Giáo dục

Nghệ An đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3

Là tỉnh có diện tích lớn nhất nước với 10 huyện miền núi cao cùng hệ thống trường lớp manh mún, nhỏ lẻ, nhưng Nghệ An đã nỗ lực đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Cô trò Trường Tiểu học Nậm Cắn 1, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 713/QĐ-UBND về việc công nhận đạt chuẩn Xoá mù chữ, Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Phổ cập giáo dục tiểu học, Phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2020 trên địa bàn.

Nghệ An có 100% huyện, thành thị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Số liệu này được đánh giá dựa vào tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường. Hiện số trẻ 6 tuổi đã huy động vào lớp 1 của tỉnh là hơn 65 nghìn em, đạt tỷ lệ 99.75%. Số trẻ 11 tuổi (sinh năm 2009) đã hoàn thành chương trình là 53,7 nghìn em, đạt tỷ lệ 96.71%. Đặc biệt, không có trường học trẻ 11 tuổi bỏ học.

Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 21 đơn vị đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. Số khuyết tật có khả năng học tập được huy động đến trường đạt 98,7%.

Địa hình rộng lớn, nhiều điểm trưởng lẻ nhưng Nghệ An nỗ lực đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3

Đây là lần đầu tiên Nghệ An đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và là cũng một trong số ít, tỉnh thành trên cả nước đạt tỷ lệ này. Ngành giáo dục cũng đã làm báo cáo gửi Bộ GD&ĐT để thẩm định và công nhận phổ cập tiểu học cho toàn tỉnh.

Đối với bậc mầm non, 21/21 huyện, thành thị cũng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Ở bậc THCS, có 4 địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 là TP Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hoà và huyện Tân Kỳ; có 13 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và còn 4 đơn vị còn lại Quế Phong, Tương Dương, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đạt mức độ 1.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm học sinh DTTS ở bán trú

Nghệ An là tỉnh rộng nhất nước, địa hình đa dạng, có vùng đồng bằng, ven biển khó khăn, miền núi. Trong đó có 10 huyện miền núi cao, là nơi sinh sống của phần lớn bà con dân tộc thiểu số Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Đan Lai, Ơ Đu...

Ở những địa phương này, giao thông về tuyến xã, bản phức tạp, đèo dốc hiểm trở. Hệ thống trường lớp ở khu vực miền núi cao manh mún, tồn tại nhiều điểm trường lẻ (đặc biệt ở bậc mầm non, tiểu học). Cơ sở vật chất phục vụ dạy học chưa đáp ứng tốt nhu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Người dân người dân còn nhiều khó khăn, lạc hậu, mặt bằng dân trí không đồng đều, không có điều kiện phát triển giáo dục nói chung.

Vì vậy, kết quả phổ cập giáo dục ở các bậc học như trên là nỗ lực của không chỉ từng nhà trường, ngành giáo dục mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quan tâm, đầu tư phát triển.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại

  Từ khóa: Nghệ An ,phổ cập ,giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP