Giáo dục

Những dấu hiệu nhận biết trẻ bất ổn về cảm xúc

TS Ngô Xuân Điệp - trưởng khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - chia sẻ những dấu hiệu nhận biết khi trẻ bất ổn về cảm xúc, và cha mẹ cần quan sát, trò chuyện và làm bạn để 'gỡ rối' cho con.

TS Ngô Xuân Điệp - trưởng khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online chiều 2-4, TS Ngô Xuân Điệp - trưởng khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - nói trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, trẻ ngày càng chịu nhiều áp lực hơn so với trước đây từ học hành, thành công đến thể hiện vị trí trong xã hội.

Vì thế, trẻ dễ căng thẳng và có thể bộc phát những hành vi không thể giải thích, trong đó có việc nghĩ đến cái chết. Để trẻ đi đến những hành động cực đoan như vậy có những diễn biến tâm lý cụ thể.

Cha mẹ cần lưu ý đến đứa trẻ nhiều hơn khi trẻ có những biểu hiện như sau:

Thứ nhất, trẻ thích ở một mình, không muốn nói chuyện. Thông thường, khi đứa trẻ tìm cách cãi lại cha mẹ và phản kháng là còn ít nguy cơ. Còn khi trẻ thu mình lại, không muốn nói chuyện với cha, mẹ, người thân nữa thì trẻ dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực và giam mình với Internet, mạng xã hội…

Lúc này, những cảm xúc tiêu cực của trẻ càng dễ bị các thông tin xấu trên mạng xã hội củng cố cho hành động, khiến trẻ càng tin vào những suy nghĩ của mình và dễ dẫn đến hành vi dại dột.

Thứ hai, điều kiện học tập quá áp lực. Ví dụ, trẻ phải học hành quá nhiều hoặc trong bối cảnh bạn bè cùng lớp, cùng xóm, họ hàng… đạt nhiều thành tích và được xưng tụng nhưng mình lại không có những thành tích đó.

Trong bối cảnh đó, nếu trẻ tự tạo áp lực cho mình sẽ cố gắng học tập, thức quá khuya, học tập quá nhiều, không cân bằng giữa học tập và bồi dưỡng sức khỏe sẽ dễ căng thẳng tinh thần, dễ dẫn đến những hành vi có hại cho bản thân. Nhiều trẻ chỉ vì thi không được, làm bài không được cũng đã nghĩ đến những điều tồi tệ.

Thứ ba, gia đình có những biến động hoặc biến cố về tình cảm như cha mẹ ly hôn, cha mẹ không hạnh phúc, mất người thân… cũng khiến những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn dễ nảy sinh những hành vi tiêu cực, nổi loạn.

Thứ tư, trẻ gặp những cú sốc tâm lý từ môi trường và mối quan hệ với bạn bè, nhà trường như bị bạn chê bai, dè bỉu hoặc bị chi phối bởi những tình cảm học trò… cũng có thể là nguyên nhân cho những hành vi dại dột của đứa trẻ.

Thứ năm, trẻ không được cha mẹ, anh chị em… tôn trọng, lắng nghe ý kiến và hầu hết ý kiến của trẻ thường bị nhiều người trong gia đình bác bỏ. Trẻ thường cảm thấy tự ti, cảm thấy mình thấp kém, thiếu giá trị với người thân và gia đình…

Điểm tựa cho trẻ

Theo chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp, để có thể nhận ra những điều bất thường của trẻ, cha mẹ cần quan sát, trò chuyện và làm bạn để "gỡ rối" cho con.

Gần gũi con cái là phương pháp đầu tiên khiến đứa trẻ cảm thấy không cô đơn và có điểm tựa. Lúc đó, trẻ dễ vượt qua tiêu cực và cha mẹ cũng sẽ dễ dàng phát hiện những biểu hiện tâm lý bất thường ở trẻ.

Đồng thời, cha mẹ cũng nên dạy trẻ biết giá trị của bản thân trong cuộc sống, trong tình yêu thương để trẻ biết trân quý sinh mạng của chính mình.

Tác giả: MỸ DUNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP