phòng khám tư nhân.
“Khi một số người có phản ứng không đi theo yêu cầu này, mà đòi khám trong viện, cò mồi lấy thông tin của người bệnh, vào viện lấy phiếu khám, ra nói với người bệnh là cứ vào khám, tôi đã gọi điện cho bác sĩ ở trên rồi. Đến lúc người bệnh vào phòng khám thì bị mời ra do không hề có phiếu khám, tức là bị lừa” – đại diện Phòng Kế hoạch Tổng hợp nói.
Tác giả: Võ Thu
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội