Xã hội

Nhiều người chỉ sợ rò điện khi dùng bình nóng lạnh, nhưng quên những điều sau cũng nguy hiểm cho bản thân

Bình nóng lạnh để quá lâu mà không tắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ với mọi người.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh được một người dùng Facebook chia sẻ về việc bình nóng lạnh bị nổ tại nhà. Sự việc khiến nhiều người không khỏi kinh hoàng. Theo hình ảnh được đăng tải, chiếc bình nóng lạnh bị rơi từ trên cao xuống, cháy đen một phần, biến dạng. Khu vực nhà tắm bị ám khói đen, trần nhà bám tahn đen. Tường nhà tắm được ốp loại gạch trắng nhưng sau sự việc cũng bị ám màu đen đáng sợ.

Nhiều người dùng mạng xã hội tỏ ra lo lắng. "Quá sợ, từ trước đến nay, tôi chỉ biết đến việc bình nóng lạnh gây điện giật dò rò điện trong khi tắm. Tôi hoàn toàn không biết đến việc bình nóng lạnh bị nổ tan tành và gây nguy hiểm thế này", một người dùng mạng xã hội cho hay.

Hàng năm, có không ít vụ tai nạn xuất phát từ bình nóng lạnh, do sự sơ ý của người dùng. Hoặc các gia đình ít quan tâm đến yếu tố an toàn hoặc tình hình hoạt động của rơ lê, dây điện, không dùng bút thử điện kiểm tra xem có bị rò rỉ hay không.

Sự chủ quan có thể gặp nguy hiểm

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Nghĩa (kỹ sư điện gia dụng) phân tích, một thực tế vẫn thường thấy là nhiều gia đình sử dụng triền miên bình nóng lạnh từ năm này qua năm khác. Nhiều người thấy bình vẫn làm nóng nước, hoạt động tốt nên không mấy quan tâm bên trong. "Bình nóng lạnh cũng như điều hòa hay bếp từ... sau một thời gian dài sử dụng cũng cần được kiểm tra, do các bộ phận có thể kém đi. Tôi thấy nhiều gia đình thường chú ý vệ sinh điều hòa trước và sau mùa hè. Nhưng không phải gia đình nào cũng chú ý quan tâm đến bình nóng lạnh thường xuyên", kỹ sư Nguyễn Nghĩa nhấn mạnh.

Ngoài ra, khi sử dụng bình nóng lạnh, chỉ nên bật đến một mức đủ cho nước nóng cho các thành viên trong gia đình tắm. Nhưng nhiều gia đình lại để bình nóng lạnh suốt cả ngày, không ngắt trong khi tắm.

"Bình nóng lạnh cũng như những vật dụng khác, dùng lâu và thường xuyên cũng cần được bảo dưỡng. Nhưng nếu để bình suốt ngày như vậy khiến cho các bộ phận trong bình trong rơ le tự động hoạt động kém, nhanh hỏng do hoạt động quá tải", kỹ sư Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, việc dùng bình nóng lạnh trong khi tắm mà không tắt vô cùng nguy hiểm. Bởi chỉ cần bình nóng lạnh bị rò điện thì có thể gây giật.

Bình nóng lạnh có thể phát nổ khi để bình đun quá lâu mà các bộ phận bên trong đã hoạt động kém. Khi nước sôi đến một ngưỡng nhất định thì rơ le sẽ tự động ngắt điện. Nhưng khi các bộ phận bên trong hoạt động kém thì rơ le không ngắt, nước vẫn tiếp tục được đun nóng, hơi tăng lên dẫn đến phát nổ.

Vì vậy, với người sử dụng bình nóng lạnh thì việc kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện các bộ phận bên trong bị hỏng là vô cùng quan trọng. Thanh magie trong bình nóng lạnh giúp nước được đun nóng và sôi, do đó bạn cần kiểm tra kỹ. Nếu thanh này đã hỏng, cũ, bị ăn mòn thì phải thay mới. Ngoài ra, người sử dụng chú ý sục bình nóng lạnh theo chỉ dẫn của người có chuyên môn để làm sạch bên trong bình.

Bình nóng lạnh không được sục sạch bên trong thường xuyên khiến cho các bộ phận hoạt động kém, nước lâu nóng, nguội nhanh, hoạt động kém dễ dẫn đến rò điện, cháy nổ. Sau khi bảo dưỡng cần dùng bút điện kiểm tra xem có đảm bảo an toàn hay không, có bị rò điện ra ngoài hay không nhằm đề phòng những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tác giả: Ngọc Ánh

Nguồn tin: emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP