Xã hội

Nghệ An: Biệt thự “bức tử” sông Vũ Giang, huyện cầu cứu tỉnh

Hàng chục ngôi nhà được xây dựng kiên cố trên lòng sông Vũ Giang, vừa vi phạm quy định của pháp luật về đê điều, tiềm ẩn nguy hiểm cho chính những người sống trong ngôi nhà đó và nhân dân xung quanh.

Hàng chục ngôi nhà được xây dựng kiên cố ngay trong lòng sông Vũ Giang

Tuy nhiên, UBND xã Liên Thành, UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) vẫn đang lúng túng chưa tìm ra giải pháp hợp lý.

Biệt thự bức tử lòng sông

Trưa 1/6, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực xóm 5, xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Theo quan sát, từ đoạn cầu Thông lên đến chợ Vẹo, hàng chục ngôi nhà kiên cố, cao tầng đã mọc lên giữa lòng sông Vũ Giang. Trong đó, có nhiều ngôi nhà đã hoàn thành và người dân đã đưa vào sử dụng; nhiều ngôi nhà đang xây dựng dở, nhiều thửa đất, người dân chỉ mới đổ đất, san lấp mặt bằng để làm móng.

Để lấn chiếm được nhiều diện tích, các hộ dân đều dùng chiêu thức đúc cọc bê tông để cơi nới ra dòng sông, sau đó xây nhà lên trên. Điều kỳ lạ là những ngôi nhà đã và đang được xây dựng chỉ cách trụ sở UBND xã chỉ khoảng 500m.

Anh Hải, sống cạnh ngay cầu Thông bức xúc: “Sông Vũ Giang có nhiệm vụ tiêu nước vào mùa mưa lũ cho các xã Đại Thành, Mỹ Thành, Liên Thành, Khánh Thành, Công Thành... (đều thuộc huyện Yên Thành). Hiện, chỉ mỗi đoạn qua xã Liên Thành đang bị người dân lấn chiếm, cơi nới để xây dựng nhà cửa. Mùa lũ, nước dâng cao rất nguy hiểm cho chính chủ nhân những ngôi nhà này. Mặt khác, nhà cửa chắn ngang lòng sông sẽ làm thay đổi dòng chảy gây nguy hiểm cho những hộ dân khác sống gần sông”.

Ông Nguyễn Văn Năm, Xóm trưởng xóm 5, xã Liên Thành cho hay, việc người dân xây dựng nhà cửa trong lòng sông Vũ Giang là có thật, đất đó được xã bán cho dân từ những năm 1993, có đầy đủ giấy tờ . “Nhà tôi cũng có một ô ở đó nhưng chưa xây dựng nhà cửa. Xóm cũng đã nhiều lần kiến nghị UBND xã tăng cường quản lý, không để dân xây dựng nhà cửa trong lòng sông, đồng thời có phương án xử lý, không để thực trạng này kéo dài nhưng đến nay vẫn chưa được”, ông Năm chia sẻ.

Xã, huyện cầu cứu… tỉnh

Qua tìm hiểu của PV, từ năm 1989 - 2001 (chủ yếu là trong hai năm 1994, 1995), UBND xã Liên Thành đã giao đất nằm trong lòng sông Vũ Giang vào mục đích đất ở cho 76 hộ và thu tiền sử dụng đất. Quá trình giao đất không quy định chiều sâu lô đất, chỉ giao theo chiều rộng bám mặt đường. Từ khi giao đất đến nay, hàng năm, người được giao đất đều nộp thuế đất cho xã. Hiện nay, trong tổng số 76 lô đất, có 15 lô đất đã được cấp bìa đỏ; 38 hộ đã làm nhà và đổ đất, san lấp mặt bằng để làm móng.

"Trước đây, sông Vũ Giang đoạn qua xóm 5, xã Liên Thành có một bờ đất kè với một hàng dừa rất đẹp. Sau khi tuyến đường liên xã nối từ QL7B chạy lên qua chợ Vẹo được thi công thì từ mặt đường đến bờ kè có một khoảng trống. UBND xã thời điểm đó đã cho lấp khoảng trống đó rồi bán đất mới thành ra như bây giờ”.
Ông Đặng Ngọc Công
Chủ tịch UBND xã Liên Thành
Ông Đặng Ngọc Công, Chủ tịch UBND xã Liên Thành cho hay, việc người dân xây dựng nhà ở lấn sông Vũ Giang là vấn đề khiến lãnh đạo địa phương rất đau đầu. Xã đã cùng các cấp tìm phương án giải quyết nhưng vẫn chưa thực hiện được. Đây là vấn đề lịch sử để lại, trải qua nhiều đời lãnh đạo địa phương chưa giải quyết được. Các hộ dân mua đất đều có hóa đơn và nộp tiền thuế hàng năm, đến nay có nhiều hộ đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều hộ khác đã chuyển nhượng đất cho người khác.

Khi có hộ dân tổ chức xây dựng, xã đều đến hiện trường lập biên bản sự việc, đình chỉ thi công. Tính từ năm 2013 đến hết ngày 29/5/2017, UBND xã đã lập biên bản đình chỉ đối với 9 trường hợp đổ đất và xây dựng nhà kiên cố trên đất. Về quản lý chung, năm 2014, UBND xã có thông báo về việc đình chỉ xây dựng kiên cố trên đất dọc sông Vũ Giang. Ngày 13/6/2016, UBND xã tiếp tục có thông báo rộng rãi tới nhân dân và gửi đến từng hộ gia đình có đất trên sông... Thế nhưng sau đó người dân vẫn âm thầm vi phạm. Mặt khác, xã chỉ lập biên bản, còn thẩm quyền xử lý lại thuộc cơ quan khác.

Ông Nguyễn Công Chúc, Chánh văn phòng UBND huyện Yên Thành cũng cho hay: “Đây là vấn đề phức tạp, có lịch sử từ trước, trải qua nhiều đời lãnh đạo nhưng chưa xử lý được. Nếu giải tỏa thì các cấp chính quyền không có tiền để đền bù cho dân. Có ý kiến nên xây dựng một bờ kè kiên cố phía sau những ngôi nhà nói trên, đồng thời hợp thức hóa cho người dân nhưng như thế cũng không được vì đó là đất đê điều. Hiện tại, huyện đang chỉ đạo xã tập trung kìm lại, không cho xây dựng thêm mới, đồng thời làm tờ trình để xin ý kiến tỉnh. Nói thật, vấn đề này xã, huyện không đủ thẩm quyền, chỉ có tỉnh mới giải quyết được”.

Tác giả: Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP