Trong tỉnh

Nghệ An: Nghề 'đỏ lửa' quanh năm

Là nghề truyền thống đã có từ lâu đời, nghề nướng cá của người dân xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu (Nghệ An) tuy vất vả nhưng không ai muốn bỏ nghề mà ngày càng phát triển hơn, từ đó tạo việc làm cho nhiều lao đông địa phương và nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu.

Nghề của cha ông

Nghề nướng cá vốn tất bật, nhộn nhịp quanh năm, nhưng vào những làm dịp cuối năm nghề nướng cá càng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, bởi lượng cá tiêu thụ nhiều hơn, đơn đặt hàng nhiều hơn và những chuyến xe trở về rồi quay đi cũng trở nên vội vàng hơn.

Theo người dân nơi đây, để có những con cá tươi ngon, các chủ lò phải thức dậy lúc 3h -4h sáng để đi đến bãi biển Diễn Thành, Diễn Bích (huyện Diễn Châu) hay tại cảng cá trên địa bàn và huyện lân cận như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu mua cá biển về nướng, tuy nhiên chỉ bán trong ngày.

Khi nướng cá phải luôn điều chỉnh than, giữ lửa vừa phải, lật đều tay.


Ngày nay, để chủ động nguồn nguyên liệu, nhiều chủ lò đầu tư các tủ cấp đông lạnh lớn, nhỏ hay có hộ mạnh dạn đầu tư cả kho bảo quản lạnh ngay tại nhà. Cá được thu mua lượng lớn từ các tàu đánh bắt xa bờ, đem về kho bảo quản để nướng dần.

Các loại cá nướng được ưa chuộng nhất là cá trích, cá nục, cá bạc má, cá thu, cá đục, cá đốm, cá thửng… Ngoài ra có hộ còn nướng cá mực, tuy nhiên do mực giá thành cao hơn nên lượng khách hàng cũng ít hơn.

Ông Vũ Quý (55 tuổi), trú xóm Yên Đồng xã Diễn Vạn, cho biết: “Nghề này đã gắn bó với gia đình hơn 30 năm qua, từ khi cha ông đã làm rồi giờ đến con. Nhờ có nghề nướng cá mà gia đình có thu nhập ổn định để nuôi 4 đứa con ăn học”.

Miếng cá nướng ngon đạt chuẩn là bên ngoài ngả vàng, tỏa mùi thơm, phía trong thịt dẻo, khi ăn ngọt và béo.


Gia đình ông Quý cũng như nhiều cơ sở làm nghề nướng cá ở Diễn Vạn vốn không có đất trồng lúa, đất làm muối cũng không. Người dân chỉ còn biết gắn bó với nghề nướng cá như “cái duyên” đã định bấy lâu nay và chưa từng nghĩ sẽ bỏ nghề, bởi đó là “cần câu cơm” của nhiều hộ gia đình và còn là nơi giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Làm giàu từ nghề nướng cá

Cá sau khi được lấy từ tủ cấp đông ra ngoài để rã đá, sau khi phân loại, những loài cá lớn như thu, ngứa sẽ được cắt thành khúc cho dễ nướng. Còn những loại nhỏ hơn bắt đầu được bỏ lên giàn sắt để phơi cho ráo nước trước khi đưa vào lò.

Do công việc làm không xuể, nên mỗi cơ sở đều phải thuê thêm người làm. Mỗi người được trả từ 250.000 – 300.000 đồng/ ngày công. Dịp cuối năm, hộ nào cũng tăng ca, thuê khoảng 2-3 thợ về làm cho kịp đơn hàng.

Những lao động được thuê với giá 250.000- 300.000 đồng mỗi ngày công.


Mỗi mẻ cá khoảng 50 con tùy loại, nướng trên than củi trong 10-15 phút. "Khi nướng phải luôn điều chỉnh than, giữ lửa vừa phải, lật đều tay. Miếng cá nướng ngon đạt chuẩn là bên ngoài ngả vàng, tỏa mùi thơm, phía trong thịt dẻo, khi ăn ngọt và béo", chị Nguyễn Thị Hạnh nói.

"Hàng chục năm trước, khi nướng cá phải quạt tay bằng mo cau hoặc quạt giấy. Nay đời sống khá hơn nên cơ sở nào cũng có quạt điện, đỡ vất vả", chị Nguyễn Thị Hậu, tay vừa làm vừa trò chuyện cùng PV.

Theo chị Hậu, nghề này không không quá nặng nhọc, tuy nhiên phải khom lưng ngồi cả ngày, mỗi lúc bước ra khỏi lò thì quần áo nồng nặc mùi cá.

Trung bình mỗi ngày, cơ sở nhỏ sẽ nướng khoảng 2-3 tạ cá, cơ sở lớn nướng 1 tấn cá, mỗi tháng bình quân những lao động làm việc tại các cơ sở có thu nhập 6-8 triệu đồng. Riêng chủ các cơ sở nướng cá, trừ chi phí, có thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng.

Nhờ có nghề nướng cá mà nhiều hộ gia đình đã khấm khá, đi lên làm giàu, có cơ sở đã làm nhà tầng, mua xe hơi rồi sắm thêm xe tải chở phục vụ công việc như hộ ông Lượng (xóm Trung Hậu), hộ chị Tâm anh Tuấn, hộ anh Quyền (xóm Yên Đồng) đầu tư cả kho đông lạnh để trữ cá…

Trước đây, cá được nướng sau đó sẽ được đem ra các chợ lân cận để bán, thì ngày nay số lượng lớn sẽ được vận chuyển đến một số đầu mối trong huyện miền núi phía Tây Nghệ An như Con Cuông, Quế Phong, Tân Kỳ, Tương Dương...

Cá to sẽ được cắt thành khúc cho đẹp và dễ nướng.


Các lò lớn vận chuyển cá nướng bằng ô tô của gia đình, các lò nhỏ hơn thì gửi theo xe khách, hay phục vụ cho các cơ sở bán lẽ đến thu mua tại nhà.

Ông Hoàng Thiên Long, Chủ tịch xã Diễn Vạn, cho biết: “Nghề nướng cá biển tồn tại lâu đời ở đây, hiện toàn xã có khoảng 50 cơ sở lớn, nhỏ với khoảng 200- 300 lao động. Nghề này cho thu nhập ổn định, dịp Tết, sản lượng tăng gấp đôi, cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng”.

Dịp gần Tết, những đơn hàng ngày một nhiều hơn, nhiều cuộc điện thoại “chốt” số lượng, cá giá được các chủ cơ sở cẩn thận ghi chép vào sổ, những người làm nghề lại tất bất hơn với công việc của mình, ai nấy đều phấn khởi vui mừng, hứa hẹn một cái Tết ấm no, đủ đầy.

Tác giả: Gia Đức

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP