Trong tỉnh

Nghĩa Đàn (Nghệ An): Cán bộ tín dụng ngân hàng Agribank ôm tiền dân bỏ trốn

Hơn một năm nay hàng chục hộ dân các xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Long huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã trả hết cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn (AGRIBANK Nghĩa Đàn) thế nhưng vẫn chưa lấy được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản thế chấp để vay vốn trước đó. Cũng không vay được ở bất kỳ ngân hàng nào vì mang tiếng nợ chây ì. Nhiều gia đình đang rơi vào tình cảnh khó khăn vì không vay được vốn để phát triển sản xuất.

Người dân bức xúc trao đổi với phóng viên

Cán bộ tín dụng “thất lạc”

Nhiều năm nay, ông Ngô Thanh Minh cán bộ tín dụng của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn, được giao phụ trách 2 xã Nghĩa Lộc và Nghĩa Long của huyện Nghĩa Đàn đã lợi dụng lòng tin của người vay vốn, đi thu nợ nhưng hầu hết số tiền thu nợ Minh không nộp vào cho ngân hàng mà để sử dụng vào mục đích khác. Sau khi nộp đủ tiền gốc và tiền lãi thì một số người lên ngân hàng để nhận lại Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất mới được ngân hàng trả lời là chưa nộp đủ số tiền đã vay. Tới lúc này người dân mới tá hỏa rằng Ngô Thanh Minh đã lợi dụng sự tin tưởng của người dân và ngân hàng, ôm tiền bỏ trốn. Hiện Ngô Thanh Minh đã bỏ trốn khỏi địa bàn, do không có người đối chất nên ngân hàng không trả lại giấy tờ thế chấp trước đó. Nhiều hộ vay vốn đang rơi vào tình cảnh khó khăn và vô cung bức xúc.

Anh Khương Văn Trung, xóm Tân Lập, xã Nghĩa Lộc cho biết: “ Năm 2015 tui có vay 400 triệu để mua máy múc, sau khoảng một tháng do không sử dụng hết tiền vay và tích góp thêm được một số nữa thì tui trả cho ngân hàng qua Minh 170 triệu, đến năm 2016 tui trả nốt 230 triệu còn lại. Một tháng sau lên ngân hàng mới biết là Minh ôm tiền bỏ trốn. Ngân hàng trả lời là 170 triệu đó Minh không nộp vô ngân hàng. Thấy cán bộ về xã thu thì tin tưởng, ai ngờ. Giừ không lấy được bìa về để vay vốn mà có đi vay các ngân hàng khác họ cũng không cho mình vay nữa vì mang tiếng nợ chuầy”.

Văn bản đã thu tiền của anh Khương Văn Trung

Anh Phan Văn Phú, xóm Trại xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn cùng chung hoàn cảnh, cho biết: Năm 2014 anh có vay của ngân hàng 90 triệu đồng, đến 20 tháng 11, năm 2015 thì anh trả đủ 90 triệu tiền gốc và tiền lãi. Hôm nộp tiền có cả anh Thủy trưởng công an xã Nghĩa Lộc làm chứng và cùng đếm tiền. Khi anh Phú định lấy lại khế ước thì Ngô Thanh Minh, bảo không cần lấy để lại đó khi nào cần tiền thì vay cho dễ. Sau đó khoảng mười ngày thì anh nghe chuyện Ngô Thanh Minh ôm tiền dân bỏ trốn.

“Lên ngân hàng tra trong mạng thì thủ quỹ trả lời là mới nộp tiền lãi có một quý, còn tiền gốc chưa trả đồng mô. Vô lý, một năm trả tiền lãi 4 quý, chưa nộp vô ngân hàng 3 quý thì ngân hàng phải thông báo chứ. Ngân hàng cũng không kiểm tra, không thông tin chi thì vô lí. Giờ tiền gốc ngân hàng không dám đòi nhưng bìa đỏ cũng không trả. Giờ có lấy được bìa đỏ thì chúng tôi mang tiếng xấu là đi vay mà không trả, mà chúng tôi là người dân đàng hoàng. Chúng tôi đề xuất với hội đồng nhân dân huyện là bà Lã Thị Kim Liên thì bà đó trả lời là huyện có trách nhiệm đề xuất với ngân hàng trả lại bìa đất cho các hộ đã trả đủ tiền mà giờ chưa thấy đâu”, ông Phú bức xúc.

Ông, bà nông dân đòi ai?

Cũng như xã Nghĩa Lộc, nhiều hộ dân của xã Nghĩa Long cũng bị Ngô Thanh Minh lợi dụng lòng tin ôm tiền bỏ trốn. Nhiều gia đình bị mất tiền rất bức xúc nhưng không biết kêu ai.

Đơn đề nghị giải quyết của anh Khương Văn Trung, gửi cơ quan chức năng và agribank Nghĩa Đàn

Chị Vi Thị Tuyết, xóm Nam Hòa, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn cho biết: Năm 2015, chị vay 100 triệu đồng, sau khi nhận tiền thì Minh vay lại 40 triệu, khi chị về nhà, Minh tiếp tục đến nhà vay tiền và hứa ít hôm nữa ngân hàng chuyển cho Minh 700 triệu Minh sẽ trả lại. Chị tin tưởng vì chị làm tổ trưởng tổ vay vốn ở xã đã làm việc với Minh nhiều năm nay. Sau đó Minh nhờ chị Tuyết đưa đến nhiều nhà khác để Minh vay tiền, rồi sau đó ôm tiền bỏ trốn. “Giừ hắn trốn rồi, bìa đỏ thì đang ở ngân hàng, tiền thì không có để trả. Nói chung là trong xóm có người cho vay 30 triệu có người cho vay 50 triệu, có người trả 80 triệu, có người trả cả trăm triệu. Có người yêu cầu viết giấy thì viết giấy còn những người tin tưởng không yêu cầu viết giấy thì thôi. Nhưng lần ni thằng Minh nó lừa nhiều nhà đó, số tiền chắc chắn là nhiều”, Chị Tuyết buồn bã cho biết.

Ông Ngô Sỹ Cường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc, Huyện Nghĩa Đàn, cho biết: “ Có thể số lượng người bị lừa rất nhiều, nhưng do họ chưa báo với chính quyền địa phương nên địa phương chưa nắm đủ. Đến thời điểm hiện tại chúng tôi chỉ mới nhận được 4 đơn kiến nghị gồm ông Lê Văn Minh xóm Khánh Tiến, bà Lê Thị Năm xóm Thọ Lộc, Anh Nguyễn Xuân Kiều xóm Mỹ Lộc và anh Khương văn Trung xóm Tân Lộc. Còn thông tin trong dân chúng thì Minh lừa rất nhiều hộ. Sau khi có đơn trình báo của người dân chúng tôi đã có báo cáo để trình lên UBND huyện và công an huyện để giải quyết”.

Báo cáo vụ việc của công an xã Nghĩa Lộc, gửi công an huyện Nghĩa Đàn

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Xuân Sinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, ông Sinh cho biết: “ Về sự việc cán bộ tín dụng của đơn vị bỏ trốn khỏi địa bàn là có, nhưng tôi mới về đây được gần 2 tháng nên tôi không nắm được chính xác sự việc đó. trước đây thì chúng tôi có nhận được đơn của anh Trung ở Nghĩa Lộc, có đơn đề nghị chúng tôi đã làm việc thấu tình đạt lý và anh đã ký nhận thỏa thuận rồi. còn bìa đất của anh thì chúng tôi sẽ tiến hành phân khai để xử lí. Hiện tại chúng tôi cũng chưa nhận được đơn kiến nghị hay văn bản gì từ các hộ dân khác”.

Theo nhiều người dân thì Ngô Thanh Minh, sau khi ôm hàng chục tỉ đồng tiền của dân thì đã trốn ra nước ngoài (Sang vương quốc Anh). Theo nhiều cán bộ ngân hàng và cán bộ các địa phương, thì chỉ khi nào bắt được Ngô Thanh Minh, thì việc này mới giải quyết được cho dân. Lúc đó mới trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản thế chấp khác cho dân. Như vậy từ bây giờ cho đến lúc bắt được Ngô Thanh Minh ai biết được là bao lâu. Năm năm hay mười năm nữa…Từ nay đến đó, những người nông dân này làm ăn ra làm sao. Muốn vay vốn để con đi học hay kinh doanh sản xuất thì họ phải làm sao.

Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, huyện Nghĩa Đàn và Agribank Nghệ An vào cuộc và có phương án tháo gỡ để người dân yên tâm lao động sản xuất.

Tác giả: HOÀNG TÙNG

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP