510 nhà tránh lũ được xây dựng
Suốt hàng chục năm phải sống trong ngôi nhà ngói cũ nát, xuống cấp, bà Nguyễn Thị Hà ở xóm 7 xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) luôn lo sợ khi mùa mưa bão về. Do vị trí ngôi nhà nằm ở bên sông Thái nên khi có bão lụt, nước tràn vào trong nhà dâng cao gần 1 mét. Những lúc như vậy, hai vợ chồng bà phải “dắt nhau” đi sơ tán.
Cuối năm 2014, từ số tiền hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ theo chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở phòng tránh bão lũ, gia đình bà vay mượn thêm xây ngôi nhà mới. Tháng 7/2015, ngôi nhà 2 gian có gác xép cao được xây hoàn thiện, gia đình bà Hà thực sự vui mừng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo xây nhà phòng chống bão lũ, huyện Quỳnh Lưu có 2.539 hộ nghèo, trong đó có 6 hộ nghèo đủ điều kiện để xét xây nhà tránh bão lũ theo Quyết định 48. Mỗi hộ được hỗ trợ 12 triệu đồng để xây nhà.
Ông Nguyễn Sơn Hà - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Quỳnh Lưu cho biết, 6 hộ trên đã xây xong nhà, việc giải ngân đã hoàn thành; bà con phấn khởi khi được sống trong ngôi nhà mới, chắc chắn, yên tâm khi mùa mưa bão về.
Ngôi nhà ngói sập xệ, cũ nát trước đây (ảnh trái) của gia đình bà Nguyễn Thị Hà, xóm 7, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Việt Hùng |
..và ngôi nhà 2 gian chắc chắn nhờ số tiền của chính sách hỗ trợ xây nhà phòng tránh bão lũ cùng vay mượn thêm. Ảnh: Việt Hùng |
Huyện Diễn Châu là địa phương làm được nhiều nhà chống bão lũ nhất với 234 hộ được phê duyệt, trong đó đã được hỗ trợ 147 căn nhà (năm 2015 làm được 55 căn, 2016 làm 40 căn và 2017 là 52 căn). Tổng số vốn đã được giải ngân cho chương trình ở Diễn Châu là 2.649 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 1.764 triệu đồng, vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội là 885 triệu đồng.
Ông Hà Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Huyện đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đăng ký làm nhà để kịp thời hỗ trợ theo đúng quy định. Hiện còn 87 hộ đang xúc tiến thực hiện theo chủ trương này”.
Còn ở huyện Hưng Nguyên, qua 3 năm thực hiện, toàn huyện đã làm được 23 nhà tránh lũ, tuy nhiên có 4 hộ xin rút khỏi chương trình. Các căn nhà ở Hưng Nguyên chủ yếu là chòi chống lũ với thiết kế đặc thù vùng ngoài đê. Khi cần cả nhà lên chòi tránh lũ cùng với đồ đạc thiết yếu. Mỗi chòi rộng chỉ khoảng 10m2, ở tầng 2, có cầu thang lên xuống.
Theo đại diện Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng Nghệ An, sau 3 năm thực hiện Quyết định 48/CP, số lượng nhà ở đã thực hiện hỗ trợ trên địa bàn tỉnh được 510 căn, trong đó 380 nhà xây dựng mới, 130 nhà cải tạo nâng tầng, đạt tỷ lệ 85% so với tổng số nhà ở cần được hỗ trợ (600 căn nhà). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 9.670 triệu đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 6.495 triệu đồng, tổng số vốn đã được giải ngân 10.355 triệu đồng.
Quá trình thực hiện, bên cạnh vốn hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay theo quy định thì các địa phương đã tổ chức huy động thêm nguồn vốn từ cộng đồng và sự tham gia, đóng góp của hộ gia đình. Vì vậy, hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích và chất lượng theo quy định. Diện tích trung bình mỗi nhà khoảng 45m2, trong đó sàn chống lụt có diện tích từ 10 - 15m2. Giá thành các căn nhà bình quân khoảng từ 50 - 60 triệu đồng, nhiều căn có giá thành tới 100 - 150 triệu đồng.
Tỉnh Nghệ An đã phê duyệt tổng số 1.010 hộ sẽ được hỗ trợ xây nhà tránh bão lũ ở địa bàn 13 huyện, tổng kinh phí cần có để thực hiện hỗ trợ 29.075 triệu đồng, trong đó 14.198 triệu từ ngân sách Trung ương, 14.877 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Sở Xây dựng cũng đã dự thảo các mẫu nhà ở phòng, tránh bão lụt, giới thiệu cho các hộ gia đình tham khảo, lựa chọn áp dụng.
Mô hình nhà chống lũ ngoài đê. |
Nhiều hộ dân chưa có kinh phí “đối ứng”
Khó phủ nhận giá trị của nhà chống bão lũ nhất là ở vùng ngoài đê, vùng cửa sông cửa biển và nhất là đối với thời tiết diễn biến cực đoan như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng kinh phí còn hạn chế chưa đáp ứng và mức hỗ trợ 12 triệu đồng/căn là quá thấp nên nhiều hộ dân chưa có điều kiện để “đối ứng” làm lại nhà, nhất là đối với những hộ mà khó vay mượn được của họ hàng, anh em hoặc xã hội hóa không tới với họ.
Ví như ở Hưng Nguyên, số hộ đăng ký rất đông với 91 hộ, nhưng chỉ được duyệt 23 hộ và sau đó 4 hộ rút vì không đủ điều kiện làm nhà. Huyện Diễn Châu cũng còn rất nhiều hộ chưa làm vì số tiền hỗ trợ nhỏ so với một căn nhà định xây dựng để đủ vững chãi tránh bão lũ. Nhiều gia đình chỉ “dám” sửa nhà chứ không làm được nhà mới như mong muốn.
Theo tính toán sơ bộ của một số hộ đã được hỗ trợ, giá thành bình quân mỗi căn nhà có diện tích 40m2 sàn, đã bao gồm cả diện tích sàn tránh lũ, ít nhất khoảng 60 triệu đồng. Vì vậy, với mức hỗ trợ của Nhà nước thấp nên nhiều hộ nghèo thực hiện khó khăn khi xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt. Chưa kể hiện nay làm một căn nhà cấp 4 ở thôn quê cũng phải tới 100 triệu đồng.
Những năm gần đây, suy thoái kinh tế nên việc huy động thêm nguồn vốn khác cũng khó. Để chương trình hiệu quả, các địa phương cần đôn đốc, chỉ đạo và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục kêu gọi làm tốt công tác xã hội hóa để sớm xây được nhiều nhà vững chãi cho người nghèo tránh bão, lũ an toàn.
Tỉnh Nghệ An đã phê duyệt tổng số 1.010 hộ sẽ được hỗ trợ xây nhà tránh bão lũ ở địa bàn 13 huyện, tổng kinh phí cần có để thực hiện hỗ trợ 29.075 triệu đồng, trong đó 14.198 triệu từ ngân sách Trung ương, 14.877 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Sở Xây dựng cũng đã dự thảo các mẫu nhà ở phòng, tránh bão lụt, giới thiệu cho các hộ gia đình tham khảo, lựa chọn áp dụng. |
Tác giả: Châu Lan - Việt Hùng
Nguồn tin: Báo Nghệ An