Chiều 13/9, bác sĩ Đỗ Văn Phẩm, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) cho biết đơn vị này vừa cứu sống bệnh nhân 57 tuổi (ngụ Ninh Kiều, Cần Thơ), nhập viện nguy kịch do Brugada (hội chứng đột tử ban đêm).
Gia đình bệnh nhân cho biết khoảng trưa 14/8, khi người bệnh đang ngủ thì bật dậy vì nghe có tiếng người gọi. Sau đó, người đàn ông đột ngột ngã quỵ và rơi vào tình trạng chết lâm sàng. Gia đình đã đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.
Qua máy monitor theo dõi tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ phát hiện người bệnh rơi vào tình trạng loạn nhịp tim rất nguy hiểm. Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa Hồi sức, Tim mạch được huy động để tiến hành sốc điện cấp cứu, đặt nội khí quản và hồi sức tim phổi tích cực cho bệnh nhân.
Người đàn ông hôn mê hơn 4 ngày do hội chứng đột tử. Ảnh: BVCC. |
Sau 30 phút hồi sức, các chỉ số sinh tồn và nhịp tim người bệnh ổn định trở lại. Đến ngày thứ 5, bệnh nhân đã tỉnh, tự thở tốt và được rút ống nội khí quản.
Tại Đơn vị Tim mạch, bệnh nhân được các bác sĩ khuyến cáo cấy máy phá rung tim và tầm soát hội chứng Brugada cho các thành viên trong gia đình.
Hội chứng Brugada (còn gọi là hội chứng đột tử ban đêm hay hội chứng đột tử chưa rõ nguyên nhân) là bệnh có tính chất di truyền. Biểu hiện chủ yếu là những bất thường về hệ thống dẫn truyền của tim dẫn tới rối loạn nhịp tim.
Bệnh thường không có triệu chứng nên không được chẩn đoán cho đến khi có biểu hiện loạn nhịp, ngất hoặc được phát hiện tình cờ khi làm điện tâm đồ.
Bác sĩ Phẩm cho biết hội chứng Brugada rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và có biện pháp xử trí kịp thời. Khi tim ngưng đột ngột, việc sơ cấp cứu ban đầu bằng thủ thuật ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt sẽ là yếu tố quyết định mạng sống của người bệnh.
Tác giả: Bích Huệ
Nguồn tin: zing.vn