Trường MN Happy Kids chưa tháo mác “quốc tế” |
Nhằm đánh vào tâm lý của phụ huynh nên “Trường mầm non song ngữ quốc tế Việt Nam - Singapore” đã gắn mác như vậy để lôi kéo học sinh đến với trường. Trên website của trường này, nhà trường tự giới thiệu “Trường Mầm non song ngữ quốc tế Việt Nam - Singapore” là một trường quốc tế song ngữ đầu tiên trên địa bàn TP Vinh, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế”. Tương tự là Trường mầm non song ngữ Happy Kids, Trường mầm non quốc tế Ánh Dương...
Trong hồ sơ đăng ký thành lập của các trường này đều không có cụm từ “song ngữ” hay “quốc tế”. Ngoài ra, tại Trường mầm non Green School (TP Vinh), trong hồ sơ đăng ký lẫn quyết định thành lập trường đều không có cụm từ “song ngữ”, nhưng khi vào hoạt động tháng 4.2018, trường này đã tự thêm cụm từ “song ngữ” để nâng thương hiệu. Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn TP Vinh và thị xã Cửa Lò có 5 trường mầm non có biển hiệu trường “quốc tế” hoặc trường “song ngữ”. Ngoài ra còn có hàng loạt cơ sở mầm non có tên gọi sai so với quyết định thành lập, sai tên cơ quan chủ quản. Đáng quan tâm hơn, cùng với những cái tên tự gắn cho cơ sở của mình, học phí mà các bậc phụ huynh phải nộp cũng mang tầm “quốc tế”. Phụ huynh muốn cho con em mình vào học, sinh hoạt ở những cơ sở mầm non quốc tế, song ngữ như vậy thì số tiền bỏ ra hàng triệu đồng/tháng/cháu.
Theo thống kê và đối chiếu của Sở GD&ĐT Nghệ An, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non có gắn biển “quốc tế”, “song ngữ” tồn tại trong suốt thời gian qua không đạt tiêu chuẩn quốc tế theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trên địa bàn Nghệ An hiện nay có 55 trường mầm non ngoài công lập, 5/55 trường mầm non ngoài công lập (chủ yếu ở Tp Vinh, thị xã Cửa Lò) bị Sở GD&ĐT phát hiện tự ý gắn biển trường “quốc tế”, “song ngữ” sai quy định. Mặc dù mang tên “quốc tế” nhưng tại những trường học này, chương trình giảng dạy phần lớn cũng tương tự các trường khác. Dường như không có một yếu tố nước ngoài nào ngoài việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ như bao trường khác. Theo Điều 29, Nghị định 86/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, tên trường có vốn đầu tư nước ngoài phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: Trường, cấp học hoặc trình độ đào tạo và tên riêng. Mô hình này có thể được gọi chung là các cơ sở giáo dục có hoạt động hợp tác, đầu tư của nước ngoài.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thế Sơn, Trưởng Phòng giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Nghệ An), cho biết nhiều trường đã cố tình đánh vào tâm lý sính ngoại của các phụ huynh nên đã gắn thêm mác quốc tế để nâng thương hiệu. Đây cũng có thể coi là một hành vi lừa dối đối với khách hàng. Để chấn chỉnh tình trạng này, đơn vị đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT tiến hành rà soát, kiểm tra về việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác tham mưu UBND cấp huyện ban hành quyết định về việc cho phép thành lập trường. Theo quy định, việc đặt tên trường mầm non phải thực hiện theo đúng các yếu tố gồm trường mầm non, tên riêng của trường. Ngoài ra, các trường không được ghi loại hình trường (công lập hay tư thục); không ghi các yếu tố nước ngoài (quốc tế, song ngữ) vào tên trường.
Trước thực trạng các trường mầm non ngoài công lập tự ý gắn cụm từ “quốc tế”, “song ngữ” để chiêu sinh, Sở GD&ĐT Nghệ An đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT trên địa bàn kiểm tra, xử lý. Theo đó yêu cầu các Phòng chấn chỉnh thực hiện các quy định về cho phép thành lập, hoạt động giáo dục đối với với những cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; chỉ đạo, hướng dẫn các trường đã được UBND cấp huyện ban hành quyết định cho phép thành lập trường nhưng chưa đúng, gửi tờ trình đề nghị UBND cấp huyện cho phép đổi tên trường phù hợp với quy định của Điều lệ trường mầm non.
Để thực hiện chỉ đạo nói trên, UBND thành phố Vinh đã có báo cáo số về kết quả chấn chỉnh thực hiện các quy định về cho phép thành lập, hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Theo báo cáo này, đối với các trường mầm non ngoài công lập, thành phố đã có quyết định đổi tên cho các trường phải xóa từ “song ngữ” ở tất cả các biển bảng, hồ sơ liên quan của nhà trường…
Chỉ đạo của Sở GD&ĐT là vậy nhưng khi khảo sát thì nhiều trường mầm non ngoài công lập ở thành phố Vinh vẫn cho tồn tại chữ “quốc tế”, “song ngữ” ở cơ sở của mình. |
Tác giả: PHẠM TƯỚC
Nguồn tin: baovanhoa.vn