Đánh giá về xu hướng hội nhập khu vực, bà Pontimon Petcharakul cho rằng, xu hướng toàn cầu hóa hiện nay có thể ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên thế giới. Điều này là đương nhiên khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định hợp tác quốc tế với các chuyên gia. Toàn cầu hóa có thể giúp nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam, những công ty tốt nhất với công nghệ tiên tiến và kiến thức quản lý hiện đại. Họ sẽ tới Việt Nam chuyển giao kiến thức, giúp các công ty Việt Nam vươn ra thế giới.
Việt Nam có một tài sản tuyệt vời đó là nguồn nhân lực, không chỉ vì giá công nhân rẻ mà còn vì chất lượng tính cách của người Việt Nam trong các hoạt động kinh doanh sẽ giúp Việt Nam chinh phục được thế giới trong lĩnh vực thương mại.
Theo số liệu của Vụ thị trường châu Á Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Tính đến hết tháng 02/2016, Thái Lan đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hai nước đang tích cực đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang đặt ra nhiều cơ hội to lớn cho các hoạt động hợp tác.
Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược kể từ tháng 6/2013. Trong năm 2016, hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (06/8/1976).
Mới đây, Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỉ USD.
Trước đó, tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group cũng đã mua lại Metro Việt Nam gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD. Như vậy, chỉ riêng hai “đại gia” Thái Lan này đã sở hữu hơn 50 siêu thị trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Tác giả bài viết: Nam Hải