Biết đến loài dế cũng rất tình cờ, ông Phạm Ngọc Bích, hơn 60 tuổi ở xóm 8A xã Thanh Mai (Thanh Chương - Nghệ An) đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết với loài côn trùng này.
Vốn là người rất chăm đọc báo, thích tìm hiểu các mô hình nông nghiệp vươn lên làm giàu. Đầu năm 2016 khi xem mô hình nuôi dế trên tivi với nguồn vốn đầu tư ít mà vẫn đem lại lợi nhuận cao. Nhận thấy đây là mô hình hấp dẫn và phù hợp với kinh tế gia đình nên ông mày mò tìm hiểu kỹ về nghề nuôi dế trên các trang mạng xã hội để học hỏi các kỹ thuật nuôi.
Ông Phạm Ngọc Bích dọn ra ở cùng đàn dế để tiện chăm sóc. Ảnh: Diệp Phương |
Ông đã lặn lội bắt xe ra Hà Nội tìm đến các địa chỉ "đầu nguồn" về nuôi dế. Ban đầu ông Bích mua 2 khay trứng với giá 300.000 đồng nuôi thử nghiệm. “Hồi ấy, do còn lạ lẫm và chưa hiểu về đặc tính của loài dế, quy cách chuồng trại, kỹ thuật nuôi nhất là thời điểm nở trứng, đẻ con nên tôi làm những chiếc chuồng chưa đạt yêu cầu dẫn đến việc nuôi giữ những con dế li ti mới nở là rất khó” - ông Bích nhớ lại.
Thời điểm đó, 2 khay trứng dế đưa về ấp nuôi thử nghiệm bị mất trắng. Không nản lòng, ông Bích tiếp tục mua thêm 3 khay để ấp nở. Đợt này, ông đã biết làm chuồng dế bằng thùng xốp vừa phù hợp làm ổ, vừa kín để dế mới nở không trôi lọt ra ngoài.
Những khay trứng dế đang trong quá trình ủ nở. Ảnh: Diệp Phương |
Niềm vui như được nhân lên khi thấy dế không bị hao hụt và bắt đầu lớn dần. Ông bắt đầu đặt mua thêm nhiều thùng xốp hơn và lấy thêm trứng dế về ấp. Thời gian này, muốn hiểu rõ và chăm sóc đàn dế phát triển một cách tốt nhất ông Bích đã quyết định dọn ra ở cùng đàn dế.
Sau hơn 3 tháng hao công tốn sức nghiên cứu, trại dế của ông đã bắt đầu cho thu nhập. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dế, ông Bích cho hay: “Một lứa dế thường có chu kỳ nuôi 45 ngày. Đầu tiên, các khay trứng dế sẽ được ủ trong thùng xốp, phải chú ý luôn giữ nhiệt độ ở mức trên 30 độ C, mùa hè khoảng 7 ngày còn mùa đông khoảng 12 ngày thì trứng sẽ nở hết thành con. Sau đó, lấy khay trứng ra và bỏ thêm rơm rạ vào thùng xốp làm nơi trú ẩn cho dế mới nở. Khi dế được tầm 15 ngày tuổi thì chuyển qua nuôi trong thùng làm bằng bìa cát tông hoặc thùng gỗ đến khi xuất chuồng”.
Dế có nhiều loại, nhưng ông chọn nuôi dế mèn vì loại này dễ nuôi, ít bệnh và phát triển tốt. Dế càng trưởng thành thì cần lượng thức ăn càng tăng; mỗi tuần phải dọn chuồng cho dế ít nhất 1 lần.
Hiện, bình quân mỗi ngày ông bán ra 5kg dế thịt với mức giá 200.000 đồng/kg cung ứng cho các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn và được đóng thùng gửi đi tiêu thụ khắp các thành phố lớn như: Vinh, Hà Nội, Sài Gòn,… bình quân mỗi tháng gia đình ông thu về 15 triệu đồng.
Thức ăn chính của dế là các loại cỏ, rau, lá, quả trong vườn nhà. Tùy theo lứa tuổi mà thức ăn được cho nhiều hay ít ở đáy thùng nuôi, hàng ngày nước được phun sương quanh thành thùng để dế uống. Ảnh: Diệp Phương |
“Dế còn là thức ăn béo bở của tắc kè hoa vì vậy sắp tới tôi sẽ nuôi thêm tắc kè hoa. Vừa khai thác triệt để lợi ích của dế mèn, vừa kiếm thêm nguồn thu nhập từ việc bán tắc kè hoa cho các thương lái với giá cao, dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/1con” - ông Bích chia sẻ về kế hoạch làm ăn.
Tác giả: Diệp Phương
Nguồn tin: Báo Nghệ An