Pháp luật

Nam phạm nhân khắc khoải với bản án chung thân

Chỉ vì một phút hiểu lầm, Huy đã phải trả một cái giá quá đắt về hành động ngông cuồng của mình. Với bản án chung thân về tội giết người, Huy đã phí hoài cả tuổi thanh xuân của mình trong lao tù. Trải lòng về lầm lỗi của mình, Huy bảo sai lầm lớn nhất của anh ta không chỉ cướp đi mạng sống của một thanh niên trẻ mà còn hủy hoại cả tương lai của chính mình.

Với hành vi giết người Nguyễn Văn Huy, SN 1988, trú tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, bị tuyên phạt mức án chung thân. Về trại giam Ninh Khánh (Bộ Công an) cải tạo từ năm 2011, thời gian ấy đã đủ để Huy hiểu thế nào là tình chị em “xã hội”, nó thoảng qua, nhạt nhẽo khi hết giá trị lợi dụng.

Vết trượt từ những đêm chơi...

Kể từ khi Nguyễn Văn Huy đi tù, những người chị, người em xã hội mà lúc ở ngoài Huy vẫn coi như ruột thịt ấy đã không một lần đoái hoài, hỏi thăm. Họ ngoảnh mặt ngay từ khi Huy còn ở trại tạm giam, khiến Huy mỗi lần nghĩ lại càng thấy ân hận. Giận mình “ngu”, hành động xốc nổi, Huy lại thấy thương cho cả nạn nhân vì cả Huy và người đó đều cùng quá trẻ.

Huy là con trai út, trên là anh trai, có lẽ vì thế nên khao khát có chị gái, em gái để làm nũng và chiều chuộng khiến anh ta trong quá trình giao lưu bạn bè ngoài xã hội đã nhận hai cô gái mới quen một người lớn tuổi hơn mình và một người ít hơn Huy vài tuổi làm chị em.

Chẳng thân thiết họ hàng nhưng Huy quý hai cô gái này, đi đâu cũng rủ họ đi cùng, nhiều lúc chẳng khác nào cái đuôi đi theo họ làm vệ sĩ cho dù không phải khi nào cũng cần thiết. Theo lời Huy thì cả hai cô gái ấy anh ta đều quý và vì họ đều sắp sửa đi lao động Hàn Quốc, nghĩ thời gian đi chơi với nhau không còn nhiều nên biết họ đi đâu chơi, Huy cũng cố gắng thu xếp để cùng có mặt.

Tối 5-12-2010, biết Hương, Vân (tên 2 cô gái) đi hát karaoke với một nhóm thanh niên ở cùng xã Gia Đức, Huy vội vàng đi tới. Được mọi người đón tiếp như những người quen biết lâu rồi song Huy vẫn cảm thấy ấm ức vì cho rằng không được mời.

Cho rằng “chị gái, em gái” định qua mặt mình nên suốt buổi tối hôm đó, Huy luôn dành ánh mắt ác cảm, dò xét về phía Vân và Hương. Tuy nhiên vì tuổi trẻ bồng bột và vô tâm nên hai cô gái này không nhận ra sự thay đổi ấy. Họ vẫn hồn nhiên trò chuyện, cười cợt và đôi lúc còn trêu đùa với những thanh niên trong nhóm.

Cho rằng mình luôn hết lòng với chị, với em, vậy mà bị “người ta” xem nhẹ nên sau khi vào phòng hát được gần 2 tiếng, Huy bỏ ra ngoài, đến lúc quay vào thì không mở được cửa. Cho rằng mọi người cố tình không cho mình vào, Huy liền cầm cây gỗ đập vỡ cửa kính rồi thò tay qua, mở cửa.

Thấy việc làm của Huy quá kỳ cục nên Hương và Vân liền trách Huy: “Sao lại làm thế”. Huy bỏ ra ngoài, không đếm xỉa đến lời thanh minh của nhóm bạn rằng không hề có ai chốt cửa cả. Không khí nặng nề bao trùm nên mọi người bảo nhau về.

Tức thái độ của Huy khiến cuộc vui dở dang nên Nguyễn Bá Tú, một thanh niên trong nhóm đã cầm chiếc ghế mây ném về phía Huy nhưng không trúng. Mọi người liền xô vào can Tú và Huy, thừa lúc Tú bị mọi người giữ, Huy liền rút dao bấm đâm vào sườn trái thanh niên này rồi bỏ chạy. Tú được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Hai hôm sau, Huy bị bắt giữ.

Phạm nhân Nguyễn Văn Huy. Ảnh: Nguyễn Vũ

Mong ngày về...

Với Huy, gây nên tội thì phải trả giá nhưng tội lỗi của anh ta còn khiến một người em họ phải liên lụy. Chính cái đêm Huy gây án, vì sợ anh họ bị đánh nên Nguyễn Thành Đạt đã chở Huy đi trốn. Với hành động này, Đạt bị kết án 3 năm tù vì tội che giấu tội phạm.

Nhắc đến hai cô em xã hội, Huy chua chát: “Ngày em ra đầu thú, họ cũng biết. Biết cả nơi em tạm giam chờ xét xử vậy mà chẳng ai tới thăm, ngay cả khi em hầu tòa. Cả hai coi như em không tồn tại trên cõi đời này”. Coi hai cô gái nọ như ruột thịt của mình, Huy đã rất sốc khi thấy họ ngoảnh mặt, quay lưng với mình.

Bố mẹ làm nông nghiệp, suốt ngày chân lấm tay bùn nhưng vì lực học có hạn nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, Huy ở nhà. Bằng cấp, kinh tế không có, ai mời gọi thì Huy đi làm, lúc thì phụ hồ, khi thì đi bốc hàng thuê, công việc không ổn định nên cuộc sống chủ yếu dựa vào bố mẹ.

Thế nhưng Huy lại không coi trọng bố mẹ bằng bạn bè. Bằng chứng là hễ hai cô chị em kết nghĩa “ới” một câu là dù ở nhà đang có công có việc, bận túi bụi thì Huy cũng vứt đó đi ngay, không kể nửa đêm gà gáy. Đã một vài lần thấy con trai quá sa đà vào những việc không đâu, bố Huy đã gọi con ra nói chuyện như 2 người đàn ông với nhau nhưng Huy không nghe.

Trong suy nghĩ của Huy thì tại “bố khác thời nên không hiểu, tuổi trẻ bây giờ sống khác, đâu phải bo bo cho riêng mình, phải sống vì bạn vì bè nữa chứ”.

Chỉ đến khi vướng vòng hoạn nạn, chẳng bạn bè nào ngó ngàng, Huy mới hiểu ra rằng lời góp ý của cha mẹ lúc nào cũng đúng.

“Hiểu được lòng cha mẹ, ngấm được lời cha mẹ thì cũng muộn mất rồi”, Huy cười chống chế.

Không phải là phạm nhân trẻ tuổi nhất trại nhưng so với một số người cùng buồng, Huy thuộc diện con cháu. Thế nên khi thấy những người đáng tuổi cha chú này buồn, nghe họ tâm sự về gia cảnh của mình, cũng có đứa con hư hỗn, bất trị, Huy trạnh lòng nghĩ đến bố mẹ mình ở nhà để rồi nỗi ân hận, thương xót cha mẹ mỗi ngày một ngấm dần, sâu sắc và day dứt.

Huy bảo nhiều lúc trong lòng có chuyện buồn, không thể tâm sự với những bạn tù cùng vai phải lứa nên cứ thủ thỉ với những người lớn tuổi để xin “chỉ dụ”. Từ lâu, Huy coi họ như cha chú mình và ngược lại, nhiều người thấy Huy tôn trọng đã coi Huy giống như con mình, chuyện nhà chuyện cửa, bế tắc chỗ nào cũng đem ra tâm sự, chia sẻ.

Từ ngày về trại giam cải tạo, ngoài bố mẹ và những người thân trong gia đình thì chẳng có người chị em “xã hội” nào đến thăm.

Phạm nhân Nguyễn Văn Huy bảo rằng, khi đối diện với bốn bức tường của trại giam, anh ta đã thấm thía, chẳng tình cảm nào bằng gia đình. Vậy mà chính những năm tháng của tuổi trẻ, Huy đã bỏ quên tình cảm thiêng liêng ấy để chạy theo cái hư vô, để rồi chính sự thiếu hiểu biết và ngông cuồng của tuổi trẻ ấy đã khiến cho anh ta trả giá quá đắt.

“Giờ đây, ân hận thì cũng đã muộn, chỉ mong rằng thời gian trôi qua, tôi được người thân tha thứ và đó là động lực để cho tôi phấn đấu, cải tạo, như vậy đường về của tôi sẽ ngắn lại...”, phạm nhân Nguyễn Văn Huy tâm sự.

Tác giả: Nguyễn Vũ - Đức Hùng

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP