Trong tỉnh

Nghệ An: Nhiều mô hình hỗ trợ, tư vấn, điều trị F0 tại nhà

Trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 13/2 đến 6 giờ ngày 14/2), Nghệ An ghi nhận thêm 1.048 ca dương tính với COVID-19, trong đó có 332 ca cộng đồng, 716 ca đã được cách ly từ trước (716 ca là từ F1, 5 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).

Người dân khai báo thông tin y tế và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Tá Chuyên/TTXVN

Các địa phương đang có số bệnh nhân cao nhất trong 12 giờ qua là thành phố Vinh và các huyện Nghi Lộc, Thanh Chương, Diễn Châu, Hưng Nguyên. Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến 6 giờ ngày 14/2, tỉnh ghi nhận 33.279 ca mắc COVID-19. Toàn tỉnh có 17.713 bệnh nhân đang phải điều trị COVID-19.

Trước diễn biến dịch phức tạp của dịch, nhất là tình trạng số ca nhiễm mới, số ca trong cộng đồng tăng cao, chưa khống chế được, một số địa phương trong tỉnh đang cập nhật lại cấp độ dịch và đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp hơn.

Thành phố Vinh có số ca nhiễm mới và số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao kỷ lục, trở thành địa phương có dịch phức tạp nhất hiện nay tại Nghệ An. Từ ngày 13/2, thành phố đã đồng loạt ra quân kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở dịch vụ, hàng quán trên địa bàn; chấn chỉnh, xử lý các vi phạm. Thành Đoàn thành phố Vinh triển khai mô hình “Hỗ trợ tư vấn điều trị F0 tại nhà” với sự tham gia của các bác sỹ trẻ trong Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ thành phố Vinh là những người có nhiều kinh nghiệm điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại các bệnh viện dã chiến và các tình nguyện viên Đội Shipper Áo xanh các đơn vị phường, xã trên địa bàn thành phố. UBND một số phường, xã trên địa bàn thành phố Vinh thành lập các nhóm zalo hỗ trợ điều trị, chăm sóc F0 tại nhà, công khai số điện thoại di động của Chủ tịch UBND, Trạm trưởng Trạm Y tế, các bác sỹ uy tín về chuyên môn thường trú trên địa bàn, làm việc chuyên khoa tại các bệnh viện để người bị F0 liên hệ, xin tư vấn hỗ trợ, điều trị bệnh.

Cách làm này được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Vinh cho phép và rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay do số ca nhiễm F0 tại địa phương đang tăng cao. Trước đó, mặc dù các địa phương đã thành lập các Trạm Y tế lưu động trên địa bàn để hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, nhưng do lực lượng cán bộ y tế mỏng nên công tác thăm khám, tư vấn, hỗ trợ F0 chữa trị tại nhà còn gặp nhiều khó khăn.

UBND huyện Diễn Châu ban hành hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn huyện, trong đó có quy định rõ ràng, cụ thể đối với việc hướng dẫn giám sát (ca bệnh nghi ngờ), ca bệnh xác định (F0), người tiếp xúc gần (F1), công tác xét nghiệm; biện pháp phòng chống dịch đối với các đối tượng nguy cơ; công tác cách ly, chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà… Thị ủy thị xã Cửa Lò đã có công văn tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp đầu Xuân 2022.

Tại Nghệ An, để tránh hiện tượng sử dụng thuốc Molnupiravir sai mục đích, Sở Y tế đang yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn không được mua, bán thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir. Sở Y tế cho biết, Molnupiravir là thuốc đang thử nghiệm lâm sàng, chưa được cấp phép lưu hành, chỉ được dùng miễn phí cho các bệnh nhân COVID-19 tham gia chương trình nghiên cứu. Việc mua bán, sử dụng sai mục đích đối với thuốc này là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19.

Tác giả: Nguyễn Văn Nhật

Nguồn tin: TTXVN/Vietnam+

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP