Mùa soi chẫu chàng chỉ có một lần trong năm, vào thời điểm mùa mưa bắt đầu (khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 âm lịch). Đây cũng là lúc chẫu chàng sinh sản.
Thời điểm này, nhiều gia đình ở huyện miền núi Con Cuông chuẩn bị dụng cụ để đêm đêm đi bắt chẫu chàng. Dụng cụ săn bắt rất đơn giản, gồm một thùng đựng và đèn pin, nên trẻ con cũng có thể tham gia đi săn được.
Chẫu chàng tươi được bán với giá 50.000 - 80.000 đồng/kg. Ảnh: Bảo Hân |
Thời điểm bắt chẫu chàng là lúc trời đã tối hẳn (từ khoảng 7 giờ tối), tránh những đêm sáng trăng vì khi đó rất khó bắt được. Người đi săn sẽ dùng đèn pin rong ruổi khắp cánh đồng, vườn, rừng, ao hồ... tìm bắt chẫu chàng thường ẩn nấp ở những bụi rậm hoặc ao nước.
Nói về kỹ thuật bắt chẫu chàng, anh Phùng Việt Dũng ở xã Đôn Phục cho biết: Muốn bắt được loài này phải đi thật nhẹ nhàng, không gây tiếng động vì nó rất nhạy và nhanh. Đầu tiên dọi đèn tìm chẫu chàng từ xa, sau khi phát hiện thì bước nhẹ nhàng đến, chặn đầu và nhanh tay chụp lấy nó.
Chẫu chàng sau khi làm sạch được xâu thành từng gắp rồi hong trên bếp than. Ảnh: Thăng Bình |
"Mưa nhiều thì chẫu chàng càng sinh sản nhiều, có khi một đêm chỉ vài tiếng đồng hồ đã bắt được cả chục kg... Chẫu chàng sau khi bắt về đem rửa sạch với muối, xâu thành từng gắp rồi đem giàng trên bếp than. Sau 1 tuần có thể đem đi bán" - anh Phùng Việt Dũng chia sẻ.
Hiện nay, nhiều người dân xã Đôn Phục đi săn chẫu chàng bán kiếm thêm thu nhập; với giá chẫu chàng khô 50.000 đồng/gắp (từ 30 - 35 con), chẫu chàng tươi giá 50.000 - 80.000 đồng/kg.
Chẫu chàng có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Ảnh: Bảo Hân |
Thịt chẫu chàng chắc và ngọt hơn thịt ếch vì sống trong tự nhiên nên nó đã trở thành món đặc sản không chỉ của người dân miền núi mà các thực khách ở miền xuôi cũng rất "nghiện" món ăn này.
Chẫu chàng có thể chế biến thành nhiều món ăn như: xào lăn, kho tiêu, chiên chua ngọt, xay nhuyễn cuốn lá lốt, rang với sả đều rất thơm ngon.
Tác giả: Bảo Hân - Thăng Bình
Nguồn tin: Báo Nghệ An