Bò liên tiếp sẩy thai (?!)
Chiều 2/5, PV báo Người Đưa Tin tìm về ấp An Lợi (xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) – nơi có hộ nông dân nuôi bò nhưng con bò nào cũng lần lượt bị sẩy thai sau khoảng 2 đến 5 tháng, thậm chí có con bị sẩy thai đến 2 lần.
Điều ngạc nhiên, rơm cuộn (một loại rơm khô được chế biến quấn thành cuộn, bán cho trâu, bò ăn – PV) vốn là thức ăn chủ yếu, nay bị quy là… thủ phạm. Tin đồn này đã vượt khỏi địa phận xã An Thủy, rồi huyện Ba Tri và toàn tỉnh Bến Tre. Chưa dừng lại đó, tin đồn đã lan rộng khắp các tỉnh miền Tây.
Có mặt tại ấp An Lợi, PV nhanh chóng xác định hộ nông dân trên chính là ông P.T.L. Ông này đang nuôi 4 con bò cái giống lai Brahman. Thời gian qua, vì cho bò ăn rơm cuộn, 4 con bò của gia đình ông khi mang thai đều bị sẩy, thiệt hại cả chục triệu đồng.
Trước sự việc lạ thường này, người dân địa phương không khỏi hoang mang. Do lo sợ bò nhà mình cũng bị tình trạng trên nên những hộ nuôi bò tại địa phương đã ngừng không mua rơm cuộn cho bò ăn.
Chia sẻ với PV, bà Bùi Thị Thu (ngụ ấp An Lợi) nói: “Từ khi bò nhà ông L. liên tục sẩy thai, có con sẩy đến hai lần do ăn rơm cuộn khiến người nuôi bò vô cùng lo lắng. Những ngày sau đó, dư luận lại xôn xao khi nói rằng rơm cuộn được các thương lái thu mua, rồi tẩm lưu huỳnh vào để giữ rơm lâu và có màu sắc đẹp. Đây chính là những tác nhân gây ra tình trạng bò nhà ông L. sẩy thai”.
Cả đời làm nông, theo bà Thu đây là hiện tượng cực kỳ hi hữu. Ngoài chuyện xảy ra tại nhà ông L., dư luận cũng xôn xao khi bò tại nhiều địa bàn khác cũng gặp phải tình trạng trên.
“Chính vì lo ngại, nên người dân chúng tôi tạm dừng mua rơm cuộn để cho bò ăn. Thời gian vừa qua, nhiều thương lái chở rơm đến bán nhưng đành phải chở về hoặc đổ bỏ vì không có người mua”, bà Thu nói.
Với vẻ mặt chán nản, ông Trần Văn Năm (ngụ xã An Thủy) chia sẻ: “Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, tình trạng nắng nóng diễn ra khốc liệt, kèm theo mặn xâm nhập ảnh hưởng trầm trọng đến tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và cả khu vực miền Tây.
Do nguồn thức ăn xanh bị cạn kiệt, người dân chuyển sang dùng rơm cuộn để khắc phục tình trạng thiếu hụt thức ăn cho bò. Việc xuất hiện thông tin “bò ăn rơm cuộn có tẩm khí lưu huỳnh gây sẩy thai” đã khiến người nông dân quay lưng với loại thực phẩm cho bò này”.
Theo ông Năm, do không còn nguồn thức ăn thay thế, người dân phải lùng sục khắp nơi để tìm mua rơm khô sạch. Có người tìm mua được nhưng có người lại không. Trước cuộc chiến “tìm nguồn thức ăn sạch cho bò”, người dân nơi đây thật sự khốn khổ.
Cũng theo lời ông này, không chỉ người nuôi bò lao đao mà những thương lái bán rơm cũng rơi vào tình cảnh “cười ra nước mắt.
“Họ thu mua cả chục tấn rơm khô rồi đóng thành cuộn. Khi vận chuyển đến Bến Tre tiêu thụ thì không một ai mua. Do chi phí thuê mướn phương tiện chuyên chở quá lớn, các thương lái đành vận chuyển về nhà. Họ cũng thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể”, ông Năm cho hay.
Là thương lái chuyên thu mua rơm khô rồi chế biến thành cuộn bán cho người nuôi bò nhiều năm, ông Lê Văn Bảo (ngụ huyện Ba Tri) buồn bã nói: “Từ khi xuất hiện thông tin bò ăn rơm cuộn sẽ gây sẩy thai, tiếp đó lại có thêm thông tin “rơm cuộn có tẩm khí lưu quỳnh càng khiến bò sẩy thai nhanh hơn” khiến người kinh doanh rơm cuộn như chúng tôi chỉ biết bó gối mà khóc.
Cũng chẳng biết phải làm sao để người dân mua rơm trở lại. Tôi khẳng định, thương lái chúng tôi không làm gì phải tẩm khí lưu huỳnh vào rơm cả”.
Bò do ông L. nuôi nguyên nhân gây sẩy thai không phải do rơm cuộn.
Tin đồn sai sự thật
Có mặt tại nhà ông L., người nông dân này đang rất buồn bã vì “bò liên tiếp sẩy thai” diễn ra ngay tại nhà mình. Ông L. nói: “Thấy người ta nuôi giống bò lai Brahman rất hiệu quả, đặc biệt là sinh sản nhiều nên tôi mua 4 con bò cái để nuôi.
Thế nhưng, không hiểu vì sao, con bò nào mang thai cũng bị hỏng thai. Thậm chí, có con đã sẩy thai đến 2 lần. Qua đánh giá các nguyên nhân, tôi cho rằng rơm cuộn chính là thủ phạm”.
Theo ông L., do sự việc xảy ra quá lạ thường nên đã gây sự chú ý của người dân địa phương. Sau khi tin đồn lan rộng, đại diện các ban ngành địa phương của tỉnh Bến Tre đã đến nhà ông kiểm tra, đánh giá nguyên nhân.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hải – Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: “Thông tin bò sẩy thai do ăn rơm cuộn gây ra nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi trâu bò của tỉnh.
Thực tế thời gian qua, khi nguồn thức ăn xanh cạn kiệt, giải pháp rơm cuộn đã giải quyết được bài toán thức ăn bổ sung. Tuy nhiên, tin đồn sai sự thật trên đã gây ảnh hưởng rất nhiều”.
Liên quan đến vấn đề bò sẩy thai tại hộ ông L., một cán bộ phụ trách chăn nuôi của sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, qua kiểm tra, theo dõi, ngành chức năng đã xác định, bò cái tại nhà ông L. được nuôi nhốt trong diện tích quá hẹp nên gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai của bò.
“Đàn bò của ông L. bị sẩy thai hoàn toàn không liên quan đến việc ăn rơm cuộn. Nguyên nhân có thể do bệnh lý từ gia súc hoặc do cách quản lý, chăm sóc của gia đình chưa phù hợp trong giai đoạn bò mang thai”, vị cán bộ này thông tin.
Không ai dùng khí lưu huỳnh để xông vào rơm!
Ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Thông tin bò sẩy thai do ăn rơm cuộn có tẩm khí lưu huỳnh là không chính xác, sai sự thật. Thực tế, không ai dùng khí lưu huỳnh để xông vào rơm cả, vì việc làm này không có tác dụng gì.
Thực tế bò có bị ảnh hưởng do ăn rơm cuộn nhập từ ngoài tỉnh vào Bến Tre nhưng nguyên nhân do rơm ẩm mốc, chưa được khô. Để hạn chế các tác nhân do rơm khô gây ra, người nông dân khi mua rơm cuộn về thì xổ ra, phơi thật khô và chất thành cây rồi mới cho bò ăn”.
Tác giả bài viết: Mai Minh