Từ việc đi săn châu chấu về cho gà vịt, vài năm gần đây, châu chấu trở thành món nhậu đặc sản thu hút nhiều người đi bắt. Việc bắt loại côn trùng này trở thành một nghề kiếm sống của hàng trăm người dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Lượng người gia nhập vào “đội quân” săn châu chấu ngày một đông, nhiều người phải vượt cả trăm cây số sang các cánh đồng tại Hà Tĩnh để hành nghề. |
Bằng cách buộc 2 cánh lưới ống có đường kính chừng 60cm ở 2 bên thân xe máy, rồi chạy xe “rà” trên các trục đường ven cánh đồng lúa, các “thợ săn” châu chấu có thể vợt được 1,5 – 2kg châu chấu sau 15 phút. Anh Trần Văn Phượng (trú xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, mỗi khi chiếc xe máy chạy đến gây động, châu chấu dưới mặt đất bay lên chui thẳng vào vợt. Cách bắt này chỉ tốn chi phí xăng xe, đỡ vất vả so với nhiều cách dùng vợt thủ công. |
Sau một vòng chạy quanh cánh đồng, “thợ săn” dừng xe để thu gom thành quả. Anh Phạm Xuân Linh (trú huyện Quỳnh Lưu) cho biết, trung bình mỗi ngày anh bắt được 10 – 11kg châu chấu. Với giá bán cao như hiện nay, mỗi ngày anh có thể kiếm hơn 1 triệu đồng từ nghề săn côn trùng này. |
Theo anh Linh, giá bán châu chấu khá thất thường. Thời điểm đầu mùa vụ khó săn bắt nên được giá cao. Cao điểm của nghề bắt châu chấu là từ đầu tháng 9, sau khi lúa đã được gặt. Lúc này, nhiều người còn sử dụng lưới căng lên giữa đồng rồi xua đuổi châu chấu về một chỗ. Với cách này, một lần như vậy có thể kiếm được trên chục kg. |
Nhiều người vẫn còn lạ lẫm với nghề săn châu chấu, nhưng đối với nhiều gia đình tại huyện Quỳnh Lưu, đó là nghề từ lâu mang lại cho gia đình họ miếng cơm manh áo. |
Châu chấu sau khi bắt được thu gom về các đầu mối tại huyện Quỳnh Lưu rồi chuyển ra Hà Nội tiêu thụ, phục vụ nhu cầu thức ăn nuôi chim cảnh. Ngoài ra, nhiều đầu nậu cũng thu gom châu chấu rồi sơ chế, ướp đá trước khi chuyển ra các quán nhậu, nhà hàng tại Hà Nội. |
Tác giả: Thành Trung
Nguồn tin: Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh