Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo đồng chí Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
Ngày 19/7/2019, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy:
Với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ (phụ trách lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016), đồng chí Vũ Văn Ninh đã ký các văn bản đồng ý cho giảm và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn; bán phần vốn nhà nước hiện có tại Công ty Cổ phần cảng Quảng Ninh; đồng ý chủ trương để Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa sau khi nhận chuyển giao Công ty Cổ phần cảng Nha Trang tiếp tục được thoái vốn nhà nước theo hướng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối; đồng ý chủ trương cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hóa); đồng ý chủ trương cổ phần hóa 10 đoạn quản lý đường thủy nội địa, đây là các đơn vị sự nghiệp kinh tế chưa được quy định cổ phần hóa. Nội dung những văn bản đồng chí Vũ Văn Ninh đã ký nêu trên trái với Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước...
Với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam (giai đoạn từ tháng 7/2006 đến năm 2011), đồng chí Vũ Văn Ninh đã thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội, Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; để hai Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (năm 2008 - 2009) vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong việc ký các hợp đồng cho Công ty cho thuê tài chính II, là tổ chức tín dụng phi ngân hàng thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vay 1.010 tỉ đồng. Đến nay, Công ty cho thuê tài chính II đã phá sản, làm cho Nhà nước thiệt hại lớn số tiền gốc và tiền lãi, hai lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị khởi tố để điều tra hình sự.
Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vũ Văn Ninh là nghiêm trọng, làm thiệt hại rất lớn tiền của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí, gây dư luận xấu, cần phải thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng.
Quá trình kiểm điểm, đồng chí Vũ Văn Ninh đã nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân về các vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Vũ Văn Ninh bằng hình thức cảnh cáo. Bộ Chính trị yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành chính đối với đồng chí Vũ Văn Ninh tương ứng với xử lý kỷ luật về Đảng.
Thi hành kỷ luật đối với nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Trước đó, ngày 16/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ban Bí thư họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và đồng chí Nguyễn Hồng Trường, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường. (Ảnh: TTXVN) |
Sau khi xem xét Tờ trình số 214-TTr/UBKTTW, ngày 12/7/2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy: Đối với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2011-2016, đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và Quy định số 172-QĐ/TW, ngày 7/3/2013 của Bộ Chính trị; ban hành nghị quyết trái với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải và trong thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam.
Vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2011-2016 là nghiêm trọng, làm thiệt hại và thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước, để nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Giao thông vận tải.
Căn cứ Quy định số 07-QĐ/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về xử lý tổ chức đảng vi phạm; xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2011-2016 bằng hình thức cảnh cáo.
Đối với đồng chí Nguyễn Hồng Trường, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Giao thông vận tải, ông cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải.
Đồng chí chịu trách nhiệm cá nhân về ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho cổ phần hóa,… không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, quản lý vốn tại các doanh nghiệp; đồng ý cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thực hiện một số hoạt động không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2013 và các quy định của Chính phủ; thiếu kiểm tra, để các doanh nghiệp được phân công phụ trách vi phạm, khuyết điểm gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Quá trình kiểm điểm, đồng chí Nguyễn Hồng Trường đã nhận thức rõ vi phạm và trách nhiệm của mình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Nguyễn Hồng Trường là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành Giao thông vận tải và cá nhân đồng chí.
Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/12/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm và quá trình công tác, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Hồng Trường bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021.
Đồng thời, Ban Bí thư yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành chính đối với đồng chí Nguyễn Hồng Trường đồng bộ với xử lý kỷ luật về Đảng.
Bộ Nội vụ kiến nghị thu hồi quyết định bổ nhiệm cán bộ sai quy định tại Tuyên Quang
Thanh tra Bộ Nội vụ vừa công bố kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý… trong cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Tuyên Quang giai đoạn từ đầu năm 2017 đến ngày 28/2/2019.
Theo Thanh tra Bộ Nội vụ, về quản lý biên chế công chức, cơ bản được UBND tỉnh và các cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật; nhưng tại thời điểm thanh tra, UBND tỉnh chưa phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm đối với 7 cơ quan, tổ chức.
Về thi tuyển, xét tuyển công chức, Hội đồng thi tuyển công chức được thành lập khi chưa hết thời hạn nhận hồ sơ dự tuyển theo quy định, việc tổ chức chấm thi, tổng hợp kết quả thi, thực hiện chế độ tập sự còn có thiếu sót nhưng không ảnh hưởng đến kết quả tuyển dụng.
Qua kiểm tra 33 hồ sơ cho thấy, các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức được UBND tỉnh thực hiện theo quy định pháp luật, nhưng đến thời điểm thanh tra có 16/33 công chức chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. Ngoài ra, UBND tỉnh Tuyên Quang và các cơ quan còn bổ nhiệm 11 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhưng còn thiếu một số điều kiện, tiêu chuẩn.
Kháng nghị thu hồi hơn 1.600 tỷ đồng từ BIDV để trả cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam
Liên quan đến vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2, mới đây Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm một phần bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó đáng chú ý, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị thu hồi hơn 1.600 tỷ đồng từ Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) để trả cho Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng Xây dựng).
Năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) cần tiền để sử dụng, nhưng không thể vay trực tiếp tại Ngân hàng Xây dựng nên đã sử dụng 29 công ty do bị cáo đứng sau vay tiền tại Sacombank, TPBank, BIDV, rồi dùng tiền của Ngân hàng Xây dựng gửi tại 3 ngân hàng này bảo lãnh cho các khoản vay. Hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại của Ngân hàng Xây dựng hơn 6.100 tỷ đồng khi 29 công ty không có khả năng trả nợ.
Trong đó liên quan đến BIDV, Phạm Công Danh đã dùng tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại BIDV để bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty của mình vay vốn. Khi ấy, vào ngày 3/10/2013, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu tư tại Hội sở chính của BIDV) đã có hành vi ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban Quản lý rủi ro, trên cơ sở các thành viên Ban này đồng ý về chủ trương cho 12 công ty của ông Danh vay số tiền 4.700 tỷ đồng để mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà.
Cùng ngày 3/10/2013, ông Trần Lục Lang (Phó Tổng giám đốc BIDV) đã ký 12 công văn gửi 4 chi nhánh là Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2, Nam Sài Gòn và Ban khách hàng doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ vay thẩm định phương án kinh doanh, quyết định cho vay đối với các phương án có hiệu quả đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi. Dù sau đó, BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay, nhưng hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng trên 2.550 tỷ đồng.
Ngày 6/8/2018, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 đã tuyên buộc BIDV phải hoàn trả lại cho Ngân hàng Xây dựng hơn 1.600 tỷ đồng vì đây là vật chứng của vụ án.
Tuy nhiên, xét xử phúc thẩm ngày 25/12/2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận kháng cáo của BIDV, tuyên BIDV không phải hoàn trả cho Ngân hàng Xây dựng số tiền trên. Hội đồng xét xử nhận định, số tiền hơn 1.600 tỷ đồng này là bị cáo Phạm Công Danh thông qua Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Bảo Gia (Công ty của Phạm Công Danh) vay của BIDV từ năm 2013. Số tiền này đã tổng hòa chung vào dòng tiền của BIDV những năm 2012, 2013, trước khi vụ án tại Ngân hàng Xây dựng bị khởi tố và hiện không còn lưu lại tại BIDV.
Nghiên cứu bản án phúc thẩm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, việc Tòa cấp phúc thẩm không buộc BIDV phải hoàn trả số tiền hơn 1.600 tỷ cho Ngân hàng Xây dựng là không có căn cứ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.
Phải thường xuyên chăm lo quyền lợi đoàn viên
Tác giả: XC
Nguồn tin: Báo Tin tức