Giáo dục

Nhiều giáo viên trẻ môn phụ không muốn gắn bó với nghề

Hiệu phó một trường cấp 2 tâm sự rằng giờ nhiều giáo viên trẻ, dạy môn phụ có năng lực nhưng lại không muốn gắn bó với nghề lâu dài.

Cô cháu gái dạy Mĩ thuật của tôi vừa quyết định xin nghỉ việc. Cháu muốn đi làm cho công ty ở gần nhà. Khỏi phải nói anh chị tôi sốc thế nào. Chị tôi khóc lóc um sùm. Chị điện thoại nhờ tôi thuyết phục cháu nghĩ lại giúp. Chỉ mong sao cháu đừng bỏ nghề thôi.

Cô cháu gái của tôi đang dạy học ở Sài Gòn. Thuở nhỏ, cháu rất có khiếu hội họa. Lúc nào cũng chỉ thích vẽ. Tốt nghiệp cấp 3, cháu thi vào trường Sư phạm, khoa Mĩ thuật… Rất may, ra trường cháu xin được việc làm ngay. Anh chị tôi thấy con yên ổn thì mừng rơi nước mắt.

Cháu từng tâm sự với tôi là rất yêu nghề. Cháu nghĩ mình đã chọn đúng nghề. Cháu rất thương lũ học trò của mình. Vậy mà bây giờ, cháu nhất quyết đòi nghỉ dạy bằng được. Cháu bảo không muốn gắn bó lâu dài với nghề nữa. Với mức lương hơn 4 triệu đồng cháu không đủ sống. Thực lòng, bỏ nghề cháu cũng buồn lắm. Mấy năm nay cháu chỉ quen với bảng đen phấn trắng.

Ngày nào đến trường cũng bắt gặp những ánh mắt thân quen. Thế nhưng với mức lương bây giờ, cháu không đủ sống. Cháu cũng không giỏi như mọi người để làm chân trong, chân ngoài. Nhiều hôm cứ phải về xin tiền của mẹ để đi đám. Thôi thì mình yêu nghề thật đấy nhưng cũng đành phải gác ước mơ sang một bên để kiếm sống vậy.

Thực ra, giáo viên trẻ giảng dạy môn phụ thường hay bỏ nghề. Các em chỉ gắn bó ít năm rồi xin nghỉ. Năm rồi trường tôi cũng liêu xiêu với cảnh này. Thầy dạy Âm nhạc tự nhiên xin nghỉ ngang. Trường từng mong thầy dạy hết năm rồi hẵng nghỉ. Chứ giờ kiếm đâu ra giáo viên để dạy cho tụi nhỏ. Thế nhưng thầy xin lỗi vì đã tìm được việc làm khác rồi. Vậy là cuối cùng trường đành phải báo về Phòng giáo dục để kiếm giáo viên khác dạy hợp đồng.

Cô bạn gái của tôi- hiện là Hiệu phó một trường cấp 2 tâm sự rằng giờ nhiều giáo viên trẻ, dạy môn phụ có năng lực nhưng lại không muốn gắn bó với nghề lâu dài.

Các em chỉ làm vài năm rồi xin nghỉ ngang. Lí do thì ai cũng biết dạy học khá vất vả mà lương lại quá thấp. Thế là dù yêu nghề nhưng các em vẫn xin nghỉ. Nhìn các em bỏ đi tiếc lắm nhưng chẳng biết làm sao. Thôi thì, các em có quyền quyết định cho tương lai, số phận mình.

Có thể nói, lương giáo viên trẻ mới ra trường hiện nay khá thấp. Giáo viên THCS hạng III (hết tập sự) bậc 01 là 2.1. Ngoài ra, giáo viên đứng lớp còn có thêm 30% phụ cấp. Sau khi trừ hết các khoản thì giáo viên thực lãnh còn 3.700.000. Số tiền này lãnh về giáo viên lại tiếp tục đóng công đoàn phí, hay ủng hộ quỹ này, quỹ kia nữa chứ.

Đối với những giáo viên môn dạy môn chính thì đỡ hơn. Ngoài tiền lương, các em còn có tiền thu nhập tăng thêm bằng dạy tăng tiết hoặc xin đi dạy ở các trung tâm. Chứ các em dạy môn phụ thì chỉ biết sống bằng lương.

Mức lương ấy nếu chỉ ăn uống thì gói ghém cũng đủ. Khổ nỗi, giáo viên trẻ đám tiệc thường nhiều…Có em xa nhà còn phải thuê trọ, có em khi đau bệnh trong người không có khoản tiền phòng thân nào. Những lúc đó lại phải chạy đôn đáo gặp kế toán để ứng lương. Cuối cùng, nhiều em dù yêu nghề, muốn gắn bó với nghề lắm nhưng cũng đành buông tay.

Thiết nghĩ, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ giáo viên trẻ. Chứ với mức lương như hiện giờ thì nhiều em dù yêu nghề cũng không thể gắn bó lâu dài. Đặc biệt là với những giáo viên giảng dạy bộ môn phụ. Ngoài lương, các em không có khoản thu nhập nào thêm. Các em rất cần được hỗ trợ để đảm bảo mức sống của mình. Nếu tình hình này kéo dài, các trường sẽ liên tục thiếu giáo viên, nhất là những giáo viên bộ môn phụ.

Tác giả: Loát Trần

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP