Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, Khoa Tim mạch vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi N.T.K. (4 tháng tuổi, ở huyện Yên Thành, Nghệ An). Bệnh nhi nhập viện với biểu hiện sốt cao, bong loét da.
Theo lời người nhà, trước đó khoảng 10 ngày, thấy con có biểu hiện viêm loét kèm bong tróc da quanh miệng và mắt; sau đó bong tróc, đỏ tấy da vùng cổ và bẹn, mẹ của bé đã tắm nước lá và đắp thuốc (không rõ loại) theo kinh nghiệm dân gian để chữa cho con.
Tuy nhiên sau khi được đắp thuốc, tình trạng bong loét ngày càng nặng, trẻ ăn bú kém, quấy khóc... Nhận thấy tình hình nguy hiểm, người nhà đã đưa cháu K. vào bệnh viện để điều trị.
Hình ảnh cháu K. trước và sau khi được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC |
Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhi bị hội chứng bong vảy da do tụ cầu hay còn gọi là hội chứng 4S và chỉ định điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
Qua 5 ngày điều trị, tình trạng của trẻ ổn định, không còn sốt, không bong tróc hay trợt loét thêm.
Theo các bác sĩ, bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ do độc tố của tụ cầu vàng và có thể tạo thành dịch. Ngoài ra, chúng có thể xuất hiện trên người lớn, nhất là trường hợp bị suy thận hoặc suy giảm miễn dịch.
Nhiễm khuẩn tụ cầu vàng có biểu hiện là thương tổn chốc da hoặc nhọt. Khi khởi phát, người bệnh sốt cao, mệt mỏi, khó chịu, kích thích, đau họng và rát da. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện ban màu hồng nhạt, thường ở quanh mắt, miệng, hậu môn hay các nếp gấp (vành tai, bẹn, nách).
Sau 1-2 ngày, các bọng nước nông, nhanh chóng vỡ tạo thành lớp vảy da mỏng, nhăn nheo như giấy cuốn thuốc lá khiến trẻ đau đớn, kích thích, quấy khóc, không ăn, không bú được. Có thể xuất hiện viêm kết mạc.
Bệnh dễ chẩn đoán nhầm, cùng với những quan điểm sai lầm của một số phụ huynh cho rằng, cứ có biểu hiện bất thường ở da là chỉ cần tắm nước lá, đắp thuốc lá sẽ khỏi nên làm cho bệnh tình càng trở nên nghiêm trọng hơn, đưa đến những hệ lụy không mong muốn .
Tác giả: Chí Tâm
Nguồn tin: Báo Công lý