Trên màn ảnh Việt, NSND Lan Hương sở hữu vẻ đẹp có phần khác lạ, nó gợi lên xúc cảm về sự hiền lành, nhẫn nhịn. Chị là người Hà Nội gốc, chưa bao giờ hết nhớ nhung về kí ức nhà bà ngoại ở làng Ngọc Hà có khu vườn rộng bốn mùa hoa thơm quả ngọt. Kể về gia đình mình, NSND Lan Hương tiết lộ, mọi thành viên bên họ ngoại nhà chị đều có tố chất nghệ sĩ, hát hay, chơi violin, guitar, thổi sáo… tính ra có khi đủ một dàn nhạc. Thế nhưng, người ảnh hưởng lớn nhất tới Lan Hương lại là bà ngoại – người phụ nữ làm bánh, thổi xôi chè từ thời Pháp thuộc, tảo tần nuôi đến 8 người con và 6, 7 người cháu trong nhà. “Bà tôi thuộc nhiều ca dao, điệu hát… cuộc sống khó khăn đến đâu thì con cháu vẫn được học hành đến nơi đến chốn. Tôi cũng được hưởng từ tình yêu thương và cách giáo dục ấy của bà. Sáu tuổi, tôi biết cầm que đan len thành thạo, sau này mua cả máy dệt len, ngày đi làm, tối về dệt thâu đêm”, nghệ sĩ Lan Hương tâm sự.
Vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương - Đỗ Kỷ vốn là bạn học cùng trường cấp 3 Kim Liên (Hà Nội), cùng khóa đào tạo ở Nhà hát kịch Việt Nam. NSƯT Đỗ Kỷ tâm sự, ấn tượng đầu tiên của anh về cô bạn học là một người phụ nữ tốt đến mức quên cả bản thân, sống vì gia đình, công việc và mọi người xung quanh. Anh tâm sự: “Lan Hương là con dâu út trong gia đình tôi gồm mẹ già, 4 gia đình nhỏ với hơn chục thành viên. Bấy giờ nhà cửa chật chội lắm, tất cả đều ở chung, nấu cơm bằng nồi gang, bếp củi, có những lúc mưa dột giữa giường rồi bao cảnh dở khóc dở cười do sinh hoạt tập thể… thế nhưng, cô ấy sống chan hòa như vậy hơn 10 năm trời, hết mực yêu thương, lễ độ với các thành viên gia đình chồng”.
Hỏi NSND Lan Hương về bí quyết hòa hợp khi sống trong gia đình tứ đại đồng đường, chị thừa nhận bản thân mình vốn không đảm đang, giỏi giang như nhiều người hình dung mà chị làm dâu chỉ với một tấm lòng cởi mở, chân tình biết lắng nghe và tiếp thu những gì mình chưa đúng… Chị quan niệm, trong đời sống gia đình, nếu mỗi người biết hy sinh một chút, đừng đặt “cái tôi” lên trên hết mà hãy đặt chữ “nhẫn” lên đầu thì tất cả sẽ ổn thỏa, bình yên.
Bây giờ, vợ chồng NSƯT Đỗ Kỷ đã qua tuổi 60, thỉnh thoảng vẫn ngồi ôn lại kỉ niệm thời khó khăn vất vả. Ngày ấy, với mức lương “ba cọc ba đồng”, vợ chồng anh chị chăm chỉ “tăng gia” thêm sau giờ diễn. Tiền bạc gom góp mua được chiếc máy dệt, họ cần mẫn may vá, thêu thùa, sau buôn thêm hàng gia công, máy móc. Phía sau ánh đèn sân khấu, chẳng ai còn nhận ra cô diễn viên Lan Hương xinh đẹp đêm đêm phải gò lưng dệt vải, anh diễn viên Đỗ Kỷ sáng tinh mơ đang trằn lưng bốc vác ngoài chợ...
“Đàn ông vào bếp là chuyện thường”
Nếu những vai diễn về hình mẫu người phụ nữ Việt đôn hậu, hiền lành trên màn ảnh của NSND Lan Hương luôn tỉ lệ thuận với tính cách cởi mở, chan hòa ngoài đời sống… thì với khán giả, chồng chị có phần “bí ẩn” hơn. Chân dung của NSƯT Đỗ Kỷ dễ khiến nhiều người liên tưởng tới sự nghiêm khắc, gia trưởng. Tiết lộ chồng mình nghiêm khắc “đến phát sợ” nhưng NSND Lan Hương cũng chia sẻ, trong gia đình, chồng chị đặt tình yêu thương, trách nhiệm lên trên hết. Ở cơ quan, anh từng là lãnh đạo của vợ nhưng về đến nhà thì “đàn ông vào bếp là chuyện thường”.
NSƯT Đỗ Kỷ là con út trong gia đình có 5 anh em trai nên sớm quen với công việc bếp núc từ nhỏ, nhiều món ăn anh còn tự tin “khoe” mình nấu ngon hơn vợ. Về tin đồn chồng mình gia trưởng, NSND Lan Hương bày tỏ: “Vợ chồng khi đã yêu thương và hiểu nhau rồi thì không có gì phải ghen tuông hay cấm đoán cả. Ngày xưa, có những khi tôi đi đóng phim, lồng tiếng đêm hôm khuya khoắt mới về nhà, anh Kỷ mở cửa thấy vợ được mấy cậu bạn hộ tống bèn nói lời cảm ơn rối rít, không bao giờ ghen bóng ghen gió. Hoặc có lần, anh ấy diễn xong trời đã khuya, thấy cô bạn diễn trẻ nhà xa không về được anh hỏi ý kiến tôi rồi đưa cô ấy về nhà cho ngủ nhờ. Chúng tôi cùng nghề nên không bao giờ nặng nề những điều ấy”.
Trong câu chuyện về nghiệp diễn và gia đình, NSND Lan Hương có một kỷ niệm buồn mà mỗi lần nhắc đến, chị lại rơi nước mắt. Đó là thời điểm chị đang tham gia buổi tổng duyệt ở rạp Hồng Hà mở màn vào lúc 9h sáng thì 10h chị dâu gọi điện báo mẹ chồng chị đang hấp hối. Chị báo cáo lãnh đạo nhà hát nhưng là buổi tổng duyệt, tất cả mọi người đều ngồi duyệt ở dưới, nếu lỡ dở thì cả đoàn không thể mang vở diễn vào Đà Nẵng được. Trong áp lực tâm lý dữ dội cộng lời động viên của đồng nghiệp, NSND Lan Hương diễn tiếp đến khi kim đồng hồ chỉ 12h trưa. Chị tất tưởi về nhà, thấy mọi người đang ngồi chờ mà mẹ chồng thì không thể chờ mình nữa. Chị nói: “Có những khó khăn trong nghề bắt buộc mình phải vượt qua và bạn đời phải chia sẻ với nhau. Đôi khi, người nghệ sĩ không thể mang nỗi buồn của mình ra trình bày với khán giả được. Vui hay buồn tự mình chịu, vai diễn vẫn phải hoàn thành”.
NSND Lan Hương kể, một trong những kỉ niệm chị nhớ nhất về tình cảm vợ chồng là một lần đi diễn xa nhà, đóng vai nhân vật có hoàn cảnh khó khăn, chị phải tháo nhẫn cưới bỏ ra ngoài. Về đến nhà, chị mới tá hỏa vì không còn nhẫn trên tay và biết rằng vali hóa trang của mình bị đổ, mọi người chỉ nhặt lại được đồ trang điểm nên đòi quay trở lại nơi diễn để tìm nhẫn cưới. Sợ vợ mệt và buồn, NSƯT Đỗ Kỷ liền gạt phắt đi rồi hứa sẽ đưa vợ đi mua cái nhẫn khác. |
Tác giả bài viết: Thành Nam
Nguồn tin: