Năm 2016, Trung Quốc cũng là quốc gia cung cấp máy móc, thiết bị phụ tùng lớn nhất của VN với kim ngạch lên tới 9,25 tỉ USD.
Ô nhiễm vì tham rẻ
TS Lương Minh Khôi - Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT), trong báo cáo về vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế VN mới đây cho biết tham vọng của Trung Quốc đặt ra từ nay đến năm 2020, công nghệ sản xuất hàng giá rẻ sẽ dần được thay thế bằng công nghệ cao với hàm lượng trong một sản phẩm phải đạt 45% và đến năm 2025 lên đến 70%.
“Chính sách chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc đang tạo rủi ro lớn, tác động trực tiếp vào nhiều ngành và đặc biệt là có thể gây ra mối nguy cho chúng ta nếu vẫn tiếp nhận những công nghệ thải từ nước này. Sẽ có lượng lớn nhà máy, xí nghiệp sử dụng công nghệ cũ từ Trung Quốc có thể sẽ được chuyển giao công nghệ qua các hợp tác mua bán, sáp nhập hoặc liên doanh, hoặc bán máy móc cũ... sang các quốc gia kém phát triển hơn, trong đó có VN”, TS Khôi cảnh báo.
Chính sách chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc đang tạo rủi ro lớn, tác động trực tiếp vào nhiều ngành và đặc biệt là có thể gây ra mối nguy cho chúng ta nếu vẫn tiếp nhận những công nghệ thải từ nước này. TS Lương Minh Khôi |
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu lo ngại: “Khi doanh nghiệp (DN) Trung Quốc chuyển đổi đầu tư công nghệ cao thì số công nghệ cũ sẽ dôi dư rất nhiều. VN rất khó tránh “làn sóng” công nghệ lạc hậu này, nếu cứ tham rẻ để mua”.
Thực tế, VN trở thành “bãi đáp” công nghệ cũ của Trung Quốc đã không còn là cảnh báo nữa. Nhìn vào cơ cấu đầu tư của nước này vào VN là thấy rõ vấn đề này. Trung Quốc hiện nằm trong số 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN với hơn 1.600 dự án, tổng vốn đăng ký trên 11,2 tỉ USD. Mấy năm gần đây, Trung Quốc cũng gia tăng quy mô tín dụng ưu đãi cho VN trong các dự án công nghiệp (dệt nhuộm, may mặc), năng lượng (nhiệt điện), kết cấu hạ tầng (đường cao tốc), những lĩnh vực nước này đang tập trung “cắt giảm” đầu tư trong nước do tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường ở mức độ cao.
Đơn cử như lĩnh vực nhiệt điện than, trong khi Trung Quốc đã đóng cửa khoảng 600 nhà máy nhiệt điện than thì vài năm trở lại đây, hàng loạt nhà máy nhiệt điện lớn nhỏ từ Trung Quốc đang “nở hoa” tại VN. Tại khu vực ĐBSCL có 14 nhà máy nhiệt điện thì hơn 2/3 số đó là đều do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Dự án Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 với vốn đầu tư 2 tỉ USD ở Bình Thuận là liên doanh giữa Công ty TNHH lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH điện lực quốc tế Trung Quốc, trong đó phía Trung Quốc nắm giữ tới 95% vốn. Hay tại dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương (vốn đầu tư 1,85 tỉ USD), Tập đoàn điện lực Trung Quốc cũng nắm giữ đến 50% vốn. Ngoài ra, nhà đầu tư Trung Quốc cũng đầu tư một số dự án lớn khác làm lốp xe, chế biến cao su tại Lào Cai với tổng vốn đầu tư lên đến 400 triệu USD mỗi dự án. Nhiều dự án lớn chuyên sản xuất xơ sợi, dệt nhuộm cũng từ Trung Quốc đã được hình thành tại VN như nhà máy xơ sợi nhuộm của Texhong (Quảng Ninh) vốn đầu tư trên 300 triệu USD; Nhà máy sợi Billion (Tây Ninh) 220 triệu USD, nhà máy dệt may của Tập đoàn Shenzhou (Củ Chi, TP.HCM) đầu tư hơn 300 triệu USD; hay khu công nghiệp dệt may tại Nam Định (vốn đầu tư hơn 400 triệu USD) với quy mô 1.500 ha của liên doanh hai nhà đầu tư Trung Quốc và một của VN.
Nói "không" với những doanh nghiệp Trung Quốc nhỏ lẻ
Theo TS Lương Minh Khôi, không riêng gì Trung Quốc mà ngay cả Hàn Quốc và một số quốc gia phát triển khác đều có chính sách tháo bỏ công nghiệp lạc hậu, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, chuyển sang các nền kinh tế kém phát triển hơn. “Giải pháp trước mắt là phải giám sát chặt các dự án đầu tư lớn, tăng cường chuyên môn hơn nữa. Thực tế, để cho tình trạng các dự án lớn xảy ra hàng loạt sự cố trong thời gian qua do chúng ta còn quản lý lỏng lẻo, trách nhiệm giám sát thường xuyên không cao. Về lâu dài, cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn chế tối đa nhập khẩu các máy móc công nghệ lạc hậu. Để làm tốt việc này phải có cơ quan giám sát kỹ thuật cao độc lập, có trình độ chuyên môn vững”.
Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong trung hạn, nguồn vốn không FDI, thì các dự án đầu tư có yếu tố Trung Quốc khác như vốn ODA vẫn sẽ tiếp tục đổ vào VN trong tương lai gần. Theo đó, những cam kết phải mua máy móc từ Trung Quốc thường đi kèm và đó là một trong những lý do khiến vốn từ Trung Quốc mặc dù cho vay với lãi suất gần như bằng 0% vẫn “không rẻ, không dễ và không có lợi”. TS Thành cho rằng: “Một số giải pháp có thể tính đến như thu hút DN lớn của Trung Quốc tham gia đầu tư, giảm bớt hoặc từ chối những DN nhỏ lẻ chỉ mang công nghệ cũ vào để sản xuất. Thứ hai là trích lập quỹ môi trường với các dự án có rủi ro cao, đặc biệt các dự án khai thác tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ lạc hậu. Thứ ba, nâng cao năng lực chấp pháp của các bộ ngành liên quan, xem xét đánh giá lại hiệu quả về các luật môi trường và lao động. Thứ tư nâng cao vai trò giám sát của các tổ chức quần chúng, đánh giá tác động môi trường tại địa phương và chú trọng việc đối thoại giữa 3 bên chính quyền địa phương - DN Trung Quốc - cư dân địa phương các vấn đề về môi trường, công nghệ, lao động… khi triển khai dự án”.
Nguồn tin: Báo Thanh niên