Kinh tế

Mưa liên tục khiến chè ở Nghệ An bị thối rễ, nấm lá

Mưa liên tiếp làm cây chè bị ngấm nước dẫn đến thối rễ, lá bị nấm, khiến người trồng chè trên địa bàn Con Cuông không khỏi sốt ruột.

Ngay khi mưa ngớt, gia đình chị Đặng Thị Thực, thôn Tân Lập, xã Bồng Khê phải huy động nhân vật lực tập trung thu hoạch 7 sào chè. Chị Thực cho hay: Vào thời điểm nắng hạn, bình quân phải 60 ngày cây chè mới cho thu hái một lứa, nhưng mưa nhiều, độ ẩm cao như hiện nay cây chè chỉ cần 45 ngày đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, lứa chè này do mưa nhiều, dẫn đến chè bị nhiễm nấm, nên năng suất giảm.

Nhiều diện tích chè bị ngấm nước thối rễ, nhiễm nấm do mưa kéo dài. Ảnh: Bá Hậu

Cũng như gia đình chị Thực, gia đình anh Đặng Văn Sáng, thôn Tân Lập, xã Bồng Khê cũng huy động nhân lực và thuê máy để cắt chè. Anh Sáng cho biết, với 2 sào chè, các lứa trước do có nắng mưa xen kẽ, nên cây chè phát triển tốt, đạt năng suất gần 2 tấn. Nhưng lứa chè này do mưa nhiều, chè bị ngấm nước thối rễ, một số cây tự chết, một số lá bị nấm nên năng suất giảm chỉ còn 1,3 tấn. Không chỉ giảm năng suất mà giá chè cũng giảm xuống từ 38.000 đồng/yến xuống còn 30.000 đồng/yến.

Bà Đặng Thị Thực buồn bã vì năng suất chè giảm do lượng mưa nhiều. Ảnh: Bá Hậu

Ông Nguyễn Tiến Sanh, trưởng thôn Tân Lập, xã Bồng Khê cho hay: Toàn thôn có 34,6 ha chè đang cho thu hoạch. Những tháng trước đây thời tiết thuận lợi, chè vừa được mùa được giá nên bà con rất phấn khởi. Nhưng hai tháng trở lại đây, mưa nhiều làm cho độ ẩm thấp nên hầu hết diện tích chè trong thôn đều bị nhiễm nấm, năng suất giảm hơn 30%. Bà con rất nóng ruột nếu trời tiếp tục mưa thì không thể phun thuốc diệt nấm, như vậy sẽ ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.

Do mưa nhiều làm cho cây chè thối rễ, xuất hiện nấm... dẫn đến năng suất giảm. Ảnh: Bá Hậu

Xã Bồng Khê hiện có 47 ha trồng chè công nghiệp của người dân, phần lớn tập trung tại các thôn như Tân Lập, Tân Trà, Lam Trà, thôn 2/9. Với đặc điểm diện tích đất trồng chè bằng, không có độ dốc nên khi gặp thời tiết mưa kéo dài như thời gian vừa qua lượng nước không thoát ra được nên tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển, đặc biệt là nấm.

Theo ông Nguyễn Khắc Sỹ - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Con Cuông, mặc dù huyện đã kiểm tra, hướng dẫn người dân phun thuốc, tuy nhiên với điều kiện thời tiết như hiện nay rất đáng lo ngại./.

Tác giả: Minh Hạnh - Bá Hậu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: chè hư hỏng ,mưa nhiều

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP