Thế giới

Nơi nào trên thế giới chưa bị COVID-19 tấn công?

Các quốc đảo trên Thái Bình Dương, Triều Tiên và cả châu Nam Cực vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào trong lúc cơn bão virus corona chủng mới đang càn quét gần như toàn bộ thế giới.

Trẻ em trên Solomon Islands - Ảnh chụp màn hình

"Chạy ra đảo để tránh dịch" - cách một số người vẫn nói vui với nhau - có lẽ đúng vào lúc này với các nhóm đảo nhỏ rải rác khắp Thái Bình Dương.

Với tổng dân số chưa đầy 1 triệu người, lại bị bao phủ tứ phía bởi đại dương, các quốc gia như Tonga, Solomons Islands, Marshall Islands và Micronesia được ví như những thành lũy cuối cùng của nhân loại chưa bị virus corona tấn công.

Cũng giống như Triều Tiên trên đất liền, những chấm nhỏ li ti trên bản đồ thế giới này chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nhiễm bệnh nào trong lúc số ca nhiễm toàn cầu đã hơn 850.000 người, bao gồm 42.000 người chết.

Solomon, quốc đảo đông dân nhất trong số các quốc đảo vừa kể, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp dù chưa có trường hợp dương tính nào.

Tại Palau, quốc gia có khoảng 18.000 dân, cuộc sống vẫn diễn ra theo cách bình thường nhưng không còn bình dị. Chị Klamiokl Tulop, một người mẹ đơn thân 28 tuổi, hi vọng Palau có thể tránh được số phận của Vũ Hán, New York hay Madrid - những nơi có hệ thống y tế tốt đã bị virus corona tấn công mạnh.

"Người dân vẫn ra đường nhưng họ mua sắm, tích trữ nhiều hơn trong tâm trạng hoang mang", chị Tulop chia sẻ.

Hãng thông tấn AFP nhận định đại dương đang đóng vai trò như vùng đệm và bức trường thành ngăn cản virus. Với khoảng cách giữa mỗi hòn đảo có thể lên tới hàng trăm kilomet cộng thêm việc chính quyền những nơi này hạn chế đi lại, virus hầu như không có cơ hội lây lan ở các đảo quốc.

Nhưng tại Nam Cực, khí hậu khắc nghiệt mới là nguyên nhân chính khiến nó trở thành châu lục duy nhất trên thế giới không có người nhiễm COVID-19. Khoảng 90 nhân viên, nhà khoa học đang bị cô lập trong 4 trạm nghiên cứu của Úc ở châu Nam Cực.

AFP hóm hỉnh bình luận có lẽ họ là những người cuối cùng trên Trái Đất này có thể thoải mái tụ tập và ăn uống cùng nhau trong mùa dịch corona. Theo một nhà nghiên cứu đang ở tại Nam Cực, thời tiết khắc nghiệt đã cô lập châu lục này với thế giới bên ngoài và có thể giúp họ an toàn ít nhất tới tháng 11 năm nay.

Nhưng xa xôi tách biệt không có nghĩa là miễn nhiễm với virus corona. Quần đảo Bắc Mariana thuộc Mỹ nằm giữa Thái Bình Dương đã ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên hồi cuối tuần qua.

AFP thừa nhận cho dù các đảo quốc này không bị virus tấn công, nền kinh tế cũng khó tránh khỏi việc bị ảnh hưởng khi virus corona đã tạo ra hiệu ứng domino lên kinh tế toàn cầu.

Tác giả: BẢO DUY

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP