Pháp luật

Nghệ An: Cần ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã quý hiếm

Liên tục vào đầu năm nay, khắp các trang mạng xã hội lan truyền hình ảnh buôn bán, giết thịt động vật hoang dã quý hiếm đã khiến cả cộng đồng bức xúc, lo lắng. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, để ngăn chặn tình trạng này hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, câu chuyện bảo vệ, ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết thịt động vật quý hiếm hiện nay đang “nóng” hơn bao giờ hết.

Với tâm lý muốn sử dụng xương cốt động vật quý hiếm như hổ, báo, khỉ, trăn, chồn…để nấu cao, nhiều thương lái đã bất chấp sự nghiêm cấm của pháp luật để buôn bán, vận chuyển từ nhiều nguồn khác nhau để tiêu thụ. Và, chính những nguồn hàng từ các thương lái này đã đổ về nhiều cơ sở nấu cao trái phép để bán cho người dân có nhu cầu. Thậm chí, nhiều lò nấu cao còn dùng cả thủ đoạn “treo đầu dê bán thịt chó” để đánh lừa người dân và cả cơ quan chức năng. Hoặc nhiều cơ sở buôn bán, giết thịt động vật quý hiếm còn ngang nhiên rao bán công khai trên mạng xã hội và cả đặt biển hiệu quảng cáo trước cửa nhà mình.

Trong những ngày đầu tháng 1/2016 vừa qua, trước thông tin, hình ảnh một nam thanh niên tên là Chu Văn Cường (SN 1992) trú tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai ngang nhiên công khai việc giết thịt, buôn bán cá thể khỉ trên Facebook, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, làm rõ. Theo ông Lê Hữu Ngọc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Hoàng Mai, sau khi cá nhân Cường đăng tải những bức ảnh cảnh giết thịt, nấu cao khỉ, cơ quan chức năng đã xác minh được nguồn gốc số động vật nói trên.

Qua đó đã phát hiện chủ nhân của số khỉ nói trên là ông Lê Bá Thuận (SN 1951) trú tại xã Quỳnh Lập đã mua mỗi cá thể khỉ với giá 3 triệu đồng để về nấu cao. Hạt kiểm lâm thị xã Hoàng Mai đã phối hợp với cơ quan Công an tiến hành kiểm tra nơi ở của Chu Văn Cường vì hành vi thu giữ 1 con chim cắt (động vật hoang dã quý hiếm) để điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự. Hiện cơ quan chức năng cũng đang tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP đối với ông Lê Bá Thuận và trách nhiệm hình sự đối với Chu Văn Cường.

images1565675 kh 1 png
Phòng Cảnh sát môi trường – CA tỉnh Nghệ An tiến hành bắt giữ vụ việc vận chuyển động vật hoang dã trái phép tại địa bàn xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu

Chưa dừng lại ở đó, cũng trong những ngày đầu tháng 1/2016, trên mạng Facebook lại xuất hiện hình ảnh rao bán cao hổ của Hồ Minh Chính (SN 1992) trú tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu. Sáng 9/1/2016, sau khi phát hiện hàng loạt hình ảnh rao bán cao hổ, tay gấu…Hạt kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu cũng đã phối hợp với Công an địa phương tiến hành kiểm tra nơi ở của Hồ Minh Chính thì không phát hiện thấy dấu hiệu cho thấy nấu, mua bán, làm thịt cao hổ, tay gấu và mật gấu. Theo cơ quan chức năng, rất có thể sau khi đăng tải hình ảnh tay gấu, cao hổ…trên mạng xã hội, Hồ Minh Chính đã tẩu tán tang vật nhằm trốn tránh hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Mới đây nhất là vào hồi 10 giờ ngày 16-5, tại khu vực kiểm soát Nhà liên hợp cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã phát hiện trong hành lý của ông Nguyễn Văn D., trú tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An có chứa 10 cá thể rùa và 2 cái thể tê tê sống, với tổng trọng lượng 7,5 kg. Ông Nguyễn Văn D. khai nhận mua số hàng trên từ Lào mang về Việt Nam bán kiếm lời.

images1565676 kh 2 png
Phòng Cảnh sát môi trường – CA tỉnh Nghệ An tiến hành bắt giữ vụ việc vận chuyển động vật hoang dã trái phép tại địa bàn xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu

Qua tìm hiểu, hành vi rao bán, đăng tải hình ảnh giết thịt động vật quý hiếm trên các trang mạng xã hội mới chỉ là “phần nổi” của hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành ngăn chặn, bắt giữ hàng loạt vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép động vật quý hiếm. Tuy nhiên, với các thủ đoạn tinh vi, việc ngăn chặn các vụ việc nói trên của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, động vật hoang dã, trong đó có các loài quý hiếm thuộc nhóm 1B vẫn bị các đối tượng giết thịt, vận chuyển, buôn bán trên địa bàn. Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc tuyên truyền, vận động thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân.

Theo ông Hoàng Quốc Việt – Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An thì tình trạng này hiện nay đang “nóng” hơn bao giờ hết. “Hiện nay, việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã đang được triển khai kế hoạch ngăn chặn. Đặc biệt, dịp cuối năm, lợi dụng các phương tiện qua lại trên địa bàn, nhiều đối tượng đã vận chuyển trái phép động vật hoang dã quý hiếm. Chúng tôi cũng đang chỉ đạo Hạt kiểm lâm các địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng quyết liệt hơn nữa trong việc phát hiện, ngăn chặn tình trạng này. Nếu phát hiện hành vi nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật được cho là cấm theo quy định của pháp luật thì sẽ xử lý nghiêm túc” – ông Hoàng Quốc Việt cho biết thêm.

Cũng trong thời gian qua, để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, động vật quý hiếm, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An cũng đã xác lập nhiều chuyên án đấu tranh, điều tra làm rõ, bắt giữ nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã.

Được biết, để bảo vệ các loài động vật hoang dã, quý hiếm, các cơ quan chức năng đang có kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn trong thời gian tới. Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để “giảm nhiệt” tình trạng buôn bán, giết thịt động vật hoang dã phục vụ mục đích nấu cao, người dân không nên sử dụng các loại sản phẩm này. Việc nói không với cao được nấu từ động vật hoang dã, quý hiếm cũng là cách để bảo vệ môi trường sống cho động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái.

Tác giả bài viết: P. Tuân – T. Trần

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP