Vấn đề này đã được các cử tri đưa ra tại kỳ họp HĐND các cấp nhưng ô nhiễm môi trường ở TP Vinh vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết một cách dứt điểm.
Đất nông nghiệp bỏ hoang vì KCN
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng ô nhiễm từ KCN Bắc Vinh luôn trở thành vấn đề “nóng” về ô nhiễm môi trường đối với hàng trăm hộ dân của xã Hưng Đông từ hàng chục năm nay. Được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ năm 1999, sau nhiều năm đi vào hoạt động, các nhà máy, xí nghiệp trong KCN Bắc Vinh bắt đầu “đua nhau” xả thải ra môi trường do hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu hoặc mang tính đối phó nên tình trạng ô nhiễm trở thành vấn đề nhức nhối kéo dài tại khu dân cư.
Nước thải từ KCN Bắc Vinh đã khiến hàng chục héc ta đất nông nghiệp ở xã Hưng Đông bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Đơn cử như nhà máy sản xuất bao bì Sabeco Sông Lam (đi vào hoạt động từ năm 2009) nhưng nhiều năm nay, đơn vị này đã xả thải trực tiếp ra môi trường khiến 11 héc ta đất hoa màu các xóm Mỹ Long, Trung Mỹ, Yên Xá, Mỹ Hoà… của xã Hưng Đông bị thiệt hại nặng nề. Theo đó, toàn bộ diện tích canh tác lúa, hoa màu nói trên cũng như ao nuôi thủy sản của HTX Hưng Đông 1 và HTX Đông Vinh của xã Hưng Đông đã bị giảm năng suất, không thể canh tác, bỏ hoang từ nhiều năm nay. “Cánh đồng xứ Bàu Đông trước đây người dân chúng tôi canh tác đều đạt năng suất cao. Thế nhưng kể từ khi Công ty Sabeco Sông Lam đi vào hoạt động và xả thải ra môi trường thì hàng chục héc ta đất sản xuất nông nghiệp của hàng chục hộ dân bị bỏ hoảng từ năm 2009 đến nay” – bà Đặng Thị Hằng, một người dân ở xã Hưng Đông cho biết.
Trước thực trạng nói trên, ngày 29/12/2015, UBND TP Vinh đã có báo cáo số 7952/QĐ-UBND về kết quả giải quyết ô nhiễm môi trường và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại khu vực Bàu Đông, xã Hưng Đông. “Việc ô nhiễm môi trường tại khu vực Bàu Đông dẫn tới 107.456m2 đất sản xuất nông nghiệp không thể sản xuất được là có thật. Nguyên nhân được xác định là do hoạt động xả nước thải không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường của Nhà máy sản xuất bao bì và lon nhôm 2 mảnh của Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam tại KCN Bắc Vinh…”.
Báo cáo số 7952/QĐ-UBND còn kiến nghị: “Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và khắc phục ô nhiễm môi trường theo đề nghị của UBND xã Hưng Đông tại Công văn số 405/UBND-NN ngày 10/7/2015. Tổng giá trị phải bồi thường và khắc phục ô nhiễm môi trường là 4.066.586.699 đồng…”.
Nước thải từ KCN Bắc Vinh hiện nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm
Tuy nhiên, qua trao đổi với ông Phạm Văn Thanh – Cán bộ Ban Nông nghiệp xã Hưng Đông thì kể từ đó đến nay, phía Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam vẫn cố tình “phủi” trách nhiệm về hành vi xả thải gây của mình. Không chỉ riêng Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam mà tại KCN Bắc Vinh còn có hàng chục nhà máy, xí nghiệp tập trung nguồn nước thải ở mương nước cạnh bờ tường rào của Công ty TNHH Thức ăn gia súc Golden star rồi đổ ra cánh đồng Bàu Đông.
Môi trường sống đang bị đe doạ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có 11 KCN lớn đã được quy hoạch xây dựng, trong đó có 6 KCN đã và đang xây dựng, đi vào hoạt động. Ngoài ra, Nghệ An cũng có 17 CCN được quy hoạch xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng tại TP Vinh có 1 KCN Bắc Vinh với quy mô 143,17 ha đã đi vào hoạt động từ năm 2005 trên địa bàn xã Hưng Đông, và 3 CCN Hưng Lộc, Nghi Phú và Đông Vĩnh với diện tích hàng trăm nghìn m2. Các ngành nghề được đầu tư, xây dựng đang hoạt động trong KCN Bắc Vinh và các CCN gồm: Chế biến thực phẩm, thức ăn gia súc, xí nghiệp may xuất khẩu và các xí nghiệp xây mới như xí nghiếp sản xuất bao bì xuất khẩu, xí nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu…sử dụng hàng nghìn lao động địa phương.
Ngoài nước thải, tình trạng vô tư xả khói, bụi gây ô nhiễm môi trường từ các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn TP Vinh đang gây bức xúc cho người dân.
Bên cạnh những đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế địa phương thì thực trạng ô nhiễm môi trường từ các KCN, CCN trên địa bàn TP Vinh đang tồn tại nhiều bất cập. Hệ thống xử lý nước thải tập trung hoạt động kém hiệu quả đã nảy sinh ô nhiễm ngay cạnh khu dân cư các xã vùng ven đô của TP Vinh. Thực trạng này tồn tại trong suốt thời gian dài gây bức xúc cho người dân sinh sống xung quanh các CCN, KCN. Điều đáng nói là vấn đề này đã được phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri, thậm chí người dân còn gửi đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng giải pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường vẫn chưa được đưa ra.
Điển hình như tại CCN Đông Vĩnh có diện tích 5,34 ha do Công ty Cổ phần quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh quản lý, gồm có 07 đơn vị đang hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng các doanh nghiệp không chấp hành các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường vẫn còn tồn tại. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, tại CCN Đông Vĩnh hiện nay đang tồn tại Công ty cổ phần Bao bì Nghệ An có nước thải sinh hoạt xử lý chưa đảm bảo theo quy chuẩn hiện hành (BOD5 vượt 1,31 lần, Coliforms vượt 18 lần so với quy chuẩn cho phép). Ngoài ra, các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Xuân Ngọc, Công ty CP Động Lực... đang hoạt động tại CCN này hiện nay thì việc quản lý chất thải nguy hại vẫn chưa đúng quy trình, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tương tự, tình trạng nói trên của hàng chục công ty, nhà máy, xí nghiệp như Công ty CP sản xuất thương mại Quyết Thành, Công ty TNHH Việt Mỹ, Công ty CP sản xuất và thương mại Long Bình, Công ty CP nhựa Hùng Linh, Công ty TNHH nhựa Ngọc Thúy, Doanh nghiệp tư nhân Tùng Duy, Công ty CP Austdoor Nghệ An, Công ty CP Thương mại Thành Trung, Công ty CP Thương mại Ngọc Thạch… thuộc CCN xã Nghi Phú đều tồn tại về các quy định pháp luật bảo vệ môi trường chưa được xử lý, chủ yếu về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, thực hiện quan trắc môi trường chưa đúng với cam kết.
Cần đầu tư hạ tầng xử lý môi trường
Nếu như một số doanh nghiệp tại KCN Bắc Vinh xả thải trực tiếp ra môi trường, gây thiệt hại về hoa màu khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp phải bỏ hoang thì tại các CCN “vệ tinh” của TP Vinh cũng đang tồn tại bất cập về vấn đề này. Điều đáng quan tâm là chẳng hiểu vì sao, trong quá trình phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng KCN, CCN, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An lại bỏ qua công đoạn xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trước?. Tình trạng này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp sau khi đi vào hoạt động thì một khối lượng nước thải chẳng biết đổ đi đâu. Vì vậy, vấn đề ô nhiễm từ các KCN, CCN trên địa bàn TP Vinh luôn rình rập, đe doạ đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Trở lại với vấn đề ô nhiễm môi trường tại KCN Bắc Vinh là một minh chứng cụ thể nhất. Chính thức đưa vào hoạt động từ năm 1999 do Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho dự án theo chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An. Theo quy hoạch của tỉnh Nghệ An thời điểm đó, KCN Bắc Vinh được chia làm 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn I xây dựng cơ sở hạ tầng phía Nam đường Đặng Thai Mai, tổng diện tích 60ha; Giai đoạn II mở rộng thêm 80ha sang phía Bắc đường Đặng Thai Mai. Đến thời điểm hiện nay, sau khi hạ tầng kỹ thuật của KCN Bắc Vinh giai đoạn I được đưa vào sử dụng đã có có 18 doanh nghiệp, trong đó có 13 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, bao gồm các ngành nghề: May mặc, sản xuất thuốc lá, kết cấu bê tông đúc sẵn, gạch lát, cơ khí ôtô, sản xuất kem, chế biến gỗ...
Hệ thống xử nước thải tập trung được đưa vào sử dụng với công suất rất khiêm tốn.
Được biết, đây là KCN được quy hoạch đầu tư xây dựng đầu tiên của tỉnh Nghệ An nhằm thu hút nhà đầu tư vào sản xuất trên địa bàn và đưa các nhà máy sản xuất ra khỏi trung tâm TP Vinh để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nội đô. Thế nhưng, từ khi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng, công đoạn xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Bắc Vinh nhiều năm liên tục vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Vì vậy, càng đi vào hoạt động, các doanh nghiệp lại càng bộc lộ yếu kém về công tác khắc phục môi trường ô nhiễm theo kiểu “mạnh ai người ấy xả”.
Tỷ lệ nghịch giữa tốc độ phát triển công nghiệp với công tác bảo vệ môi trường vẫn tồn tại suốt thời gian qua. Mãi đến năm 2013, hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Bắc Vinh cũng được tiến hành khởi công xây dựng. Đến thời điểm hiện nay, công suất xử lý nước thải tập trung của hệ thống này cũng chỉ đạt 250m3/ngày đêm. Sau khi có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tình trạng ô nhiễm môi trường có dịu xuống nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Chính vì vậy, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện nay giai đoạn II của KCN Bắc Vinh đã phải tạm ngừng lại do người dân phản đối vì lo sợ bị ô nhiễm môi trường, quy hoạch đô thị.
Liên quan đến vấn đề này, vào chiều 15/6 vừa qua, trong buổi làm việc giữa Văn phòng Trung ương Đảng do đồng chí Bùi Văn Thạch - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng dẫn đầu đoàn công tác với Tỉnh uỷ Nghệ An cũng đã chỉ rõ các tồn tại, khuyết điểm trong công tác quản lý, giám sát của các cấp, ngành địa phương trong thời gian qua. Trước những tồn tại, khuyết điểm của tỉnh Nghệ An về vấn đề phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường tại khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đồng chí Bùi Văn Thạch - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị tỉnh Nghệ An đảm bảo tốc độ phát triển công nghiệp phải tỷ lệ thuận với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Qua đó, tỉnh Nghệ An phải tăng cường xã hội hóa đầu tư xử lý môi trường, cần có các giải pháp ứng phó, phòng ngừa sự cố liên quan trong thời gian tới. Đặc biệt, Nghệ An cũng cần sớm đầu tư, hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường tại các KCN, CCN trên địa bàn, không để ô nhiễm xảy ra phức tạp, kéo dài ở khu dân cư, nhất là vùng ven đô thị TP Vinh hiện nay.
Tác giả: TRẦN QUANG
Nguồn tin: Báo Kinh tế & Đô thị
Nguồn tin: Báo Kinh tế & Đô thị