Có thể nói mức án như vậy là chưa công bằng, hợp lý, quá "ưu ái" đối với kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều chuyên gia pháp lý, luật sư có uy tín cho rằng xử như vậy chẳng khác nào tiếp tay, cổ xúy cho hành vi phạm tội xâm hại trẻ em, thách thức dư luận, bẻ cong cán cân công lý.
Hành vi phạm tội của bị cáo Thủy là rất nguy hiểm cho xã hội, lại phạm tội nhiều lần, với nhiều trẻ em, có em còn rất nhỏ tuổi. Đó là chưa nói có thể còn nhiều em khác bị xâm hại chưa được phát hiện hoặc gia đình không tố giác.
Vụ án này đã gây bức xúc trong dư luận cả nước suốt thời gian dài nên khi đưa ra xét xử ai cũng mong công lý được thực thi và kẻ phạm tội sẽ phải đối diện với hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, với mức án mà tòa phúc thẩm mới tuyên vừa qua làm cho đa số người dân thất vọng lẫn bức xúc, phẫn nộ.
Theo pháp luật hiện hành, loại tội phạm về tình dục, nhất là xâm hại trẻ em, kẻ phạm tội đối diện với mức hình phạt rất nặng. Ngoài ra, để phòng ngừa, răn đe đối với loại tội phạm nguy hiểm này trong các đợt đặc xá, tha tù trước thời hạn, giảm án thì các tội phạm về tình dục, nhất là tội xâm hại tình dục trẻ em, không được ưu tiên xem xét.
Từ đó, có thể thấy rằng mức án dành cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội. Bên cạnh đó, bản án này còn để lại hệ quả pháp lý rất tiêu cực, đó là những người bị xâm hại sẽ không còn tin pháp luật, không còn dám đứng lên đòi công lý cho chính mình và con cái họ. Bởi vì, khi họ đứng ra tố giác kẻ phạm tội thì gia đình họ, nhất là những trẻ em bị hại đã phải chịu áp lực đe dọa, trả thù của kẻ phạm tội, nhất là ảnh hưởng về tâm lý, cuộc sống của con cái họ về sau.
Nguy hiểm hơn, nếu xét xử như vậy sẽ có nguy cơ làm cho tội phạm về tình dục, nhất là xâm hại trẻ em sẽ gia tăng trong thời gian tới, khi mà mức án dành cho kẻ phạm tội quá nhẹ.
Vì vậy, đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo thẩm quyền cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để hủy bản án và xét xử lại từ đầu. Theo đó, cần xét xử theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Thủy.
Không thể chấp nhận một kẻ tội phạm tình dục đối với trẻ em một cách nghiêm trọng như vậy lại được hưởng án treo. Đặc biệt là khi biết rằng ông Thủy còn có hành động thách thức pháp luật như dọa thuê côn đồ xử những người tố cáo, đòi tự thiêu...
Điều này không những răn đe phòng ngừa mạnh mẽ đối với tội phạm xâm hại trẻ em mà còn lấy lại niềm tin của người dân đối với hệ thống pháp luật, công lý. Cùng với đó là góp phầp tích cực vào việc ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em đang có chiều hướng gia tăng hết sức nghiêm trọng, phức tạp, nguy hiểm hiện nay.
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (ngồi, bìa trái) tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh: HOÀNG VĂN PHÚ |
ThS luật PHẠM VĂN CHUNG (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)
Nguồn tin: Báo Người lao động