Còn nay, nhớ tới địa danh này, nhiều người nhắc tới các doanh nhân nổi tiếng giàu có và có tâm; trẻ tuổi như anh Nguyễn Đức Chi (Ruselka- Khánh Hòa), luống tuổi hơn một chút là anh Phan Thanh Tùng (Sao Xanh, Sơn La) và ông Lê Thanh Thản (Tập đoàn Mường Thanh)…
Ông Nguyễn Đức Chi (phải). |
Nguyễn Đức Chi - những khúc gập ghềnh
Làng tôi thuộc xã Diễn Hồng, Diễn Châu được bạn bè “ghen tỵ” vì có những thuận lợi thật lý tưởng. Đó là đất đai màu mỡ, có Quốc lộ 1A, có đường sắt Bắc Nam chạy qua làng hình thành nên một mối giao thương tự nhiên ngay trong tế bào của những đứa trẻ chúng tôi. Xuôi phía Nam là vào thành phố đỏ-Vinh chỉ khoảng 40km, ngược ra Hà Nội cũng chỉ tầm 250km, cứ thẳng băng mà chạy nên có người trẻ hay đùa “làng ta là đường Lê Duẩn, Hà Nội kéo dài”.
Làng tôi có một cái chợ tên là Chợ Dàn hơn một trăm năm đến nay vẫn dập dìu khách thập phương, nhất là khách thuộc các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu chở nông phẩm, ngư phẩm và hàng hóa đến bán mua nhộn nhịp…
Theo tư liệu của nhà văn Sơn Tùng thì năm 1901, quan Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sau khi thi đỗ và vinh quy thì dẫn theo hai người con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) đi bộ từ Nam Đàn ra huyện Quỳnh Lưu để cám ơn tình cảm của ông Hồ Sỹ Tạo đã giúp đỡ ông Sắc vào học ở trường Quốc học Huế. Trên đường đi, ba bố con có ghé thăm một người bạn ông Sắc là tú Bùi Xuân Phong ở xã Diễn Kim rồi ghé qua chợ Dàn ăn bánh xáo. Như vậy có thể nói chợ Dàn đến nay đã hơn 100 tuổi là hoàn toàn có cơ sở.
Những năm chiến tranh, bất chấp máy bay Mỹ bắn phá các công trình giao thông, phá hoại cấu cống, đường sá, người quê tôi đã tìm ra Thủ đô để mua hàng tiểu công nghiệp về chợ phục vụ dân quê. Từ tiếng mà cả, bán buôn bình dân đến tư duy thương mại là câu chuyện rất ngắn, vì thế mà người làng tôi có “nảy nòi” ra những ông chủ như Nguyễn Đức Chi, Phan Thanh Tùng cũng là điều dễ hiểu.
Doanh nhân Nguyễn Đức Chi sinh năm 1968 tại làng Đông Tháp, quê tôi gọi là “làng văn” vì có tiếng là học giỏi, có truyền thống khoa bảng. Làng này từ xưa có một ngôi đình cổ kính có tiếng nhất vùng gọi là Đình Đông Tháp; có chùa Bốn đẹp được ca dao truyền tụng “Đi xa nhớ trống làng Cuồi/ Nhớ chuông chùa Bốn nhớ người làng Hoa”; (tiếc là cả hai đã bị phá mất), làng lại có nghề làm vàng hương mà theo nhà văn Sơn Tùng là tiếp nối truyền thống từ làng Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) thuở triều đình theo An Dương Vương chạy giặc vào đây truyền lại. Tắm mình trong ngôi làng có truyền thống khoa bảng, nhân văn như thế, làng này có nhiều trò giỏi qua nhiều thế hệ, trong đó có Nguyễn Đức Chi.
Chi từng học chuyên văn ở trường Phan Bội Châu, một trường chuyên nổi tiếng của tỉnh Nghệ An, năm 1986 thi đỗ vào trường Đại học An ninh, Bộ Công an, khóa D18, được chọn sang Nga học từ năm 1989 tại trường Đại học Luật Kishinhop, sau đó chuyển sang học trường Kinh tế, chính trị và Pháp luật Moskva (1991-1994)… Do tình hình Liên Xô và nước Nga có nhiều thay đổi, sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Đức Chi ở lại nước Nga kinh doanh suốt 10 năm với nhiều kinh nghiệm thành công và thất bại của những sinh viên trẻ tuổi Việt Nam thời ấy…
Doanh nhân Nguyễn Đức Chi bắt đầu đầu tư về nước từ năm 1996 với Trung tâm vui chơi giải trí Cosmos, phố Ngọc Khánh, Hà Nội. Nhận thấy tiềm năng của du lịch Việt Nam, nhất là thị trường du lịch biển là rất lớn, Nguyễn Đức Chi quyết định đầu tư vào Dự án Rusalka, Nha Trang, Khánh Hòa, một trong những dự án du lịch biển đầu tiên ở Nha Trang. Sau khi được cấp giấy phép đầu tư vào năm 2000, Chi bắt đầu triển khai thực hiện lấn biển các năm 2001, 2003 và năm 2004 bắt đầu xây dựng resort với nhiều ước mơ táo bạo hứa hẹn thành công.
Trong thời gian này, Nguyễn Đức Chi vẫn tiếp tục kinh doanh ở Nga với nhiều thành công trên lĩnh vực kinh doanh rất mới mẻ đối với Việt Nam là xuất nhập khẩu ủy thác, vận chuyển quốc tế cargo đa phương tiện (vận chuyển, nhập khẩu, phát chuyển nhanh trọn gói), kho bãi hải quan, thanh toán quốc tế. Với một thị trường rộng lớn vận chuyển cargo từ Việt Nam, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước châu Âu về Nga cùng với Dự án Rusalka đang trên đà thuận lợi thì thật không may Nguyễn Đức Chi lâm nạn do bị cuốn vào vụ án “chống tham nhũng trọng điểm”.
Ai ở trong hoàn cảnh ấy mới càng hiểu và khâm phục ý chí, nghị lực của Chi đã kìm lòng để vượt qua thời khắc cam go ấy thế nào. Chi kể, một lần thụ án ở Bắc Ninh, thấy một phạm nhân đang ăn gói xôi bọc trong một góc tờ báo cũ, anh tiến đến ngỏ lời người đó ăn xong thì cho xin mảnh báo để đọc. Không ngờ dở ra thì đó là mảnh báo An ninh thế giới đăng bài thơ của một nhà thơ Nga do nhà thơ Hồng Thanh Quang tuyển chọn, dịch và giới thiệu.
Chi sung sướng như bắt được vàng, kỷ niệm nước Nga lại ùa về, anh mang về đọc nghiến ngấu, mang theo trong suốt cuộc hành trình để cách đây mấy năm, trong một lần vô tình gặp nhau, Chi đã đọc lại cho nhà thơ Hồng Thanh Quang và tôi nghe không sai một chữ “Phải, anh chắc bướng hơn tất cả/Anh không nghe thiên hạ đặt điều/ Và không đếm trên ngón tay những kẻ/ Gọi em bằng hai chữ em yêu/… Nhan sắc và danh tiếng tuổi tên em/ Không phải là điều khiến anh mê đắm/Anh chỉ cần em dịu dàng, bí ẩn/ Đến bên anh như thầm lặng, mỗi lần.”. Bây giờ thì Nguyễn Đức Chi không muốn nhắc lại câu chuyện quá khứ, vì theo anh chuyện gì qua thì cho qua luôn, phía trước còn bao việc phải làm. Trời cho sức khỏe, anh em, bạn hữu quây quần, hỗ trợ giúp nhau làm những công việc mình thích, giúp quê hương, đóng góp xây dựng nước Việt mình không hổ thẹn với 5 châu thì hạnh phúc vô cùng…
Mới đây, ngày khai trường 5/9/2017, Nguyễn Đức Chi trở về làng và dự lễ khai giảng năm học mới với trường tiểu học, nhân thể tặng các em một phòng học máy vi tính hiện đại trị giá 700 triệu đồng. Anh nhìn các em lớp 1 bé xíu lon ton chạy vào lớp giữa 1000 em học sinh quê nhà ồn ã khắp sân trường, lòng chộn rộn niềm vui nhớ về tuổi bé thơ của mình ngày xưa…Với Đức Chi lúc ấy hạnh phúc nào bằng! (Nghe nói sắp tới Chi sẽ tặng Trường chuyên Phan Bội Châu một phòng máy vi tính như thế để tri ơn sự dạy dỗ của các thấy cô một thuở).
Tôi đã nhiều lần đến dự án Ruselka ở Nha Trang thời bỏ hoang, tàn phí và cảm thấy đau xót trước khối tài sản khổng lồ bị thời gian và nắng gió bào mòn đến xơ xác. Giờ thì khác rồi, dự án đã tái thiết trở lại, sức sống và sinh khí của một doanh nghiệp lớn đã tràn về trên những biệt thự cao cấp thiết kế hiện đại.
Tôi cũng đã đến Công ty Crystal Bay của anh và Resort Bãi dài Cam Ranh, Nha Trang. Vốn trước đây chỉ là bãi lầy cây sậy hoang hóa, nay nhường lại cho những biệt thự, khách sạn cao cấp, hồ bơi và cát mịn, đẹp nên thơ bên biển xanh sóng vỡ, ai vào đây như lạc vào chốn thần tiên.
Có thể tưởng tượng được không, hiện Đức Chi có 2 công ty lữ hành quốc tế mỗi năm đưa khoảng 500.000 khách, tức nửa triệu khách đến Khánh Hòa. Chỉ cần mỗi khách đến đây để lại cho thành phố biển 1000USD thì một năm Khánh Hòa đã có nửa tỷ dollar. Nhưng làm sao ít thế, mỗi khách sẽ bỏ ra khoảng 2 ngàn, 3 ngàn, thậm chí 5 ngàn trong một kỳ nghỉ dưỡng vùng đất nam miền Trung có tiếng là biển đẹp này.
Nguyễn Đức Chi tâm sự rằng, anh đang đầu tư hơn 10 dự án bất động sản du lịch khác nhau từ tỉnh Khánh Hòa đến tỉnh Ninh Thuận, mục tiêu là khai phá các vùng đất hoang hóa nhưng có tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng lớn, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp của khách nội địa và quốc tế đang ngày một cao.
Công ty của Chi đang phấn đấu trong vòng 5-7 năm tới kết hợp với nhiều đối tác đầu tư du lịch sẽ xây dựng ở Khánh Hòa thêm khoảng 10.000 phòng khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao và ở Ninh Thuận cũng khoảng 10.000 phòng khách sạn như thế ở khu vực Phan Rang, ven biển từ Núi Chúa đến Mũi Dinh. Như thế Chi và các đối tác Việt Nam sẽ chủ động được dòng khách lữ hành quốc tế nên lại càng tự tin khai phá các vùng đất hoang kể cả tiểu sa mạc Mũi Dinh- Ninh Thuận.
“Em có ý tưởng tổ chức tour du lịch quốc tế “Một kỳ nghỉ, 2 điểm đến” kết nối vùng du lịch nam miền Trung với thắng cảnh Vịnh Hạ Long, Bái Tử long làm cho tour du lịch đến Việt Nam hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn… Khách sẽ nghỉ ở vùng nắng ấm Nam miền Trung, tham quan Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh trước khi về nước. Vì vậy em đang nghiên cứu đầu tư ở Vân Đồn dự án Con đường di sản Vân Đồn. Tiềm năng kinh tế du lịch Việt Nam mình lớn lắm anh ơi”…, mới đây gặp tôi khi về quê ăn Tết Độc lập, Nguyễn Đức Chi đã thốt lên như vậy.
Nhờ nghị lực, đam mê và làm ăn tử tế, minh bạch, con đường kinh doanh của Nguyễn Đức Chi dẫu gian nan nhưng đến nay có thể nói là gặt hái nhiều thành công. Bây giờ những người như Nguyễn Đức Chi là giàu có, là “đại gia”, nhưng tôi tin những người như Chi không chỉ có làm giàu. Hôm nghe tin Tập đoàn Vingroup của Phạm Nhật Vượng sản xuất xe ô tô, Nguyễn Đức Chi đã chia sẻ ngay trong facebook cá nhân rằng: “Mình tin và mong anh thành công, trước hết là đối với xe máy, xe ô tô điện.
Nhiều bạn có lý do để có nhiều băn khoăn, nhưng thực tế không có lựa chọn nào tốt hơn là ủng hộ cho anh bắt đầu triển khai công việc nhiều thử thách. Hàng chục năm qua dân ta đã nuôi béo các hãng xe nước ngoài với giá xe đắt khủng khiếp mà lẽ ra một phần lớn số tiền mua xe cần được đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Mình hứa sẽ đăng ký mua một số xe của anh cho nhu cầu của công ty mình, cho dù ban đầu có thể chất lượng xe chưa được như kỳ vọng”.
Thì ra là vậy, những doanh nhân như Phạm Nhật Vượng, như Nguyễn Đức Chi họ đi xa hơn làm giàu, làm vì tự hào Việt Nam. Tôi tin vậy.
Ông Lê Thanh Thản. |
Doanh nhân Lê Thanh Thản - người luôn đau đáu với quê hương
Ông Lê Thanh Thản sinh năm 1949 tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1971 ông xung phong đi bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, ở cùng sư đoàn 324 chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.
Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, người lính Lê Thanh Thản trở về quê, mẹ ông thấy ông về tưởng như là “hồn ma” vì mấy năm đi bộ đội dường như ông bặt vô âm tín. Sau chiến tranh Diễn Lâm nói riêng, Diễn Châu và cả Nghệ Tĩnh nói chung có thể nói là vui và đói, đa số các nhà trong xóm ông Thản bị thiếu đói trầm trọng.
Anh Thản vừa giúp gia đình cày cuốc, tăng gia sản xuất, vừa tham gia công tác đoàn tại xã Diễn Lâm, từ Bí thư chi đoàn lên tới Bí thư đoàn xã (mới đây nhất vào ngày 28/7/2017, ông đã tiếp một số anh em cán bộ đoàn cùng thời với ông và kể chuyện rất vui về những ngày ông Thản làm Bí thư đoàn xã Diễn Lâm đã nóng tính và xin gạo của xã như thế nào để nuôi đoàn viên thanh niên đi tình nguyện). Hồi đó, xã Diễn Lâm là xã miền núi, nhưng phong trào đoàn dưới sự lãnh đạo của anh Lê Thanh Thản đã phát triển rất mạnh, đóng góp tích cực cho xã nhà. Anh Thản vì thế lọt vào “mắt xanh” của lãnh đạo huyện Diễn Châu.
Năm 1978, anh Thản được Lãnh đạo huyện điều về huyện học tại trường đảng Lê Hồng Phong. Và sau khi tốt nghiệp trường này ông được giới thiệu để Trung ương phân công chi viện cho tỉnh Lai Châu, một tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là phải đấu tranh với âm mưu thủ đoạn của thế lực thù địch, có thể dẫn tới cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Anh được phân công về Văn phòng tỉnh ủy Lai Châu, và năm 1984 Lê Thanh Thản được cử làm Phó văn phòng huyện ủy.
Đầu năm 1986, tại Lai Châu, Lê Thanh Thản lập xưởng sản xuất vật liệu xây dựng sản xuất vôi, gạch, ngói xi măng cung cấp cho bà con miền núi và các cơ quan có nhu cầu. Ông cũng thành lập tổ xây dựng nhận các công trình. Thời kỳ này cực kỳ khó khăn về vốn, dân miền núi nghèo, họ không có tiền mặt. Lê Thanh Thản đã áp dụng cơ chế linh hoạt.
Lúc đó, cửa khẩu Tây Trang tuy heo hút nhưng lại có vai trò rất quan trọng với nước bạn Lào, đặc biệt là với tỉnh Phongsaly cực Bắc nước này. Từ Tây Trang, theo quốc lộ 42 của Lào vượt qua gần 200 cây sẽ tới cố đô Luông Pha Băng của Lào. Đi tiếp với quãng đường tương tự sẽ tới Bò Kẹo, sang đất Chiang Rai của Thái Lan.
Là tỉnh miền núi heo hút của Lào nên hầu hết những hàng hóa tiêu dùng cơ bản đều được cấp từ Việt Nam sang qua cửa khẩu này. Mùa mưa 1995 toàn bộ tuyến đường 70 km từ cửa khẩu Tây Trang đi Mường Khoa bị lở núi, tê liệt giao thông hoàn toàn, hàng hóa khan hiếm, thị trường rối loạn. Tình thế cấp bách, đoàn cán bộ tỉnh Phongsaly phải đi bộ sang Điện Biên nhờ thông tuyến.
Là doanh nghiệp đầu đàn có năng lực số một của tỉnh, ông Thản được tỉnh chọn giao nhiệm vụ thông tuyến giúp bạn Lào trong vòng 30 ngày. Nhiệm vụ tưởng như bất khả thi. Nhưng ông Thản nghĩ: “Có khó họ mới nhờ mình”. Vậy là ông nhận lời và kéo quân sang bên đó. Trước khi xuất quân, ông quán triệt với các cộng sự rằng: “Ta đã được chọn thầu, việc rất khó! Phải tổ chức thi công tốt để vừa có doanh thu vừa có uy tín cho các công trình tiếp theo”. Có thể nói đây là phương châm đầu tiên, nhưng tôi nghĩ có thể là Slogan của ông chủ Tập đoàn Mường Thanh sau này.
Sau khi thành lập Xí nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu (Nay đổi tên là Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên), ông Thản đã huy động toàn lực của mình gồm hơn chục xe ủi, 5 xe xúc, hàng trăm cán bộ kỹ thuật và lao động tay nghề, đủ sức khỏe và kỷ luật vào chiến dịch này. Với tinh thần quyết tâm, ông đôn đốc quân sỹ làm cấp tập 3 ca/ngày, theo tinh thần của chiến sỹ Điện Biên năm xưa: “Khoét núi, ngủ hầm mưa dầm cơm vắt” trong cái thiếu thốn ở chốn rừng sâu, cùng với những sáng tạo trong thi công chỉ sau 15 ngày, toàn tuyến Mường khoa - cửa khẩu đã được thông xe.
Ngày đó, tỉnh trưởng Mạy En vui mừng bắt tay bạn nói hùng hồn “Cám ơn bạn, bạn đã làm đẹp cho tôi và hứa sẽ bàn với các cơ quan chức năng khác tiếp tục mời anh sang thi công tiếp một số công trình trụ sở làm việc tại thị xã Phongsaly nữa”.
Cũng từ sự tín nhiệm này, tỉnh trưởng Phongsaly đã giao tiếp cho anh Thản thông tuyến 109km Bản Rọ - Bun Nưa, rồi giao mở mới đường Mường-Xẳm Phằn 52km, Xây mới cửa khẩu Xốp- Hùn, Xây mới trụ sở Tỉnh phongsaly, Làm 70km đường Cấp phối cộng công trình thoát nước từ Mường khoa- cửa khẩu Tây trang… Công trình nào được giao, ông cũng làm với sự thần tốc, chất lượng đảm bảo khiến nước bạn Lào rất hài lòng.
Trong suốt 3 năm điều động ½ lực lượng thi công vào nước bạn Lào, Lê Thanh Thản đã gặt hái được nhiều thành công, để lại những công trình đầy ấn tượng tốt đẹp.
Có thể nói, Lê Thanh Thản đã có nhiều năm chung sống với cái nghèo, thấu hiểu nỗi khổ của đói nghèo và đã tuyên chiến với nó. Như một người lính thực thụ, để chiến thắng cái nghèo, không cách nào khác ông phải hết mình. Ông đã sống và chiến đấu với đói nghèo như vậy, từng ngày, từng giờ không một phút ngơi nghỉ. Trước hết là xóa nghèo cho bản thân, sau đó là xóa nghèo cho bà con làng xóm, anh em, bạn bè. Nếu không hiểu, không suy ngẫm kỹ điều này sẽ khó lý giải được sự nghiệp đồ sộ mà ông đã tạo dựng được cho gia đình, cho bạn bè và xã hội.
Khách sạn đầu tiên mang thương hiệu Mường Thanh được thành lập vào năm 1997 tại thành phố Điện Biên lịch sử. Từ đấy đến nay những khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt xuất hiện trên khắp các tỉnh thành dọc theo chiều dài đất nước. Với những bước phát triển “thần tốc”, mỗi năm đều có những khách sạn mới ra đời không chỉ ở các địa điểm du lịch nổi tiếng và cả những địa phương khác. Tính đến nay, có 53 khách sạn và dự án khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao trải dài trên khắp cả nước mang những nét đẹp truyền thống, tinh hoa văn hóa Việt luôn là ấn tượng đáng nhớ với bất cứ du khách nào dù chỉ một lần ghé qua khách sạn Mường Thanh.
Nhưng gặp chúng tôi, ông dường như không nói về chuyện làm ăn, ông chỉ tâm sự đời lính và đọc thơ. Thơ ông tất nhiên là chưa hay, nhưng tiếng lòng trong thơ thì khiến chúng tôi xúc động. Có lần ông đọc cho chúng tôi nghe bài thơ làm từ hồi làm lính chiến đấu tại Quảng Trị:
Căn hầm nhỏ đọng đầy kỷ niệm
Biết không em anh nghĩ về quá khứ
Của đời ta làm lính xa nhà
Cọng rau rừng nhạt muối vơi cơm
Và mùa đông về rét ngọt làn da
Không chăn đắp truyền nhau hơi ấm
Nằm ôm nhau cho ngày tháng xoay vần
Anh nhớ lắm những ngày chốt điểm
Thiếu đủ điều chỉ dư lửa chiến tranh
Thèm khói thuốc anh bò ra đất chết
Nhặt từ đâu những lá rau rừng
Cũng đốt lên phì phèo nhả khói…
Ta đã sống những ngày ta làm lính
Đau thương nhiều hơn cả thời gian
Anh không muốn dài dòng kể lể
Để em thương và nhớ đừng quên
Để mai đây trên ruộng đồng nắng ấm
Càng yêu thêm huyền thoại làm người
Là người từ xứ Nghệ ra đi, ông Thản luôn đau đáu về quê hương, nhất là quê hương Diễn Lâm và huyện Diễn Châu. Gần đây nhất, nhân kỷ niệm 1390 huyện Diễn Châu, ông đã rút hầu bao ủng hộ huyện 500 triệu đồng. Hiện Diễn Châu có 2 khách sạn Mường Thanh đạt tiêu chuẩn 5 sao, hệ thống biệt thự cao cấp tại quả núi quê Diễn Lâm cùng với khu sinh thái nuôi động vật quý hiếm, nơi trước đây Bí thư Đoàn xã Lê Thanh Thản đã từng đào mương, trồng đồi trọc 45 năm trước.
Ông Thản cũng đã đầu tư trị giá hàng trăm tỷ đồng cho hàng chục công trình phúc lợi như hạ tầng giao thông nông thôn, lưới điện, bệnh viện Phủ Diễn, trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du, Nhà tưởng niệm đồng chí Phùng Chí Kiên ở xã Diễn Yên, chùa ở Khu sinh thái Diễn Lâm và hỗ trợ huyện Diễn Châu trong nhiều hoạt động khác… Đối với người xứ Nghệ tha phương ở các tỉnh miền núi phía Bắc hay ở Hà Nội, bao giờ ông Thản cũng dành cho họ một sự ưu ái hay giúp đỡ nào đó tùy thuộc và tình thân hữu.
Là Chủ tịch tập đoàn hoạt động rộng khắp trên cả nước và ở cả ở nước bạn Lào, ông Lê Thanh Thản đã tuyển dụng rất nhiều con em tỉnh nhà vào làm việc.
Từ làng của huyện Diễn Châu quê tôi ra đi, doanh nhân Lê Thanh Thản xấp xỉ tuổi 70 và doanh nhân nhân trẻ Nguyễn Đức Chi là như thế. Họ không chỉ làm giàu, quan trọng nhất là họ là người có tâm, và ao ước được cống hiến trong cuộc đời này.
Tác giả: Nhà văn Nguyễn Hồng Thái(Đại tá, Giám đốc - TBT NXB Công an Nhân dân)
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết