Hoài Linh có trách nhiệm trả lại tiền cho người đã ủng hộ
Nêu ý kiến về vụ việc NSƯT Hoài Linh đứng ra quyên góp tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung từ tháng 10/2020 nhưng đến nay vẫn im lặng giữ số tiền hơn 13 tỷ đồng, chưa giải ngân, Luật sư Phan Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội - Công ty Luật TNHH Việt Úc) cho biết, ông không muốn luận bàn về các khía cạnh nhân cách, đạo đức, xã hội hay truyền thông.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phan Sơn cho rằng đây là giao dịch tự nguyện giữa người ủng hộ và người nhận ủng hộ (Hoài Linh), khi mà những người gửi tiền ủng hộ chưa lên tiếng thì khó có thể xác định Hoài Linh có vi phạm pháp luật hay không.
Trong clip gửi truyền thông tối 24/5, Hoài Linh cho biết con số hiện tại sau khi trừ đi số tiền đã chi và cộng thêm cả lãi suất là 13.770.205.883 đồng. |
Theo Luật sư Sơn, Thông tư 72/2008/TT-BTC không hề và không thể áp dụng cho trường hợp của Hoài Linh trong vụ việc này. Bởi đối tượng áp dụng của Thông tư này cũng như Nghị định số 64/2008/NĐ-CP (nghị định được hướng dẫn bởi Thông tư 72) là tiền, hàng cứu trợ được huy động bởi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã được thành lập hợp pháp, và các cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài).
"Đây là những tổ chức có chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và phương thức tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ, hoàn toàn khác so với việc một cá nhân đứng ra kêu gọi ủng hộ thiện nguyện", Luật sư Phan Sơn cho hay.
Chính vì pháp luật chưa quy định cụ thể về việc cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, nên ngày 23/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8876/VPCP-QHĐP thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế.
Luật sư Sơn cho rằng, việc áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 để điều chỉnh quan hệ ủy quyền giữa người ủng hộ với nghệ sĩ Hoài Linh là phù hợp cả về thực tế lẫn áp dụng pháp luật.
Tuy nhiên, trong quan hệ ủy quyền giữa những người ủng hộ và người nhận, cam kết chuyển tiền ủng hộ là Hoài Linh, tại thời điểm hiện nay mục đích của việc ủy quyền (ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung) đã không đạt được và không còn nữa, thì Hoài Linh có trách nhiệm trả lại tiền cho người đã ủng hộ.
Người đã ủng hộ tiền hoàn toàn có quyền yêu cầu Hoài Linh trả lại tiền đã ủng hộ.
Trường hợp người ủng hộ có yêu cầu mà Hoài Linh cứ giữ tiền không chịu trả, thì có thể xem xét điều tra về dấu hiệu vi phạm "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Hoặc trường hợp nếu phát hiện có ý đồ kêu gọi ủng hộ để lấy tiền dùng vào việc khác đã hoạch định trước, thì có thể xem xét điều tra về dấu hiệu vi phạm "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Hoài Linh khó bao biện
Như Dân trí đã thông tin, xoay quanh vụ việc NSƯT Hoài Linh và hơn 13 tỷ đồng được người hâm mộ ủng hộ cho hoạt động cứu trợ, hỗ trợ đồng bào miền Trung đợt lũ lụt, vấn đề đồng tiền từ thiện phải được minh bạch và sử dụng kịp thời lại được đặt ra.
Chia sẻ với Dân trí, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng việc công chúng, đặc biệt những người đã quyên góp cho Hoài Linh thắc mắc về số tiền hơn 13 tỷ đồng là điều chính đáng chứ không phải công kích cá nhân.
|
Hoài Linh đã không cập nhật bất cứ thông tin nào liên quan đến số tiền từ thiện suốt 6 tháng qua. Danh hài cũng không tới miền Trung giúp đỡ bà con như đã tuyên bố. Theo chuyên gia truyền thông, Hoài Linh khó bao biện cho vụ việc.
Bài đầu tiên Hoài Linh kêu gọi quyên góp đăng ngày 29/10/2020. Đến ngày 11/11/2020, anh thông báo ngưng nhận tiền và nói: "Số tiền hiện nay đã được 13.413.197.865 đồng. Chốt đến hôm nay 11/11 sẽ không dám nhận quyên góp nữa, lên đường về Miền Trung với con số cuối cùng mà quý vị chuyển vào tài khoản này".
"Tuy nhiên, từ sau bài viết chốt sổ cuối cùng, Hoài Linh không chia sẻ thêm bất cứ bài đăng nào về 2 việc: Số tiền ủng hộ chính thức là bao nhiêu và Hoài Linh đã dùng nó vào việc gì? Bất chấp có rất nhiều bình luận vào fanpage để hỏi, ở nhiều thời điểm khác nhau", chuyên gia đánh giá.
Theo ông Nguyễn Ngọc Long, hầu như luôn có sự chênh lệch giữa số tiền ở thời điểm "chốt sổ" và số tiền ở thời điểm mang đi làm từ thiện, do nhiều người chưa đọc được bài đăng cuối cùng nên vẫn chuyển khoản.
Lý do khác là có những khoản giấu tên, họ không ghi thông tin theo đúng cú pháp hoặc vô tình ghi sai dẫn tới cần nhiều thời gian để thống kê.
Đây sẽ không phải vấn đề lớn nếu danh hài chủ động mang tiền đi giúp, cập nhật liên tục về số tiền hoặc tuyên bố để lại một phần lẻ nào đó cho dịp sau. Nhưng Hoài Linh không đi từ thiện ngay như nội dung đã đăng nên mới phát sinh việc con số mà Hoài Linh "chốt sổ" với con số vừa thông báo gần đây chênh nhau cả tỷ đồng, chưa kể tiền lời - chuyên gia phân tích.
"Việc bận này bận kia chưa đi, hoặc không đi thì chỉ mình Hoài Linh biết. Ai tin tưởng cho rằng anh ấy bận rộn. Ai đã mất lòng tin sẽ cho rằng nói xạo do anh ấy liên tục update lịch diễn cũng như các hoạt động phim ảnh, quảng cáo khác đều đều", ông Nguyễn Ngọc Long nhận định.
"Hoài Linh không thể vin vào dịch Covid-19 để bao biện được. Hoài Linh chỉ cần 22 ngày để thống kê xong con số 13,4 tỷ đồng, nhưng mất 6 tháng vẫn không thống kê xong số tiền 1,2 tỷ đồng phát sinh thì xét về phương diện truyền thông, Hoài Linh khó thể nào bao biện được", ông Long trao đổi.
Tác giả: Khả Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí