Trong tỉnh

Nông dân cấy thuê kiếm nửa triệu/ngày dịp cận Tết

Mặc dù, công việc vất vả nhưng nhiều thợ cấy vẫn chớp thời cơ mùa vụ đi cấy mạ thuê để kiếm tiền trong những ngày cận Tết.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành… của tỉnh Nghệ An bà con nông dân đang xuống đồng gieo cấy lúa vụ Xuân.

Mỗi vụ gieo cấy chỉ diễn ra trong vòng vài ba tuần nên những gia đình có ruộng nhiều nhưng ít người đành phải thuê đội ngũ đi cấy cho kịp mùa vụ để đón Tết.

Theo ghi nhận của PV, từ sáng tinh mơ, trên các cánh đồng, nhiều tốp người lập thành từng nhóm để đi cấy thuê. Mỗi ngày đi cấy như vậy cũng mang lại một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống.

Theo anh Trần Văn Trường, trú xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, năm nay gia đình anh làm một mẫu ruộng. "Vụ mùa thì mình phải làm theo làng, theo xã. Cấy muộn hơn so với các hộ khác không được. Vì ruộng nhiều nên gia đình tôi phải thuê 6 người cấy cho kịp mùa vụ. Theo dự kiến đến khoảng 23 Tết gia đình hoàn thiện cấy vụ Xuân", anh Trường cho biết.

Theo các thợ cấy, hiện nay tiền thuê người đi cấy mỗi ngày dao động khoảng 300.000 đồng – 500.000đồng tùy vùng. Dù tiền công khá cao nhưng công việc cũng khá vất vả. Cả ngày phải còng lưng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Theo người dân nơi đây, tìm kiếm thợ cấy cũng không hề đơn giản. Thợ cấy rất đắt "sô", phải đặt hàng mãi mới có.

Những người đi cấy thuê sẽ tập hợp lại thành một nhóm để tiện liên lạc và tổ chức đi cấy thuê. Nhiều thợ cấy phải đi xe máy và mang theo cơm, nước để tranh thủ ăn rồi làm cho kịp.

Thợ cấy thông thường chỉ việc cấy, còn chủ nhà sẽ hỗ trợ nhổ mạ (lúa non) rồi đưa đến cho người làm thuê cấy. Hoặc các chủ ruộng sẽ gieo mạ ngay trên khu vực ruộng cấy để tiện nhổ và cấy.

Thợ cấy thuê đòi hỏi người phải có sức khỏe. Cả ngày phải cúi khom lưng, chân tay ngâm nhiều dưới bùn nên cứ xong mùa vụ, người đi cấy thuê đau lưng lại đau ê ẩm, nhiều khi bị mỏi gối, đêm về nhức không ngủ được.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, trú xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết, tốp thợ của chị gồm 6 người. "Ngoài nhận cấy gần nhà, nhóm của chị thỉnh thoảng cũng đi các huyện khác. Phần lớn những người làm nghề này đều là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trung tuổi. Việc đi cấy vào mùa đông càng vất vả hơn, nhất là khi thời tiết gió rét căm căm. Để đảm bảo sức khỏe, thợ cấy phải mặc nhiều áo, quàng thêm áo mưa, chân đi ủng chống nước", chị Tuyết chia sẻ.

Theo những người thợ cấy lúa, nếu nhận khoán cấy theo ruộng, người thợ có thể nhận được hơn 500.000 đồng. Tuy nhiên việc này sẽ khiến người thợ mệt nhọc hơn.

Mặc dù những ngày cận Tết nhưng những người thợ cũng phải tranh thủ cho kịp mùa vụ. "Vì cấy theo mùa vụ nên chúng tôi phải tranh thủ, chứ hết mùa muốn đi cấy thuê cũng không được. Nhiều hôm mặc dù người mệt, đau lưng nhưng tôi phải cố gắng ít ngày. Dịp này, nếu chăm chỉ cấy thuê đến Tết chắc tôi cũng kiếm được 8-9 triệu đồng. Số tiền đó, cũng đủ mua sắm những thứ cơ bản để ăn Tết”, chị Phạm Thị Thuý, trú huyện Yên Thành cho biết.

Thời điểm này, nhiều người đang trang hoàng nhà cửa, sắm Tết thì các đội thợ cấy lại đang miệt mài trên ruộng đồng để kiếm thêm thu nhập. Vì mức tiền công cao, nhiều thợ cấy nhận “kèo” cấy thuê đến hết ngày 29 Tết.

Tác giả: Minh Tâm - Hà Hằng

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP