Đàn hươu, nai ở huyện Quỳnh Lưu lên đến hơn 14.000 con. Đây được gọi là "con tiền tỷ" của nông dân. Sau mỗi mùa cắt lộc, người chăn nuôi hươu ở huyện Quỳnh Lưu thu về hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, việc chăm sóc hươu trong mùa rét được bà con đặc biệt chú ý, "người có thể lạnh nhưng không để hươu rét".
Xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) là một trong những địa phương có đàn hươu nuôi lớn nhất tỉnh Nghệ An. Đây là loài vật khá "đỏng đảnh" với thời tiết, không có khả năng chịu lạnh. Vì vậy, những ngày nhiệt độ xuống thấp, bà con phải sử dụng củi, đốt lửa để sưởi ấm suốt ngày đêm.
Cặp nhung hươu có giá trị kinh tế lớn, về mùa đông nếu không được sưởi ấm trong khu vực chuồng trại cặp nhung sẽ bị teo. Ảnh: Xuân Hoàng |
Gia đình ông Trần Thanh Bình ở xóm 4, xã Quỳnh Nghĩa hiện nuôi 12 con hươu lấy lộc. Ông Bình cho biết, ngoài che chắn kín chuồng, ông còn sử dụng những thân củi to đốt lên để sưởi ấm cho đàn hươu. Nếu hươu bị rét lộc hươu sẽ teo lại, không đạt trọng lượng nên giá trị thấp.
Ông Bình cho biết, về mùa đông ngoài che chắn kín chuồng trại, còn phải đốt lửa sưởi ám cho đàn hươu. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ông Tô Duy Hiền - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Hiện tại trên địa bàn xã có trên 400 hộ nuôi hươu, với khoảng hơn 1.500 con. Vào mùa đông, người dân phải lo che chắn kín chuồng trại và thường đốt lửa sưởi ấm cho hươu, để con hươu phát triển tốt, cặp lộc hươu đảm bảo chất lượng, trọng lượng.
Đây đang là "thời điểm vàng" để hươu, nai phát triển lộc, chờ mùa cắt lộc sau tháng Giêng. Ngoài việc sưởi ấm suốt ngày đêm, để chăm sóc hươu, nai ngày giá rét, người dân còn phải gia tăng nguồn thức ăn, đảm bảo thức ăn sạch, đầy đủ dinh dưỡng để hươu không bị nhiễm bệnh, lộc không bị teo.
Bên cạnh nuôi hươu, người dân Quỳnh Lưu còn đầu tư nuôi bò sữa hiệu quả. Tổng đàn bò của huyện hơn 400 con. Những ngày rét đậm, rét hại, người dân phải tăng cường chăm sóc đàn bò sữa bằng cách che chắn, tăng cường thức ăn và đốt lửa sưởi ấm.
|
Tác giả: Xuân Hoàng - Quang An
Nguồn tin: Báo Nghệ An