Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nghe báo cáo tại chốt kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 trên Quốc lộ 37 đi qua TP Chí Linh (Hải Dương) |
Đợt bùng phát dịch CoVid-19 lần thứ ba đang diễn ra cho thấy sự nguy hiểm, khó lường, tốc độ lây lan nhanh chóng với chủng virus mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.
Để dập dịch, ngoài vấn đề chuyên môn đòi hỏi mọi người phải có niềm tin, sự bình tĩnh, sáng suốt, tinh thần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao nhất. Yêu cầu chống dịch như chống giặc phải được đẩy lên cao trào.
Các nhà chuyên môn nhận định: Chủng virus mới có tốc độ lây lan rất nhanh. Trong lúc cơ quan chức năng truy vết tìm F1, thì có thể F1 đã lây cho F2 và dễ lan rộng trong cộng đồng. Thực tế, các nhà dịch tễ vừa phát hiện chủng virus mới ở Anh, thì nó đã lan nhanh ra hơn 34 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam không thể cấm cửa hoàn toàn hoạt động giao lưu, đi lại làm ăn với các nước trong một "thế giới phẳng". Với yêu cầu phải đảm bảo "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nên chúng ta chỉ có thể siết chặt hàng rào kiểm soát y tế và quan trọng là, khi tình hình diễn biến xấu hơn, phải kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch có hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh với quyết tâm cao nhất.
Biến thể virus corona đã xuất hiện ở Việt Nam, thay vì hoảng sợ, nghi ngờ khả năng khống chế dịch bệnh của cơ quan chức năng, thì đông đảo người dân đã thể hiện sự bình tĩnh, tin tưởng và đồng tâm, một lòng cùng với Chính phủ, chính quyền và các cơ quan chuyên môn phòng, chống dịch.
Thực tế là, từ khi phát hiện các ca nhiễm virus đầu tiên tại Hải Dương và Quảng Ninh, đến nay các ổ dịch tại 2 địa phương này cơ bản được khống chế. Còn đối với Hà Nội – địa phương tiếp theo bị lây lan với tốc độ nhanh, sau khi xét nghiệm xong toàn bộ những người đến từ vùng dịch, cơ quan chức năng cũng đã kiểm soát được tình hình. Các địa phương khác trong nước cũng đã kích hoạt hệ thống phòng dịch phù hợp với tình hình thực tế theo phương châm "5K".
Chống dịch như chống giặc không chỉ là yêu cầu, quyết tâm của Đảng, Chính phủ, mà thật sự đã là một cuộc chiến không tiếng súng với quyết tâm cao nhất là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Diễn biến tình hình, tác hại của dịch bệnh CoVid-19, nhất là biến thể của nó là chưa từng có tiền lệ, là thật sự khó lường. Chẳng phải ngay cả tổ chức Y tế thế giới WHO cũng đã từng lúng túng, bất ngờ. Nhiều chính trị gia tầm cỡ, nhiều quốc gia có nền y tế tiên tiến, nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới cũng đã từng nhận định sai về tác hại của dịch bệnh, về cách thức ứng phó nên hay không nên đeo khẩu trang, nên cách ly nghiêm ngặt người nhiễm virus, các F1, F2 hay để "miễn dịch cộng đồng", đó sao?
Yêu cầu của mỗi trận chiến là niềm tin, sức mạnh của lực lượng, sự sáng suốt của người chỉ huy. Tinh hoa của Việt Nam là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, là tinh thần đoàn kết, nhất trí, trên dưới một lòng, là sự sáng suốt của người chỉ huy. Lãnh đạo là một tập thể, nhưng người dân rất công tâm, qua hai đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua đã nổi lên vai trò, sự xông pha, tài trí của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – người được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Mặc dù đã xuất hiện các tin giả về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam liên quan việc chỉ đạo phòng chống dịch, hay việc ông có phát biểu về việc "khống chế dịch trong 10 ngày" cũng là sự thể hiện quyết tâm, sự chân thành và tinh thần trách nhiệm của ông với tư cách người thay mặt Chính phủ chỉ huy "trận đánh" chống dịch bệnh.
Người dân tin tưởng vào tập thể lãnh đạo Chính phủ, vào người chỉ huy, đứng đầu Ban Chỉ đạo Quốc gia - chân thành và trách nhiệm.
Và, người dân cũng luôn tinh tường, sòng phẳng và thực tế. Họ nhìn vào hành động của người chỉ huy để đồng tâm, hiệp lực ngăn chặn, đẩy lùi Covid-19.
Tác giả: Trần Hiệp Thủy; Ảnh: VGP
Nguồn tin: Báo Người Lao Động