Trong tỉnh

Nghệ An: Dân khốn khổ vì thủy điện tích nước

Không ít người dân huyện Con Cuông, Nghệ An lâu nay đang khốn khổ vì việc đánh giá tác động môi trường chưa sát thực tế của dự án Nhà máy Thủy điện Chi Khê, khiến cho nhiều diện tích đất bị nhấn chìm.

Kết cục, dân thì khổ sở, chính quyền và chủ đầu tư thì mệt mỏi vì công tác thống kê bồi thường thiệt hại.

Sống thấp thỏm khi thuỷ điện tích nước

Nhà máy Thủy điện Chi Khê có tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty CP Năng lượng Agrita Nghệ Tĩnh, cao trình thiết kế đập thủy điện là 38m, công suất 2 tổ máy là 40MW, được khởi công từ năm 2013.

Việc quy hoạch tổng thể khu vực lòng hồ Nhà máy Thủy điện Chi Khê, huyện Con Cuông, được phê duyệt tại Quyết định số 534 /QĐ-UBND.CN ngày 9/7/2012 của UBND tỉnh Nghệ An. Theo Quyết định này, diện tích quy hoạch thuộc địa bàn 4 xã: Chi Khê, Cam Lâm, Châu Khê, Lạng Khê của huyện Con Cuông, với hơn 553 ha. Tuy nhiên, đến nay, Nhà máy Thủy điện Chi Khê đã xin điều chỉnh quy hoạch bổ sung vùng bị ảnh hưởng 2 lần nhưng vẫn chưa ngã ngũ.

Năm 2017, khi công trình này tích nước thử, nhưng chỉ đến cao trình 36,5m đã ngập hơn 100 ha đất của người dân nằm ngoài quy hoạch lòng hồ. Huyện Con Cuông đã yêu cầu dừng tích nước để điều chỉnh quy hoạch. Sau khi điều chỉnh bổ sung diện tích khu vực bị ảnh hưởng, nhà máy này tích nước đến cao trình 38m thì lại tiếp tục gây ngập thêm nhiều diện tích khác.

Kể từ khi thủy điện Chi Khê bắt đầu tích nước, nhiều diện tích đất canh tác, nhà cửa của người dân ở xã Cam Lâm có nguy cơ chìm xuống lòng hồ

Bà Ngân Thị Chuyên ở bản Liên Hồng, xã Cam Lâm cho biết, gia đình bà đã làm nhà trên mảnh đất từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, kể từ khi thủy điện Chi Khê bắt đầu tích nước, ngôi nhà của bà Chuyên có nguy cơ chìm xuống lòng hồ. Trước đây, nhà bà cách bờ sông Lam đến hàng trăm mét, nhưng gần đây, mực nước chỉ cách móng nhà chừng vài mét.

Được biết, ngày 16/5/2022, UBND xã Cam Lâm đã có văn bản số 405/BC-UBND, trong đó, đề nghị Nhà máy Thủy điện Chi khê tiếp tục kiểm tra đo đạc lập hồ sơ đền bù đối với diện tích bị sạt lở tại bản Piềng Đền; diện tịch đất bị ngập, sạt lở đất tại các vị trí: Piềng Đền, Piềng Thanh Chương, Khe Cháo, Khe Phèn, Bãi Bằng Lộc, khe Xuy Vàng, Khe Cống, dọc Sông Lam....

Xã Cam Lâm còn yêu cầu Công ty CP Thủy điện Chi Khê (thuộc Công ty CP Năng lượng Agrita Nghệ Tĩnh) hoàn trả đường dân sinh đã bị ngập úng và sạt lở do quá trình tích nước cao trình 38m và vận hành xả lũ lòng hồ thủy điện; kiểm tra các nguồn nước giếng đào sát mép nước lòng hồ thủy điện có nguy cơ ô nhiễm; trả thù lao cho cán bộ xã, tổ giúp việc của xã tham gia công tác GPMB dự án thủy điện Chi Khê từ 2016 đến nay.

Ông Lô Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Cam Lâm cho biết, sau tích nước lòng hồ cao trình 38m, từ năm 2019 đến nay, có 84 hộ dân bị sạt lở đất. Xã cũng đề nghị có phương án xử lý 18 hộ có nhà ở sát mép nước thuộc lòng hồ, có nguy cơ gây mất an toàn đến tính mạng tài sản; hỗ trợ kinh phí di dời cho 4 hộ dân đã tự di chuyển nhà ở khỏi khu vực sạt lở ở bản Cống và bản Liên Hồng. Đề nghị chủ đầu tư triển khai theo đúng cam kết mà lãnh đạo dự án thuỷ điện Chi khê đã cam kết với dân.

Không riêng Cam Lâm, tại xã Châu Khê đã có 121 hộ dân kiến nghị về đất sản xuất của họ nằm ngoài mốc giới cao trình 38m vẫn bị ngập kể từ khi thủy điện tích nước; có 20 nhà dân có hiện tượng sụt lún, nứt nẻ tường, nền nhà, chuồng trại và công trình phụ khác….Tại xã Lạng Khê, có đến 123 hộ dân kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra phần sạt lở, ngập ngoài mốc chỉ giới 38m; nhiều công trình giao thông của xã cũng bị ngập.

Quy hoạch, khảo sát có vấn đề?

Trước đó, ngày 5/1/2017, Công ty CP Năng lượng Agrita Nghệ Tĩnh đã có cam kết với các xã thuộc diện GPMB lòng hồ Thủy điện Châu Khê. Theo đó, đối với diện tích của những hộ gia đình nằm trong diện nghi ngập diện tích đất đai, hoa màu, nhà cửa, v.v. Chủ đầu tư cam kết sau khi tích nước lên cao trình 38m, sẽ thực hiện đo vẽ lại diện tích toàn bộ khu vực lòng hồ để xác định chỉ giới thu hồi, diện tích bị ngập của từng hộ gia đình theo đúng hiện trạng và lập hồ sơ đền bù bổ sung cho người dân.

Đối với các tuyến đường dân sinh, cầu, cống và công trình công cộng, Chủ đầu tư cam kết thực hiện hoàn trả lại mặt bằng hiện trạng, đảm bảo chất lượng cho người dân đi lại lâu dài; bảo hành, sửa chữa nếu hư hỏng trong quá trình sử dụng.

Đối với những hộ gia đình có khả năng bị sạt lở do tích nước phát điện, Chủ đầu tư cam kết nếu hộ gia đình nào bị sạt lở do thủy điện tích nước gây ảnh hưởng đến đất đai và tài sản, v.v. Sau khi tích nước, sẽ kiểm tra, lập hồ sơ và đền bù bổ sung thỏa đáng cho người dân. Với những hộ dân thuộc diện phải di dời, sẽ kiển tra, rà soát và lập hồ sơ theo đúng các quy định và chính sách của Nhà nước để hỗ trợ, bổ sung (nếu có) cho các hộ dân.

Ngày 23/11/2021, tại buổi làm việc UBND huyện Con Cuông với lãnh đạo Công ty CP Thủy điện Chi Khê và các ngành, địa phương liên quan, ông Hoàng Sỹ Kiện, Chủ tịch UBND huyện cho rằng, Dự án Nhà máy Thủy điện Chi Khê còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải tiếp tục thực hiện như: Quy hoạch bổ sung lòng hồ vùng bị ảnh hưởng ngoài cao trình 38m; chưa hoàn trả các số công trình dân sinh; tình trạng sạt lở đất sản xuất sau khi tích nước ảnh hưởng công trình nhà dân, ảnh hưởng đến môi trường, nước sinh hoạt.

Không chỉ lo mất đất, nhà cửa bị nhấn chìm, thời gian qua, việc đi lại của người dân địa phương cũng trắc trở vì thuỷ điện

UBND huyện Con Cuông đã đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Chi Khê phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương trình cấp thẩm quyền phê duyệt diện tích phát sinh ngoài chỉ giới GPMB, sau khi tích nước lên cao trình 38 m, để thực hiện công tác bồi thường bổ sung; hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng có diện tích còn lại dưới 100m2 khi có phương án phê duyệt; ưu tiên xử lý, hoàn trả các công trình dân sinh bị ảnh hưởng; giải quyết tình trạng sạt lở đất sản xuất, đất ở. Huyện cũng đề nghị chuyển kinh phí 2% để chi trả, thanh quyết toán cho các thành viên, tổ viên GPMB theo quy định.

Theo báo cáo của Công ty CP Thủy điện Chi Khê về xử lý tồn tại, phát sinh trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB thì đến tháng 11/2022, sau khi tích nước lên cao trình 38m, Chủ đầu tư đã hỗ trợ các gia đình ở xã Châu Khê có 185 ngôi mộ bị ngập nước với số tiền gần 1,3 tỷ đồng.

Đối với các thửa đất sát mép nước có diện tích còn lại dưới 100m2 không đủ điều kiện canh tác, một số hồ sơ hỗ trợ hộ nghèo và tồn đọng khác, đến nay, đã phê duyệt 262 hồ sơ của các hộ bị ảnh hưởng với tổng giá trị hỗ trợ, bồi thường hơn 7,7 tỷ đồng. Tại bản Bủng Xát, xã Châu Khê, Chủ đầu tư đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để xây dựng 1 cầu treo và tuyến đường dân sinh dài 1,2 km, nối đầu cầu treo đến khu vực sản xuất.

Một cán bộ Công ty CP Thủy điện Chi Khê cho biết, ban đầu dự kiến công tác GPMB thủy điện Chi Khê chỉ tốn khoảng 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án đã bồi thường hơn 300 tỷ đồng nhưng vẫn chưa xong. Trước một số tồn tại phát sinh trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, Công ty đang tiếp tục phối hợp với huyện Con Cuông và chính quyền các xã để giải quyết dứt điểm các tồn tại nêu trên theo đúng quy định.

Tác giả: CAO SƠN

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP