Đối mặt với nguy cơ lũ quét
Nằm dưới hai nhà máy thủy điện bản Vẽ và Nậm Nơn, hiện tại hơn 30 hộ dân thuộc bản Lạ, Minh Phương, bản Côi, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương đang nằm trong nguy cơ sạt lở cao nhất là về mùa mưa lũ. Hầu hết những ngôi nhà nằm bên bờ sông Nậm Nơn đều đóng mốc an toàn từ khi thành lập nhà máy thủy điện bản Vẽ, song từ nhiều năm nay do việc xả lũ của thủy điện, sạt lở đất đã vào sát nhà các hộ dân.
Những ngôi nhà xây kiên cố điểm sạt lở cũng vào sát tận nền nhà có nguy cơ sạt lở, đổ sập bất cứ lúc nào. Do địa hình đất dốc, nền đất yếu khiến hàng loạt hộ dân ở bản Lạ luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa lũ về. Ông Lô Văn Nga cho biết, nhà ông xây dựng trước khi nhà máy thủy điện bản Vẽ thành lập, đến nay sạt lở đã vào cách nhà chỉ còn vài mét. Mỗi khi thủy điện xả lũ, mọi người nằm trong nhà không ngủ được vì sợ bị cuốn trôi. “Một số chuồng trại chăn nuôi của người dân nằm sát sông Nậm Nơn có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Mỗi khi thủy điện xả lũ, nước dâng lên đến tận sàn nhà. Khi nước rút đất lại sạt xuống rất nguy hiểm", chị Vi Thị Ninh, bản Lạ không ít lo lắng.
Hàng năm, cứ vào mùa mưa lũ, nhiều nhà dân ở dọc hai bên bờ sông Nậm Mộ, đoạn chảy qua khu vực thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn và các bản ven sông thuộc xã Hữu Kiệm lại lo âu, thấp thỏm. Lo là lo vậy nhưng do độ dốc quá lớn, địa hình phức tạp không có mặt bằng ở cách xa sông nên đành liều làm nhà gần mép sông. Đặc biệt, thị trấn Mường Xén nhỏ hẹp nằm dọc theo Quốc lộ 7, một bên giáp núi, một bên giáp sông Nậm Mộ. Phía giáp núi có độ dốc lớn, việc san ủi mở rộng mặt bằng cho dân cư không mấy dễ dàng; khu vực giáp sông Nậm Mộ rộng nhất ra đến mép sông chưa đầy 100 m. Hiện, ở khu vực khối 1, khối 4, khối 5 thị trấn và bản Khe Tỳ, vùng Bệnh viện, thuộc xã Hữu Kiệm có nhiều nhà nằm chênh vênh ngày bên mép sông.
Nguy hại hơn, khu vực gần mép sông cuối thị trấn nhiều nhà nằm ngay trên nền đất mướn đổ ra chỉ kè tạm bợ. Phía tả ngạn địa hình cũng rất dốc, chỉ đủ mở một con đường, mép ta ly dương cao ngất và một bên là vực thẳm. Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo để giúp người dân giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy vậy, sau khi khảo sát, kiểm tra hiện vẫn còn hơn 50 hộ dân thuộc vùng nguy hiểm ven dòng Nậm Mộ chưa di chuyển. Huyện Kỳ Sơn cũng đã có phương án di dời tái định cư cho các hộ dân khỏi vùng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã lập dự án di chuyển hơn 400 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm bên bờ sông Nậm Mộ, dù đã được phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí thực hiện.
Khó khăn trong di dời
Toàn tỉnh Nghệ An có 11 huyện nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Từ năm 2007 đến nay, hầu như năm nào ở các huyện này đều xảy ra các đợt lũ ống, lũ quét, khiến hàng chục người chết và thiệt hại đến hàng nghìn tỷ đồng. Để chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại, những năm qua, các địa phương này đã triển khai thi công nhiều công trình đê kè chống sạt lở, thực hiện các chương trình di dân, tái định cư và tăng cường sự chủ động triển khai các hoạt động phòng tránh tại các vùng có nguy cơ cao.
Hiện nay, trên địa bàn các huyện miền núi đang có một số cơ quan, đơn vị, trường học và khoảng 2.575 hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao cần phải sơ tán. Trong đó, huyện rẻo cao Kỳ Sơn có khoảng 740 hộ tập trung ở các xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Mỹ Lý, Mường Típ, Mường Ải … Huyện Tương Dương cũng có nhiều điểm nguy cơ lũ quét, sạt lở; ách yếu nhất là các xã: Lưu Kiền, Lượng Minh, Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Mai Sơn, Nhôn Mai… đa phần các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đều có mong muốn được sớm di dời đến nơi ở an toàn, nhưng khó khăn nhất hiện nay là gia đình không có kinh phí và xã cũng không còn quỹ đất ở.
Theo thống kê của UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An), hiện ba bản trên có 34 hộ có nguy cơ sạt lở cao, nhiều nhất là bản Lạ với 14 hộ. Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Lượng Minh vừa là hạ lưu của thủy điện bản Vẽ vừa là thượng lưu của thủy điện Nậm Nơn nên nguy cơ sạt lở là điều không tránh khỏi. Nhiều thời điểm thủy điện xả lũ vượt mốc an toàn tuy nhiên việc di dời vẫn chưa thực hiện được vì thiếu nguồn đền bù. Trước mắt, chính quyền đang tuyên truyền vận động người dân tự di dời, về phần xã sẽ ủng hộ nhân lực để giúp bà con".
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng cho biết thêm: Mùa mưa lũ đã đến, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên bờ sông Nậm Mộ nơi phố núi huyện rẻo cao biên giới này có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Tính mạng và tài sản người dân luôn bị rình rập bởi những trận lũ quét.
Hầu hết những ngôi nhà nằm bên bờ sông Nậm Nơn đều đóng mốc an toàn từ khi thành lập nhà máy thủy điện bản Vẽ, song từ nhiều năm nay do việc xả lũ của thủy điện, sạt lở đất đã vào sát nhà các hộ dân.
Ngôi nhà nằm trong vùng nguy hiểm tại thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn.
Tác giả bài viết: NGÂN PHẠM - Ảnh: ĐÀO THỌ