Nghệ An sẽ xử lý 13 người bị thương do đốt pháo Tết
Công an tỉnh Nghệ An sẽ xử lý 13 người bị thương do đốt pháo trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, tùy theo mức độ có thể bị xử lý hình sự hoặc xử phạt hành chính.
Một nam thanh niên bị thương ở tay được cho là do đốt pháo đang điều trị tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Nghệ An chiều mùng 3 Tết - Ảnh: DOÃN HÒA
Chiều 22-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại tá Nguyễn Hữu Cầu - giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - cho biết cơ quan điều tra đã lập danh sách của 13 người trên địa bàn tỉnh bị thương do đốt pháo trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 từ các bệnh viện và sẽ xử lý hành vi đốt pháo của những người này.
"Căn cứ theo số lượng pháo, hậu quả, mức độ của hành vi mà người đốt pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính. Ngoài ra, những người này còn phải ký cam kết không tái diễn", đại tá Cầu nói.
Theo điểm b khoản 2, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép có thể bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.
Hành vi đốt pháo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318, Bộ luật Hình sự 2015.
Người dân huyện Đô Lương, Nghệ An đốt pháo trong đêm giao thừa Tết Mậu Tuất 2018 - Video: TRÀ PHƯƠNG
Sáng n22-2, tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh Nghệ An, các đại biểu cũng đã thảo luận, nêu ra những hạn chế trong công tác vui xuân đón Tết, trong đó có tình trạng nổ pháo, lạm dụng bia rượu vẫn diễn ra.
Theo đại tá Cầu, Nghệ An là một trong 12 tỉnh được tuyên dương dịp Tết trong việc đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn.
Tuy nhiên, tình hình nổ pháo trong dịp Tết vừa qua diễn ra phức tạp, tăng cả về số vụ và số lượng pháo.
Qua 4 tháng triển khai kế hoạch phòng chống pháo và vật liệu nổ trước dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, lực lượng chức năng Nghệ An đã phát hiện, thu khoảng 5,6 tấn pháo (tăng 2,5 lần so với năm 2017).
Đại tá Cầu đánh giá, nguyên nhân buôn bán pháo nổ, nổ pháo là do quy định của pháp luật còn bất cập giữa việc cấm pháo nổ và pháo hoa.
Trong khi đó, cấp ủy chính quyền chưa vào cuộc quyết liệt, hầu hết chỉ khoán "trắng" cho lực lượng công an. Ngoài ra, một bộ phận người dân còn thích nổ pháo trong dịp Tết.
Tại cuộc họp này, đại tá Cầu đề nghị kiểm điểm phê bình các địa phương để xảy ra pháo nổ trên địa bàn.
Trước đó, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online vào chiều 18-2 (mùng 3 Tết Mậu Tuất) tại khoa chi trên Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Nghệ An, một số bệnh nhân bị thương nghi do nổ pháo trong đêm giao thừa đang được các bác sĩ, chăm sóc điều trị tích cực.
Hầu hết các thanh niên, học sinh bị thương ở vùng tay. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguyên nhân bị thương, nhiều bạn không nói do bị pháo nổ trúng tay.