Điều hi hữu, nhân viên này còn làm hồ sơ … để người chết vay tiền. PV báo Bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra và phát hiện sai phạm nghiêm trọng...
"Làm xiếc" dân nghèo bằng hợp đồng vay vốn?
Anh Hồ Đình Nhiệm (SN 1982, trú tại xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) phản ánh, anh có quen biết cán bộ tín dụng ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Vinh – PGD Trung Đô đóng tại TP. Vinh, Nghệ An tên là Lương Trung Hiếu, có nhờ giúp vay vốn để làm đại lý thức ăn tôm. Để đủ điều kiện ngân hàng cho vay, anh Nhiệm mượn bìa đất của chú ruột là ông Hồ Đương để vay 250 triệu đồng và một bìa đất khác mang tên Nguyễn Thị Châm và Nguyễn Bá Tiệm cùng số tiền 250 triệu đồng.
Trong quá trình làm hồ sơ, anh Nhiệm cho biết không có vấn đề gì nghi ngờ, anh vẫn ký hồ sơ như các lần vay trước đó. Hàng tháng, anh Lương Trung Hiếu nhắn tin vào số điện thoại của anh Nhiệm số tiền lãi phải trả, bằng đúng số tiền 500 triệu đã vay. Thế nhưng đến thời điểm đáo hạn, khi anh Hiếu đề nghị nộp tiền để đáo hạn thì anh mới “ngã ngửa” khi biết mình vay ngân hàng BIDV số tiền lên đến 1 tỷ 50 triệu đồng. Cụ thể, bìa đất mang tên Hồ Đương có số dư nợ 600 triệu đồng và bìa đất của Nguyễn Thị Châm – Nguyễn Bá Tiệm là 450 triệu đồng.
Anh Nhiệm cũng thừa nhận, toàn bộ chữ ký trong hồ sơ vay vốn là chữ ký hợp lệ: “Toàn bộ chữ ký, vay vốn đều là chữ ký hợp lệ của tôi và chủ tài sản thế chấp. Không hiểu anh Hiếu làm cách gì nữa, vì quá tin cán bộ ngân hàng nên anh Hiếu đưa gì là ký vậy, giờ ra nông nỗi này”.
Cùng trú tại xóm Mai Giang 1, có gia đình ông Hoàng Xuân Mến (SN 1963), thế chấp bìa mang tên ông diện tích 400m2, để vay số tiền 300 triệu đồng. Người làm hồ sơ là anh Lương Trung Hiếu, gia đình ông Mến vay tiền thông qua anh Hồ Đình Nhiệm giới thiệu. Đến khi nhận tiền vì không có tài khoản ngân hàng nên đã nhờ anh Nhiệm nhận hộ số tiền ông cần vay để nuôi tôm 300 triệu đồng.
|
Đến cuối kỳ tất toán khoản vay, liên hệ với anh Hiếu không được và được BIDV chi nhánh Thành Vinh báo tin số tiền gia đình ông đang nợ ngân hàng này 550 triệu đồng. “Ông Hiếu gửi tin nhắn tiền lãi hàng tháng là 2,6 triệu đúng số tiền lãi gốc là 300 triệu đồng, đến gần tết có tin nhắn là dư nợ là 550 triệu đồng, khi hỏi Hiếu thì Hiếu bảo đây là số được vay, chứ không phải là số ông đã vay mô (đâu – PV). Đến khi có một cán bộ ngân hàng tên Hưng ra báo, mới biết là gia đình tôi đang nợ BIDV chi nhánh Thành Vinh số tiền 550 triệu đồng. Khi tôi ký thì anh Hiếu đưa giấy và bảo ký, nên tôi tin tưởng ký vậy thôi”- ông Hoàng Xuân Mến thông tin với PV.
Cho người chết vay tiền
Tại xóm 1 xã Diễn Bình (Diễn Châu, Nghệ An) bà Hoàng Thị Nam (SN 1958) cho biết: Tháng 3/2017, bà Nam có quen Lương Trung Hiếu ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Vinh, thông qua một người quen tên Nga. Thời điểm này, bà Nam muốn vay tiền 400 triệu đồng để con gái bà đi xuất khẩu lao động. Theo bà Nam thì ban đầu khi ký thì bà chỉ ký vay 400 triệu đồng, nhưng khi giải ngân chỉ được 200 triệu đồng, thắc mắc thì được ông Hiếu trả lời là khi nào có visa thì sẽ giải ngân tiếp 200 triệu còn lại.
Thế nhưng, do con gái không đi được nên đến tháng 8/2017, bà Nam yêu cầu được trả lại tiền vay thì ông Hiếu trả lời là nếu trả trước thì bị phạt. Khi vay vốn, bà Nam không được ông Hiếu không cung cấp hợp đồng. Đến ngày đáo hạn, phía ngân hàng gửi thông báo nợ quá hạn và thấy số tiền nợ gốc lên đến 700 triệu thì bà Nam bị sốc, nằm liệt cả tuần. Bà Nam nói, bà bị sốc vì đạo đức của cán bộ ngân hàng tên Lương Trung Hiếu không có, lợi dụng lòng tin của bà để hợp thức hóa hồ sơ, chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng của bà.
Bà Hoàng Thị Nam, chị Nguyễn Thị Sen, ông Võ Văn Thực , ông Nguyễn Thiện Lương cho biết, tất cả hồ sơ đều bị Lương Trung Hiếu nâng khống để chiếm đoạt tiền của họ. |
Cũng theo phản ánh của bà Nam, bìa đất bà dùng để thế chấp mang tên chồng là Nguyễn Trung Hân đã mất 8 năm trước, nhưng trong hợp đồng vẫn đứng tên vay và ký.
Bà Nam thông tin với PV báo Bảo vệ pháp luật: “Khi tôi làm thủ tục vay, tôi có nói rõ là bìa đất mang tên chồng tôi đã mất lâu rồi. Biết chồng tôi đã mất thì anh Hiếu có hỏi là có còn CMND của chồng tôi nữa không, nếu còn thì giữ lại, khi nào cán bộ thẩm định đến thì nhờ một người giống chồng bà đến ký là được. Để tìm người giống người chồng đã mất 8 năm trước, anh Hiếu đã để cho chồng chị Đặng Thị Nga ký (chị Nga cùng trú xóm 1 xã Diễn Bình, là người quen giới thiệu anh Hiếu cho bà Nam vay vốn). Sau khi ký hợp đồng, đến ngày 24/3/2017 anh Hiếu gọi điện bảo sang nhà chị vợ anh Hiếu ở xã Diễn Hạnh để nhận tiền”.
Cũng theo lời bà Nam, dù vay 400 triệu đồng nhưng chỉ mới được giải ngân 200 triệu, đáng nói là trong 200 triệu này đã bị trừ 5 triệu tiền bảo hiểm, 5 triệu trừ lại khi đóng lãi không kịp và 5 triệu tiền công đưa cho ông Hiếu. Chưa kể bà Nam còn phải đưa 1,5 triệu đồng cho một cán bộ khi đến làm hợp đồng.
“Trong thời gian vay, không có một cán bộ của ngân hàng nào của BIDV đến kiểm tra kho hàng, anh Hiếu đã hướng dẫn tôi làm hồ sơ vay hộ kinh doanh. Hiện tại, tôi đã gửi đơn cho Công an tỉnh Nghệ An và được trả lời đang xử lý”. Bà Hoàng Thị Nam thông tin.
Anh Võ Văn Thực, trú tại xóm 4, xã Diễn Bình (Diễn Châu), trình bày, vào tháng 8/2016, khi biết anh có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, có người đã giới thiệu gặp ông Lương Trung Hiếu, là cán bộ tín dụng của Ngân hàng BIDV ở Phòng giao dịch Trung Đô (chi nhánh Thành Vinh). Sau khi thẩm định, chụp ảnh thì ít ngày sau anh Hiếu đưa hồ sơ đến để ông Thực ký. Hàng tháng, anh Hiếu nhắn tin tiền lãi đúng với số tiền vay 200 triệu và ông Thực chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của anh Hiếu.
“Mọi thủ tục do anh Hiếu làm cả, anh Hiếu đưa hồ sơ vào buổi chiều tối, và che tay vào trang giấy, bảo ký cho em chữ. Vì tin tưởng nên tôi đã ký, vay 200 triệu, nhưng tôi chỉ nhận được 199 triệu. Tôi có điện thoại hỏi, thì anh Hiếu bảo là trừ 1 triệu tiền cho sếp”. Ông Thực buồn bã cho biết.
Đáng nói là có nhu cầu vay 200 triệu đồng, nhưng đến khi đáo hạn thì anh Võ Văn Thực mới biết là mình đang nợ ngân hàng 250 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Sen (SN 1990) cùng trú tại xóm 1 xã Diễn Bình, có mượn bìa của bố mẹ là ông Nguyễn Đình Minh, mục đích vay là kinh doanh vật liệu xây dựng. Vay thực tế 250 triệu, nhưng cán bộ ngân hàng BIDV Lương Trung Hiếu đã làm hồ sơ 400 triệu đồng, để chiếm đoạt 150 triệu từ hồ sơ vay của gia đình chị.
Cũng theo các hộ dân, Hiếu khi làm các thủ tục vay tiền. Đều dùng "tiểu xảo" là cho ký nhiều hồ sơ, khi ký thì luôn giục vội vã, hoặc ký vào buổi chiều tối để hợp thức hóa chữ ký trong hồ sơ vay vốn. Nhiều hộ dân phản ánh, sau khi phát hiện sự việc đã liên lạc với vị cán bộ ngân hàng này nhưng máy điện thoại trong tình trạng mất sóng. Điều tra của PV thì vị cán bộ tên Lương Trung Hiếu sinh ngày 24/12/1984, có SCMND 186065697, trú tại số nhà 22, đường Hoàng Phan Thái, xóm 16 xã Nghi Phú (TP. Vinh, Nghệ An)...
Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Vinh (số 5, đường Nguyễn Sỹ Sách, TP. Vinh, Nghệ An) nơi anh Lương Trung Hiếu làm việc. |
Sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân, bị cán bộ Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Vinh là Lương Trung Hiếu lợi dụng lòng tin, ít hiểu biết pháp luật của họ để làm hồ sơ, nâng khống số tiền vay để chiếm đoạt. PV báo Bảo vệ pháp luật, đã liên hệ với ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Vinh và được thông tin: "Lương Trung Hiếu hiện đã nghỉ việc, chúng tôi muốn liên hệ với anh Hiếu để đối chứng nhưng không liên lạc được. Việc cho người chết vay tiền, nếu khách hàng lừa bọn em thì sẽ khó cho ngân hàng. Thấy đưa chồng lên ký tá đầy đủ thì cũng rất khó, chúng tôi đang xác minh làm rõ". Theo như ông Sơn giải thích là đang ngụy biện cho sai phạm, vì khi ngân hàng thẩm định cho vay đều bắt buộc phải có giấy tờ hợp pháp chứng minh mối quan hệ của người cùng đứng vay.
Chiều 9/5 PV báo Bảo vệ pháp luật đã đến đăng ký làm việc tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Thế nhưng, đơn vị này từ chối trả lời trực tiếp và hẹn sẽ thông tin sau.
Việc nhiều hộ dân tố cáo sai phạm một cán bộ tín dụng BIDV chi nhánh Thành Vinh, là sự thật. Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, thì việc xảy ra lỗi như vậy là khó, nếu như Ngân hàng làm đúng quy trình, thủ tục mà pháp luật ngân hàng đã quy định. Thế nhưng, trong một thời gian dài sai phạm này xảy ra liên tiếp và có hệ thống. Trách nhiệm của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thành Vinh (Nghệ An) như thế nào? Quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực ngân hàng ra sao? Và, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nghệ An đã có những động thái gì về vụ việc nghiêm trọng này?
Tác giả: Nguyễn Lý – Duy Bắc
Nguồn tin: Báo Bảo vệ pháp luật