Giáo dục

Nghệ An lắp camera chống nạn "bắt vợ", bộ GD&ĐT nói gì?

Trước việc một số trường tại Tây Nghệ An lắp camera nhằm chống nạn "bắt vợ" bị biến tướng, bộ GD&ĐT đã có ý kiến ủng hộ việc này.

Bắt vợ là tập tục xưa của một số dân tộc ít người ở Nghệ An. Tuy nhiên những năm gần đây phong tục đã bị biến tướng và trở thành nỗi ám ảnh của các cô gái trẻ, đặc biệt là các nữ sinh đang theo học tại các trường bán trú ở miền Tây Nghệ An. Để phục vụ công tác quản lý học sinh, theo dõi an ninh, kịp thời phát hiện người ngoài vào quậy phá, thậm chí là “bắt vợ”, 18 trường bán trú trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã mạnh dạn thực hiện ý tưởng lắp đặt hệ thống camera an ninh.

Các trường tại Nghệ An lắp camera để chống việc bắt vợ.

Trước thực tế trên, ông Bùi Văn Linh Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục & Đào tạo) cho biết: “ Bắt vợ là tục lệ của đồng bào dân tộc Mông ở một số tỉnh miền núi. Tuy nhiên, việc này xảy ra với các em gái đang trong độ tuổi đến trường đã gây nên sự hoang mang, bức xúc trong dư luận. Theo Luật trẻ em thì hành động “bắt vợ” đối với các em gái đang trong độ tuổi đến trường có thể được coi là xâm hại trẻ em”.

“Theo Nghị định 80/2017/NĐ-CP ngày 17/07/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường thì hành vi “bắt vợ” trong trường học được coi là một trong nhưng hành vi bạo lực học đường”, ông khẳng định.

Về việc các trường ở Tây Nghệ An lắp camera để bảo vệ trẻ em, ông Linh khẳng định: “Để ngăn ngừa tình trạng này, thời gian qua, việc các trường bán trú ở Tây Nghệ An đã lắp hệ thống camera giám sát để bảo vệ các em học sinh nữ khỏi "tục lệ" này là một trong những biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật”.

Ông Bùi Văn Linh.

“Cụ thể Điều 5 khoản 1 mục c và Điều 6 khoản 1 mục d của Nghị định 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường cho phép “Thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin của người học; bảo mật cho người cung cấp thông tin” và “Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường””, ông nói.

Tuy nhiên, ông Linh cũng lưu lưu ý về vị trí lắp đặt camera nhằm đảm bảo quyền riêng tư của học sinh. Ngoài ra, các trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em đến với người dân và học sinh; tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn trường học.

Để giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận biết cho học sinh nam ở những nơi này trong thời gian tới sẽ được bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo tăng cường giáo dục kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tâm lý, tư vấn học đường cho học sinh.

“Sắp tới, bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021 nhằm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp giúp hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực học đường”, ông Linh thông tin.

Ngoài ra, bộ GD&ĐT cũng sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền, các cơ quan, tổ chức, cá nhân của địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đồng bào dân tộc nhằm thay đổi tập tục không còn phù hợp nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa của đồng bào.

Tác giả: Công Luân

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP