Kinh tế

Nghệ An: 4 tháng đầu năm 2024 đã giải ngân gần 989 tỷ đồng

UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị giao ban toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình MTQG.

2 chương trình mục tiêu quốc gia có tỉ lệ giải ngân thấp trong năm 2023

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nghệ An Phạm Hồng Quang cho biết, kế hoạch năm 2023 giao đầu năm là 9.033,5 tỷ đồng, tính đến ngày 31/01/2024 đã giải ngân 8.586,774 tỷ đồng, đạt 95,05%, hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (đạt trên 95%) và cao hơn nhiều so với cùng kỳ (cùng kỳ chỉ đạt 84,86% kế hoạch giao đầu năm và 78,37% tổng kế hoạch giao).

Hội nghị giao ban toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2024.

Trong năm, có 4 nguồn giải ngân đạt khá và hoàn thành mục tiêu đề ra là nguồn ngân sách trung ương - vốn trong nước (95,81%); nguồn chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (99,37%); nguồn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (97,56%) và nguồn ngân sách địa phương (97,94%).

Tuy nhiên, có 3 nguồn không hoàn thành mục tiêu là vốn nước ngoài (71,72%); chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (80,39%) và chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (79,68%).

Đối với các huyện, thành, thị: Có 15/21 đơn vị hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95%; có 6 đơn vị chưa hoàn thành mục tiêu trên 95%. Đối với các Sở, ngành, chủ đầu tư: Có 35/46 đơn vị hoàn thành mục tiêu; có 11 đơn vị chưa hoàn thành mục tiêu trên 95%.

Sở Y tế Nghệ An là đơn vị chưa hoàn thành mục tiêu giải ngân, thậm chí đứng thấp nhất chỉ đạt 4,85%.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nghệ An, đối với nguồn vốn đầu tư công tập trung theo kế hoạch năm 2024, tính đến ngày 30/4/2024, đã giải ngân 988,933 tỷ đồng, đạt 21,37% KH, cao hơn so với cùng kỳ (15,3%) và cao hơn so với bình quân cả nước (ước đạt 17,46%).

Trong đó, một số nguồn vốn đạt khá như: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân 269,19 tỷ đồng, đạt 60,8%; nguồn thu xổ số kiến thiết giải ngân 11,444 tỷ đồng, đạt 40,87%; nguồn thu sử dụng đất giải ngân 93,576 tỷ đồng, đạt 36,7%.

Kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024, đã giải ngân 57,612 tỷ đồng, đạt 10%. Có 24 đơn vị/tổng 68 đơn vị chủ đầu tư có tỉ lệ giải ngân khá. Các dự án trọng điểm liên vùng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh cơ bản đảm bảo theo tiến độ.

Tính đến ngày 30/4/2024, tổng 3 chương trình MTQG đã giải ngân 431,914 tỷ đồng, đạt 21,29% kế hoạch (KH), trong đó KH năm 2022 và năm 2023 kéo dài, giải ngân 57,612 tỷ đồng, đạt 10,68%; kế hoạch năm 2024, giải ngân 374,302 tỷ đồng, đạt 25,13%.

Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024

Phân tích 2 chương trình mục tiêu quốc gia có tỉ lệ giải ngân thấp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho rằng, đâu đó vẫn còn tình trạng lãnh đạo cấp huyện chưa nắm kỹ địa bàn, chưa nắm kỹ từng dự án.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long yêu cầu các Sở, ngành cần tăng cường làm việc tại các địa phương, tập trung hỗ trợ, giám sát “cầm tay chỉ việc” đối với các huyện đang thực hiện chương trình MTQG để giải quyết các khó khăn, tồn tại; Sở KH&ĐT hoàn chỉnh nhanh hồ sơ thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện theo Nghị quyết 111/2024/QH15 để trình HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Dự án Bệnh viện Ung bướu giai đoạn 2 đang đẩy nhanh tiến độ thi công.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đánh giá cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương đã rất quan tâm, nắm sát, chắc, rõ tình hình.

Với sự chỉ đạo quyết liệt đó, kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm đạt khá tích cực, đạt 21,37%, cao gấp 1,4 lần so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung cả nước, đặc biệt là nguồn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã giải ngân đạt 60,8%; có 24/68 đơn vị giải ngân trên 30%. Các dự án trọng điểm đường ven biển, bệnh viện Ung bướu và các dự án thuộc chương trình phục hồi cơ bản đảm bảo tiến độ.

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, theo Chủ tịch UBND tỉnh, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công là nhiệm vụ vô cùng cấp bách và phải được tập trung, quan tâm chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của các cấp, các ngành.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương, chủ đầu tư phải bám sát kế hoạch và cam kết giải ngân đã đăng ký để tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra, nắm chắc, bám sát tình hình, đánh giá việc thực hiện, kịp thời báo cáo các vướng mắc và đề xuất điều chỉnh, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Cần tập trung tăng cường năng lực và thường xuyên đôn đốc hoạt động của các Ban quản lý dự án, nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công; trường hợp cán bộ không đáp ứng yêu cầu thì chủ động thay thế “công việc không chuyển biến thì chuyển người”, không để ảnh hưởng đến công việc chung. Lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án theo từng tháng, quý; bám sát, nắm chắc từng dự án, kịp thời tháo gỡ “nút thắt”.

Thành phố Vinh là một trong những địa phương có các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, đối với nhóm các dự án không có vướng mắc (84 dự án/1.280 tỷ đồng), các đơn vị tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn kịp thời các dự án này.

Đối với nhóm các dự án đang còn vướng mắc hoặc đang triển khai hồ sơ thủ tục (76 dự án/1.858 tỷ đồng): Các đơn vị chủ động xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc kịp thời; có phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận, từng cá nhân, lấy hiệu quả xử lý công việc là tiêu chí đánh giá kết quả đạt được.

Đối với các dự án khởi công mới, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác đấu thầu (cả đấu thầu tư vấn và đấu thầu xây lắp) để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.

Đối với các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng (21 dự án ở địa bàn 15 huyện), đặc biệt là các dự án trọng điểm: giao UBND các huyện cần tập trung xử lý dứt điểm, không để kéo dài. Mục tiêu phấn đấu đến hết tháng 6/2024 không còn đơn vị, dự án giải ngân 0 đồng.

Đến tháng 9/2024 tất cả các dự án phải hoàn thành hồ sơ thủ tục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để thi công trên hiện trường. Lưu ý, việc đẩy nhanh tiến độ phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP