Xã hội

Người đàn bà tật nguyền nhiều năm trời đi tìm đứa con ‘mất tích’ bí ẩn

Đã hơn 4 năm trôi qua từ ngày cô con gái “bặt vô âm tín”, bà Thực vẫn gắng gượng lê đôi chân tật nguyền đi đây đó tìm con nhưng từ đó đến nay vẫn vô vọng.

Niềm mong mỏi của người đàn bà tật nguyền đã ở tuổi “gần đất xa trời” sao quá xa xôi?

Chúng tôi tìm về căn nhà của bà Nguyễn Thị Thực, SN 1959 dưới chân di chỉ khảo cổ Cồn Điệp ở xóm 6, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vào một chiều đông lạnh.

Trong căn nhà cấp 4 hai gian dựa vào vách núi không có cái gì đáng giá là nơi cư ngụ của người đàn bà tật nguyền bất hạnh.

tim con gai
Người đàn bà bất hạnh bên căn nhà lụp xụp. Ảnh Thạch Quỳnh.

Mái ấm không trọn vẹn

Ngồi trên chiếc ghế nhựa, bà Thực với dáng người khắc khổ, da sạm nắng, mái đầu bạc. Bị dị tật bẩm sinh khiến chân trái bà teo tóp, không thể đi lại bình thường như những người khác. Số phận kém may mắn khiến duyên phận của người phụ nữ này cũng hẩm hiu, không cho bà một mái ấm trọn vẹn.

Vì quá lứa lỡ thì nên khi bạn bè cùng trang lứa đã lấy chồng, sinh con, bà Thực vẫn lẻ bóng. Sau đó, bà Thực quen một người đàn ông quê ở miền Bắc vào đây làm ăn. Ngày đó, bà chỉ biết người đàn ông ấy từng có một đời vợ nên dù anh em, hàng xóm khuyên răn, bà vẫn quyết định gắn bó, sống với nhau như vợ chồng mà không có “hôn thú”.

Khi đó, “vợ chồng” bà ở với nhau trong một túp lều nhỏ mà theo bà Thực nói đó là túp lều chị Dậu. Hai người đang sống yên lành, khi bà đang mang thai cô con gái út mới 2 tháng(tên Hà) bây giờ, người “chồng hờ” của bà đã đề nghị đưa mẹ con bà về Bắc sinh sống.

Tuy nhiên, vì nghĩ ra đó “lạ nước, lạ cái” nên bà đã chối từ, muốn ở lại đây để nương nhờ anh em đàng ngoại. Thuyết phục bà không được, người đàn ông ấy quay về Bắc và bỏ măc mẹ con bà từ đó đến giờ.

Sau đó, con gái út của bà sinh ra cũng chẳng rõ mặt cha. Lớn lên, hai người con của bà Thực đành phải mang họ mẹ. Sống cảnh thiếu vắng đàn ông, bản thân lại bị tàn tật, bà Thực vẫn cố gắng bươn chải cuộc sống để nuôi con hai đứa con thơ dại khôn lớn, nên người.

Thấy người đàn bà tật nguyền cùng hai đứa con thơ phải sống khổ cực trong túp lều rách nát, anh em, bạn bè hồi cấp 3 của bà đã thương tình góp tiền dựng cho mẹ con bà hai gian nhà cấp 4 để che mưa nắng.

Gia cảnh khó khăn, không có điều kiện ăn học tiếp nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, hai người con của bà Thực theo nhau vào Vũng Tàu làm công nhân. Từ ngày hai đứa con đi làm ăn xa, mỗi năm mẹ con bà mới có dịp đoàn tụ 5 đến 7 ngày dịp Tết. Rồi con trai bà cũng lấy vợ, hiện đã có cô con gái đầu lòng 5 tuổi. “Cũng may trời rủ lòng thương cho tôi cả hai đứa con ngoan ngoãn, biết thương mẹ, chịu khó làm ăn. Với người làm mẹ như tôi, thế cũng là đã mãn nguyện lắm rồi”, bà Thực chia sẻ.

Cuộc điện thoại cuối cùng đêm 30 Tết

Cuộc sống của mẹ con bà Thực êm đềm trôi thì bỗng chốc từ niềm đau ập đến với người đàn bà tật nguyền, bất hạnh. Đó là một ngày cuối năm 2012, vì điều kiện khó khăn nên con gái út của bà là Nguyễn Thị Hà (SN 1987) không về quê như mọi năm mà quyết định ở lại kiếm thêm tiền. Không ngờ, từ đó đến nay, chị Hà “bặt vô âm tín”.

tim con gai 1
Ảnh của chị Hà chụp trước khi “bặt vô âm tín. Ảnh Thạch Quỳnh.

Nói đến đây, Bà Thực không cầm được nước mắt. Bà nghẹn ngào nhớ lại: “Tối 30 Tết năm đó, con Hà vẫn điện thoại về cho tôi nói có gửi 1 triệu đồng nhờ anh trai mang về biếu mẹ tiêu Tết còn con ở lại. Rồi nó bảo đi về tốn kém, nên ở lại làm thêm mấy ngày Tết để tích góp thêm ít tiền để làm vốn lấy chồng, thêm thắt gửi về cho mẹ thuốc thang. Nào ngờ, đó cũng là lần cuối cùng tôi được nghe giọng của con gái”.

Sau cuộc điện thoại đó, suốt mấy ngày Tết, bà Thực cố gắng điện thoại cho cô con gái không được nên bất an, lo lắng. Khi đó, bà Thực cứ đinh ninh là khi đi chơi với người yêu, con gái bà đã tắt điện thoại.

Đến ngày mồng 6 Tết vẫn không thấy con gọi điện về, linh tính điều chẳng lành nên bà giục cậu con trai là Nguyễn Sỹ Nam vào lại Vũng Tàu trước thời hạn nghỉ phép để xem tình hình em gái như thế nào. “Khi vào đến nơi, con trai tôi gọi về cho mẹ nói là vẫn chưa liên lạc được với em gái. Những người sống xung quanh bảo con Hà đi gần 10 ngày nay không thấy trở về. Nó bảo con nghĩ đã có chuyện gì xảy ra với em con rồi. Nghe vậy, tôi chỉ biết khóc lu loa”, bà Thực lau nước mắt nhớ lại giây phút ấy.

Lấy lại bình tĩnh, bà Thực kể tiếp: "Khi con trai tôi vào mở cửa phòng trọ của Hà thì mọi thứ trong phòng đều y nguyên. Thậm chí, quần áo nó tắm từ chiều 30 Tết vẫn còn ngâm trong chậu, đã bốc mùi. Còn thịt, đồ trong tủ lạnh Hà mua để ăn Tết vẫn còn y nguyên. Nó có hẹn với một người chị cùng quê là mồng 1 sang phòng nó ăn Tết mà đi mãi không về”.

Được biết, trước khi “bặt vô âm tín”, chị Nguyễn Thị Hà (con gái bà Thực) làm công nhân cho công ty sản xuất giày da đóng trên địa bàn Thành phố Vũng Tàu.

Xa quê, chị Hà cùng vợ chồng anh trai thuê phòng trọ tại số nhà 926/77 đường 30/4, phường 11, Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ở chung. Thời điểm mất tích, chị Hà đang trong kỳ nghỉ Tết và không có biểu hiện gì bất thường.

Sau khi xảy ra vụ việc, anh Nguyễn Sỹ Nam (con trai bà Thực) đã đến Công an phường 11, Thành phố Vũng Tàu để trình báo. Sau đó, vì nghĩ ở đó thiếu em gái buồn phiền nên vợ chồng anh Nam đã chuyển đến chỗ trọ khác để ở.

Mong mỏi tìm thấy con

Ba tháng sau kể từ ngày không có thông tin gì của con gái, bà Thực lê đôi chân tàn tật vào tận Vũng Tàu rồi lặn lội khắp nơi để tìm kiếm.

Tại đây, người đàn bà bất hạnh nghe người dân gần nơi con gái mình thuê trọ nói có quen và yêu một thanh niên không rõ lai lịch. Trong đêm cuối cùng (đêm 30 Tết) điện về cho bà Thực, chị Hà có đưa chìa khóa phòng cho một người ở cùng làng và nói em đi chơi sợ về muộn nên nhờ chị chút qua mở cửa phòng, dắt xe máy về phòng chị cất hộ kẻo kẻ gian cạy cửa lấy mất. Sau đó, Hà lên xe của người thanh niên ấy rồi đi không về.

Rồi bà Thực cho biết thêm: “Khi vào trong Nam, tôi nghe người dân ở đó nói lại rằng con gái tôi cũng dại, trên người nó treo nhiều vàng. Mà cũng đúng thật, có mấy lần con trai tôi gọi về nhắc mẹ gọi điện vào mà nói em đi. Nó cứ nhận được tháng lương nào là mua vàng treo. Và họ cứ đinh ninh sợ con gái tôi bị lừa đưa ra chỗ vắng cướp của rồi phi tang hoặc bán sang Trung Quốc rồi”.

Sau những ngày dài đằng đẵng tìm con ở miền Nam trong vô vọng, bà Thực lại trở về quê nhờ đến tâm linh chỉ đường tìm kiếm. Thế nhưng, tin tức của cô con gái ngày càng bặt vô âm tín. “Mỗi khi năm hết Tết đến, thấy con cái người ta đi làm ăn trở về đoàn tụ, tôi lại tủi thân. Ngẫm đến cảnh mình, tôi lại càng xót thương cho đứa con gái bao năm lưu lạc, bặt vô âm tín. Không biết giờ này nó ở đâu, còn sống hay chết. Thương nó lắm nhưng không biết đến bao giờ mới gặp lại được”, người đàn bà tật nguyền chua chát nói.

Hơn 4 năm không có chút thông tin gì của cô con gái, quá thương con nên bà Thực buồn rầu, trở nên ít nói, ít tiếp xúc với mọi người xung quanh. Thương mẹ, vợ chồng anh Nam có gọi điện về khuyên bà gửi nhà cửa nhờ người trông coi rồi vào Nam để mẹ con đoàn tụ, trông cháu để con đi làm ăn.

Nhưng khi quay trở lại, nhìn thấy quần áo con gái, bà Thực lại ngồi khóc. Suốt một tuần liền bà mất ăn, mất ngủ vì quá nhớ con. Rồi bà bảo con trai mua vé máy bay để về nhà.

Từ đó đến nay, bà Thực thui thủi một mình. Ngày ngày, bà thường ra chợ buôn mớ rau, con cá rồi bán lại kiếm ngày 20-30 nghìn trang trải cuộc sống. Cứ chiều chiều, bà lại ra ngõ dõi mắt về cuối con đường xa xa để mong nhìn thấy một khuôn mặt, một bóng hình thân quen.

Bà Hoàng Thị Tâm (SN 1964, hàng xóm của bà Thực) cho biết: Hoàn cảnh của mẹ con bà Thực rất đáng thương. Chị bị tật nguyền, chồng không có nên phải một thân một mình bươn chải nuôi con không lớn. Sau khi hay tin con gái bà bị mất tích, bà con chòm xóm chúng tôi cũng chỉ biết tới động viên, chỉ mong ngày mẹ con bà được đoàn tụ”.

Từ ngày chị Hà không liên lạc được, mỗi khi nhớ con gái bà Thực chỉ biết mang những tấm ảnh của con ra xem cho đỡ nhớ. Suốt 4 năm qua, bà vẫn luôn mong mỏi con gái của bà sẽ trở về. Rời căn nhà nhỏ của người phụ nữ tật nguyền, bất hạnh chúng tôi vẫn đau đáu câu nói của bà: “Tôi giờ gần đất xa trời rồi, chỉ cầu mong một phép màu nào đó cho con gái tôi được sống, được về để mẹ con tôi được có ngày đoàn tụ. Nếu không, tôi có chết thì cũng khó mà nhắm mắt”.

tim con gai 2
Mỗi khi nhớ con gái, bà Thực chỉ biết mang ảnh chị Hà ra xem. Ảnh Thạch Quỳnh.

Ông Lê Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn khẳng định: "Cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Thực cũng có cầm 1 lá đơn ra đề nghị chủ tịch xác nhận là con gái bà mất tích. Tuy nhiên, phía xã chúng tôi không đủ thẩm quyền vì luật quy định tuyên bố người mất tích là do tòa án. Việc con gái bà làm ăn ở trong Nam như thế nào tôi cũng không nắm rõ. Tôi cũng mới nghe thông tin con gái bà là đi làm ăn xa mới hơn 3 năm không liên lạc được".

Tác giả bài viết: Thạch Quỳnh/Phununews

  Từ khóa: gắng gượng ,âm tín

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP