Những năm qua, nhiều diện tích đồi thoải ở các xã Thanh Nho, Thanh Đức, Thanh Mỹ, Thanh Hòa, Thanh Thủy… được người dân phủ xanh bằng cây rễ hương. Ảnh: Huy Thư |
Thanh Nho là xã có diện tích trồng cây rễ hương nhiều nhất huyện Thanh Chương, tập trung ở các xóm 7, 8, 9, 10; với diện tích từ 30 - 70 ha/năm. Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, rễ hương được người dân thu hoạch đại trà phục vụ cho việc sản xuất hương Tết. Ảnh: Huy Thư |
Thu hoạch rễ hương khá tốn công, người lao động phải mang cuốc đi đào từng gốc cây. Một người dân xóm 10 xã Thanh Nho chia sẻ: “Làm rễ hương, một người trồng, ba người đào”. Năm nay diện tích trồng rễ hương không tăng, trong khi nhu cầu thị trường lớn nên việc thu mua đang “nóng” trên thị trường. Ảnh: Huy Thư |
Sau khi đào, kéo được cây lên, người thu hoạch thường cầm cả nắm rễ hương đập vào 1 cái gốc cây cho sạch đất. Đào cây đến đâu thì dời gốc cây đến đó. Cây rễ hương đạt chất lượng tốt là loại cây già, rễ nhiều, thơm; giá thu mua hiện tại khoảng 8.000 đồng /kg tươi, 28.000 đồng/kg khô. Ảnh: Huy Thư |
Theo anh Nguyễn Phùng Nhỏ ở xóm 8, xã Thanh Nho, nhà anh trồng hơn 0,5 ha rễ hương, nếu bán tại ruộng được 30 triệu; còn tự mình thu hoạch, sơ chế thì giá được gần gấp đôi. Vào mùa thu hoạch rễ hương, các hộ dân thường đổi công cho nhau hoặc đi làm công cho các lái buôn”. Ảnh: Huy Thư |
Rễ hương sau khi thu hoạch được chặt ngắn, lấy 10 -12 cm phần gốc, sấy khô, có thể nghiền bột... Trên địa bàn xã Thanh Nho, hiện có 3 xưởng chế biến lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Huy Thư |
Sản phẩm rễ hương Thanh Chương được khách hàng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… ưa chuộng. Cơ sở thu mua Sinh Vân cho biết, mỗi tháng họ xuất đi hàng chục tấn rễ hương. Ảnh: Huy Thư |
Ông Trần Đình Truyền - Phó chủ tịch xã Thanh Nho khẳng định: “So với các cây trồng khác như chè, sắn, cây rễ hương đem lại thu nhập cao hơn, khoảng 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, rễ hương khá kén đất, trồng 1 - 2 năm phải luân canh cây trồng khác”. Ảnh: Huy Thư |
Tác giả: Huy Thư
Nguồn tin: Báo Nghệ An