Trong tỉnh

“Nóng” tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Nghệ An, Hà Tĩnh

Ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép, có trường hợp dù bị cơ quan chức năng “tuýt còi” nhưng vẫn cố tình vi phạm đang khiến dư luận bức xúc.

Tình trạng này xảy ra trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nhưng nguy cơ tái diễn vẫn tiềm ẩn khiến nguồn tài nguyên quốc gia có thể bị “móc ruột”, thu lợi bất chính có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nhiều chiêu “mọc ruột” tài nguyên

Đầu tháng 7/2022, báo chí và dư luận Nghệ An đã phản ánh tình trạng nhiều xe tải hạng nặng cùng máy múc ra vào khu vực đất rừng sản xuất ở lèn Thung Buồng (thuộc xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu) để đào đất đá mang đi san lấp mặt bằng. Khi lực lượng chức năng đến làm việc, những người khai thác khoáng sản trái phép còn tỏ thái độ thách thức, không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng. Ngày 6/6/2022, khi những người này vẫn đang khai thác khoáng sản thì lực lượng chức năng đã ập vào bắt quả tang, lập biên bản và tạm giữ 2 máy xúc.

Qua điều tra, lực lượng chức năng huyện Quỳnh Lưu đã xác định được ông Lê Huy Dũng (41 tuổi, ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) là người đã tổ chức khai thác khoáng sản trái phép.

Ngày 5/8/2022, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu đã ra Quyết định số 1234/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính ông Lê Huy Dũng 50 triệu đồng vì khai thác trái phép khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực Thung Buồng, với khối lượng là 180m3.

Ông Dũng còn có nhiều tình tiết tăng nặng như: Sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu; vi phạm hành chính có quy mô lớn. Huyện Quỳnh Lưu đã xử phạt bổ sung, buộc ông Dũng nộp vào ngân sách nhà nước 907 triệu đồng. Đây là khoản tiền tương đương giá trị 1 chiếc máy xúc do Hội đồng định giá của UBND huyện Quỳnh Lưu đưa ra - phương tiện mà ông Dũng đã dùng để khai thác khoáng sản bị cơ quan chức năng thu giữ.

Đoàn xe tải hạng nặng nối đuôi nhau vào mỏ đất trái phép ở lèn Thung Buồng. Ảnh: T.H

Ngoài ra, ông Dũng còn phải cải tạo, phục hồi môi trường, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc, xác minh…. Đồng thời, tịch thu toàn bộ giá trị khoáng sản bị khai thác trái phép trị giá 9 triệu đồng.

Chưa hết, mới đây, ngày 9/9/2022, UBND huyện Quỳnh Lưu lại có Quyết định số 1389/QĐ-SĐBSHB bổ sung quyết định xử phạt đối với ông Lê Huy Dũng thêm 350 triệu đồng. Đây là khoản tiền tương đương với tang vật bị tạm giữ là máy xúc nhãn hiệu HUYNDAI ROBEX 2900LC-7 mà ông Dũng dùng để khai thác khoáng sản trái phép.

Ngoài ra, huyện Quỳnh Lưu cũng đã xử phạt 4 triệu đồng đối với 1 tài xế xe tải vì vận chuyển khoáng sản trái phép. Cơ quan chức năng cũng đang hoàn thiện hồ sơ, xử lý thêm 2 xe tải còn lại. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, ông Lê Huy Dũng đã bị xử phạt với khoản tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng để tiếp tục xử lý. Về mỏ đá Thung Buồng đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ cho Công ty CP Thương mại và Xây dựng Bình An nay đã hết thời gian thực hiện. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, xử lý việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường của công ty theo quy định.

Theo ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản đôn đốc, chỉ đạo các các sở, ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Một số vụ việc được công an tỉnh xử lý mang tính chất răn đe, nhưng tình trạng khai thác đất, cát sỏi trái phép vẫn diễn ra.

Được biết, năm 2020, Nghệ An triển khai 86 đoàn thanh tra, kiểm tra, truy thu hơn 25 tỷ; 11 tháng năm 2021, thực hiện 60 đoàn, truy thu 15,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở một số loại khoáng sản như: đất san lấp, cát sỏi lòng sông, quặng thiếc, đá trắng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều vụ mất an toàn lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản, gây thiệt hại về người, tài sản. Theo kế hoạch trong năm 2022, sẽ có 26 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động khoáng sản được thanh, kiểm tra.

Nhiều doanh nghiệp bị xử phạt

Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh, trong đợt thanh kiểm tra liên ngành vừa qua đã tiến hành làm việc với 16 đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện có 4 doanh nghiệp khai thác mỏ vật liệu xây dựng, gồm 2 mỏ đất và 2 mỏ đá ở huyện Hương Sơn và huyện Hương Khê có hành vi vi phạm trong quá trình khai thác.

Cụ thể, các doanh nghiệp này khai thác không đúng thiết kế, khai thác vượt công suất cho phép, sử dụng khoáng sản đi kèm khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, không đảm bảo an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường.

Sau khi làm rõ các sai phạm, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản đối với 4 doanh nghiệp tổng số tiền 282 triệu đồng và yêu cầu khẩn trương khắc phục các vi phạm trước khi tiếp tục việc khai thác.

Bên cạnh đó, Đoàn liên ngành còn yêu cầu 1 đơn vị khác giải trình do có một số sai phạm trong quá trình khai thác khoáng sản.

Lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ nhiều vụ khai thác cát trái phép trên sông

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh cho hay, đợt thanh, kiểm tra các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nằm trong kế hoạch kiểm tra 52 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Tĩnh năm 2022 của Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh.

Được biết, trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền, từ đầu năm 2022 lại nay, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 20 cuộc kiểm tra, thanh tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Trong đó đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền đối 39 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 1,9 tỷ đồng. Sở TN&MT cũng tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh xử lý theo thẩm quyền đối với 7 tổ chức có hành vi vi phạm với tổng số tiền xử phạt là trên 2 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, thời gian gần đây, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đấu giá thành công 34 mỏ khoáng sản làm VLXD. Trong đó, năm 2021 đấu giá thành công 17 mỏ, trong đó có 13 mỏ đất, 3 mỏ cát và 1 mỏ đất sét, thu ngân sách hơn 21 tỷ đồng.

Tác giả: Cao Sơn

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP