“Chúng tôi phản đối tất cả các nước quân sự hóa các đảo nhân tạo (trên Biển Đông) và các yêu sách chủ quyền hàng hải thái quá không tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận bất cứ hành động đơn phương và cưỡng bức nhằm làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông”, Bộ trưởng Mattis nói.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực để duy trì hòa bình, thịnh vượng và tự do tại châu Á. Ông nhấn mạnh: "Không quốc gia nào là một ốc đảo tách biệt với các quốc gia khác, chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi các thách thức an ninh.
Liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, Bộ trưởng Mattis nói, Triều Tiên là mối đe dọa "rõ ràng và hiện hữu", đồng thời ông hối thúc Trung Quốc hợp tác để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Bộ trưởng Mattis nói, lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa có thật từ Triều Tiên, không chỉ là biểu tượng.
Vấn đề Biển Đông và Triều Tiên được đánh giá sẽ là chủ đề chính được các quan chức thảo luận tại Diễn đàn Shangri-La lần này. Trước đó, cũng tại diễn đàn này, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng đã phát đi cảnh báo mạnh mẽ nhất về các động thái bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó hối thúc Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực.
“Một Trung Quốc với cách hành xử cưỡng ép sẽ nhận thấy các quốc gia láng giềng đang phẫn nộ trước những yêu cầu (của Bắc Kinh) nhằm buộc họ phải nhượng bộ quyền tự quyết và không gian chiến lược. Các quốc gia này sẽ tìm cách đối trọng với quyền lực của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy các liên minh và quan hệ đối tác giữa họ với nhau và đặc biệt là với Mỹ”, Thủ tướng Turnbull nói.
Nguồn tin: Báo Dân trí