Kinh tế

Những loại cua lạ đắt đỏ được khách hàng săn lùng

Cua đá Lý Sơn, cua da Bắc Giang, cua mặt trăng Ninh Thuận trước đây giá rẻ, ít người ăn nhưng nay trở thành đặc sản được bán với giá cao.

Là loại cua có lớp da trên càng, lông giống như rêu bám, chân dài, cua da trước đây ít người chọn mua nhưng nay thành đặc sản của đất Yên Dũng (Bắc Giang).

Cua hoàng đế

Cua da có cặp chân dài.

Anh Huân là "thợ săn" nhiều năm kinh nghiệm ở Bắc Giang cho biết, trước kia, loại cua này rất nhiều và giá bán chỉ 120.000 - 180.000 đồng một kg nhưng vài năm gần đây, do môi trường sống thay đổi cộng với nhu cầu tiêu thụ tăng nên cua ít dần. Do đó, giá cũng tăng cao lên 400.000 - 500.000 đồng một kg nhưng không phải lúc nào cũng có. Do đó, sau khi chế biến, nhiều nhà hàng bán giá lên tới cả triệu đồng một kg.

"Các năm trước, tôi đánh bắt một ngày cả chục kg nhưng nay cũng chỉ được 1 - 3 kg. Chúng thường sống ở đáy sông, muốn bắt phải sử dụng lưới bát quái. Nước to dễ bắt nhưng khi nước rút cua nằm một chỗ, ít di chuyển nên khó bắt hơn. Các năm gần đây cua ít lại càng khó khăn", anh Huân nói.

Gần đây cua đá ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng trở nên hiếm khi ngày càng được săn lùng.

Anh Hòa, người chuyên buôn cua đá ở Lý Sơn cho biết, 4 năm trước cua đá mỗi ngày nhập về hàng tạ nhưng nay nhiều lắm một ngày cũng chỉ được 20-50 kg. Thậm chí, có những ngày không có hàng để bán.

"Các đầu mối ở TP HCM, Hà Nội đặt cả tạ cua đá nhưng nay hàng khan hiếm nên chỉ để sỉ cho những mối thân thiết", anh Hòa nói và cho hay, hàng chục năm trước, loại này ở đất Lý Sơn nhiều vô số kể nhưng chỉ có những nhà khó khăn mới bắt về làm thức ăn, còn nhà khá giả thì đa phần ăn cua huỳnh đế. Gần đây, do nhu cầu tăng cao nên người dân khai thác ồ ạt khiến hàng trở nên khan hiếm và có giá gấp 7 lần so với trước đây.

Là người chuyên bán cua đá Lý Sơn (Quảng Ngãi), anh Thạnh, chủ vựa hải sản ở Biên Hòa cho biết, mỗi tuần chỉ nhập 20 kg nhưng vẫn không đủ bán. "Loại này giá còn đắt hơn cả cua huỳnh đế vì chúng ngày càng trở nên quý hiếm. Nếu trước đây người dân săn bắt được loại nặng tới 400 gram thì nay đa phần là những con chỉ nặng hơn 100 gram và giá thu mua cũng tăng gấp nhiều lần so với 2 năm trước", anh Thạnh nói.

Cua hoàng đế

Cua mặt trăng có hình dáng và màu sắc bắt mắt.

Bên cạnh hai loại trên thì cua mặt trăng ở Ninh Thuận cũng đang dần cạn kiệt khi lượng săn bắt ngày càng cao.

Loại này trước đây ít người lựa chọn vì vỏ chúng dày, thịt ít. Tuy nhiên, gạch của chúng ngọt béo hơn so với những loại cua khác và có màu sắc khá bắt mắt. Nếu 5 năm trước giá loại cua này chỉ khoảng 150.000 - 200.000 đồng một kg thì nay giá lên tới 350.000 đồng. Có những năm, lượng hàng khan hiếm đẩy giá trên 600.000 đồng một kg.

Chuyên bán cua mặt trăng ở quận Tân Bình (TP HCM), chị Thanh chủ cửa hàng ở đây cho biết, loại này chỉ xuất hiện theo mùa ở đảo Phú Quý. Có những ngày lượng khách đặt hàng lên tới cả 100 kg nhưng chị không có hàng để cung cấp. Thông thường, chị phải nhận đơn hàng trước và trả dần cho khách khi thu mua được.

Chuyên săn cua để bán sỉ, anh Khánh, chủ vựa hải sản ở Phan Thiết (Bình Thuận) cho hay, loại này muốn gom được hàng phải tìm mua tận ghe của người dân đi đánh bắt. Bởi lẽ, thời điểm này khó đánh bắt, đa phần được các nhà hàng địa phương thu mua với giá hấp dẫn nên không còn nhiều để xuất đi các tỉnh xa.

Anh Khánh cũng cho hay, sở dĩ các loại hải sản lạ ngày càng trở nên khan hiếm vì nhu cầu tăng cao, giá tăng khiến người dân đổ xô đi săn bắt làm nguồn cung cạn kiệt. "Do đó, gần đây, khi mua cua tôi thường chỉ chọn loại từ 250 gram trở lên chứ nhất quyết không mua loại nhỏ", anh Khánh nói.

Tác giả: Hồng Châu

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP