Xã hội

Nhói lòng vợ trẻ cầm nhà đưa xác chồng về quê

Nhận được tin người đàn ông trụ cột trong nhà bỏ mạng nơi xứ người, chị Hoa như chết lặng. Người vợ trẻ 2 con này chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, đi vay mướn khắp nơi, thậm chí cầm cố cả nhà cửa để xoay xở tiền mong có thể đưa hài cốt chồng về quê an táng.

nhoi long vo tre cam nha dua xac chong ve que
Mẹ vắng nhà, hai con nhỏ của anh Khương phải tự lo cho nhau. Ảnh: P.V


Bỏ mạng trên đất khách vì đi “kiếm cơm”

Trong căn nhà cấp 4, xập xệ nằm bên mép ruộng cuối xóm Yên Sơn (xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An), từ mấy ngày qua chỉ còn những tiếng khóc than, trách móc chua chát của người bố già đã ngoài 60 tuổi. Những làn khói hương nghi ngút từ chiếc bàn thờ tạm bợ ngay giữa nhà trong lúc chờ hài cốt anh Nguyễn Đăng Khương (SN 1979) tử vong tại Đài Loan được đưa về quê nhà an táng.

Ôm lấy hai đứa cháu nội vào lòng, ông Nguyễn Đăng Châu (SN 1952, bố anh Khương) sụt sùi trong nước mắt, khoảng đầu giờ chiều ngày 3/6, bạn bè của anh Khương ở Đài Loan gọi điện về thông báo con trai ông đã tử vong tại bệnh viện vì bệnh tình chuyển nặng, không cứu chữa được. Vừa nói, người đàn ông này vừa quay đầu lại phía sau quệt vội những dòng nước mắt đang lăn dài trên má để hai đứa cháu không phải khóc theo.

Theo ông Châu, tối ngày 2/6, con trai của ông còn nhắn tin về thông báo bị khó thở, thấy mệt mỏi trong người và chờ sáng sớm sẽ nhờ người đưa tới bệnh viện để điều trị. “Sáng hôm sau, bạn của thằng Khương gọi về thông báo là đã đưa nó vào bệnh viện điều trị rồi. Thế nhưng, chỉ mấy tiếng sau, chúng tôi lại nhận được thông báo là nó đã không qua khỏi”, ông Châu buồn bã cho biết.

Cách đây hơn 3 tháng, anh Khương cũng đã xuất hiện tình trạng khó thở, phải nhập viện điều trị 1 tuần mới có thể tiếp tục quay trở lại công việc thường ngày. Tối 2/6, sau khi nghe con trai bảo bệnh tình tái phát, ông Châu đã vội vàng gọi điện thoại thúc giục con trai mình đi bệnh viện khám và điều trị.

“Nó bảo đợi trời sáng rồi nhờ bạn đưa tới bệnh viện cấp cứu, giờ mà đi cả đêm một mình như thế này sợ cảnh sát bắt, đuổi về thì biết làm gì mà ăn. Nào ngờ chờ đến sáng thì bệnh tình của nó đã chuyển nặng, không cứu vãn được nữa”, ông Châu nói trong nước mắt lưng tròng.

Theo ông Châu, ở Đài Loan hơn 2 năm qua, sau khi trốn ra ngoài làm việc, lúc nào anh Khương cũng phải sống trong nơm nớp lo sợ. Để có thể tiếp tục ở lại làm việc, kiếm tiền gửi về sửa sang lại ngôi nhà dột nát, anh Khương luôn hạn chế các mối quan hệ, chỉ làm việc ở công ty rồi về phòng trọ nghỉ để tránh bị cảnh sát sở tại bắt giữ.

Cầm cố nhà lấy tiền “chuộc” chồng

Để có thể đưa chồng về an táng, chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1983, vợ anh Khương) đã phải nuốt nước mắt đi vay mượn khắp nơi lấy tiền bắt xe ra Hà Nội để làm các thủ tục cần thiết.

Hai vợ chồng chị Hoa lấy nhau được 9 năm và đã có với nhau hai mặt con. Năm 2008, đôi vợ chồng trẻ quyết định bỏ công việc làm thuê ở TP HCM, trở về quê mưu sinh sau khi có một bé gái đầu lòng. Do không có công ăn việc làm ổn định, ngoài mấy sào ruộng, cả mấy miệng ăn trong nhà chỉ còn trông chờ vào mức lương hơn 2 triệu đồng mỗi tháng ở cơ sở sửa chữa ô tô mà anh Khương làm. Cuộc sống dẫu gặp nhiều khó khăn, miếng cơm chỉ biết trông chờ từng ngày, thế nhưng người dân xung quanh vẫn nể phục tình yêu và sự lạc quan của đôi vợ chồng trẻ này.

Đầu năm 2013, hoàn cảnh gia đình gặp thêm nhiều khó khăn hơn khi anh chị có thêm cháu trai chào đời. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Khương bàn với vợ đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan vài năm, tích cóp chút vốn làm ăn. Thế nhưng, công việc của anh Khương ở một công ty may chẳng ăn thua, chẳng có tiền gửi về trả nợ ngân hàng. Làm được 1 năm, anh Khương quyết định bỏ trốn ra ngoài làm thêm, công việc tuy vất vả hơn, lại luôn phải lo sợ bị công an địa phương bắt giữ nhưng có thêm được vài đồng.

Thắp vội cho chồng nén hương, chị Hoa khấn thầm: “Chờ em anh nhé, nhất định em sẽ tìm mọi cách đưa anh về bên cạnh em và con, dù có phải bán nhà”. Chị cầm số tiền hơn 6 triệu đồng vừa vay mượn được bắt xe ra Hà Nội để làm thủ tục đưa hài cốt anh Khương về nhà. Chị Hoa nghẹn ngào cho biết, hiện bạn bè của anh Khương ở Đài Loan đang tổ chức khuyên góp tiền để ủng hộ, đưa hài cốt anh về nhưng họ không hứa trước có thể làm được hay không. Sau mấy năm trời làm lụng, trả nợ, đang dự tính làm thêm vài năm nữa để sửa nhà đã hư hỏng nặng, tích vốn làm ăn thì nay vợ anh Khương lại phải tính đến nước cầm cố nhà “chuộc” anh về.

“Mới tuần trước, anh ấy còn gọi điện về hỏi thăm và động viên chúng tôi cố gắng thu hoạch mùa màng. Anh ấy bảo gần đây thấy trong người hay mệt mỏi nhưng công việc nhiều nên cố gắng làm thêm, khi nào có thời gian sẽ đi khám. Vậy mà…”, chị Hoa nghẹn ngào bỏ dở câu nói.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho biết, trên địa bàn xã có khá đông người dân đi xuất khẩu lao động sang các nước. Xã Bài Sơn cũng thường xuyên tuyên truyền và vận động người dân chấp hành tốt các quy định của luật pháp khi tham gia đi xuất khẩu lao động trong các dịp hội nghị của xã. Tuy nhiên, do nhiều người ham lợi nhuận nên bất chấp đã trốn ra ngoài làm việc. Trường hợp của anh Khương là do Công ty may bên đó thiếu việc làm, gặp khó khăn nên anh này bỏ ra ngoài làm sau khi qua đó 1 năm. Gia cảnh của anh Khương dù đi xuất khẩu lao động với mong muốn thoát nghèo nhưng đi đã mấy năm hoàn cảnh gia đình vẫn rất khó khăn.

Tác giả bài viết: Phan Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP