Mỹ và Philippines đang cố giảm nhẹ sự cố ngoại giao do tổng thống Duterte gây ra với tổng thống Obama
Quan hệ quốc phòng giữa Philippines và Mỹ rất “mạnh mẽ và bền vững” - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tuyên bố như thế hôm 6.9. Ông cũng ca ngợi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana là người “rất hiểu biết về tất cả những điều chúng tôi đang hợp tác chung với nhau”.
Tuyên bố của Bộ trưởng Carter được đưa ra sau sự cố ngoại giao “khó đỡ” của Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, thóa mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama bằng từ ngữ khó nghe nhất. Không chỉ có ông Duterte nói riêng và đất nước Philippines nói chung “quê độ”, phải lên tiếng xin lỗi ông Obama mà bản thân ông Obama và nước Mỹ cũng rơi vào tình thế khó gỡ. Philippines là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á, là một trong những trọng tâm trong chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ. Vai trò của Philippines – nơi Mỹ bố trí quân và khí tài luân phiên - với Mỹ càng lớn hơn sau phán quyết Biển Đông vừa qua.
Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Tổng thống Obama hủy cuộc gặp chính thức với ông Duterte bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Lào, Nhà Trắng đã thòng thêm một câu rằng 2 ông vẫn có thể gặp nhau không chính thức. Và Mỹ cũng đang tìm cách giảm nhẹ câu thóa mạ nặng nề của vị Tổng thống Philippines. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner gọi những gì xảy ra là “vấn đề của ngôn từ”.
Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte liên tục gây ra những sự cố ngoại giao chỉ sau hơn 2 tháng cầm quyền. Reuters
Trong bối cảnh đó, một quan chức ngoại giao của Mỹ khẳng định hôm 6.9 rằng quan hệ cấp chính phủ giữa Washington và Manila vẫn rất mạnh mẽ. Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức này: “Chúng tôi tin chúng tôi có nhiều lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ, sâu rộng với họ. Chúng tôi sẽ không gạt phắt chúng sang một bên được”. Quan chức này nói vụ chửi rủa vừa qua có lẽ là do ông Duterte… chưa quen làm tổng thống mà thôi, đang giữa quá trình chuyển mình từ một thị trưởng sang vị trí tổng thống!
Cựu quan chức quốc phòng Mỹ hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), bà Amy Searight nói: “Thời gian sẽ cho thấy Tổng thống Duterte có thoát ra khỏi giai đoạn này và nhận ra rằng ông cần phải điều chỉnh cách chọn lựa từ ngữ dùng cho các lãnh đạo Mỹ hay không”.
Còn ứng viên Tổng thống Mỹ, cũng là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton trong khi tuyên bố rằng ông Obama hủy gặp Duterte là phải cũng đã dùng những ngôn từ “rất có tính cách xây dựng”. Bà nói: “Mỹ và Philippines có nhiều mối quan hệ với nhau. Tôi nghĩ quan hệ của chúng ta rất quan trọng nhưng cũng cần phải có một mức độ tôn trọng nhất định từ cả 2 phía”.
Tác giả bài viết: Kiều Oanh