Minh họa: LAP |
Tôi nhớ hơn 30 năm trước, khi tôi được chọn vào lớp chuyên của thành phố, trưởng hội phụ huynh là một bác làm kinh doanh, nhà có điều kiện. Bác đề xuất rất nhiều loại đóng góp. Ba tôi, một công chức nhà nước nghèo, đứng lên ý kiến rằng không nên đóng nhiều khoản như thế.
Sau khi ba tôi có ý kiến, bác ấy và mấy vị phụ huynh cộm cán rất không vui. Sau đó, hội phụ huynh vẫn biểu quyết đóng các khoản đó và nói rằng nếu ba tôi không đóng nổi thì thôi, được miễn.
Hôm sau, ba tôi vẫn đưa tôi tiền đi đóng. Tôi đóng xong, bác kia nhận được lại bảo con bác mang lên lớp trả lại tôi. Cầm lại tiền, tôi mang về, ba tôi tự ái, lại bảo tôi mang lên đóng lại. Tôi lên đóng lại, bạn tôi không dám nhận vì nói ba bạn đã dặn tuyệt đối không cầm lại về. Hai đứa cũng từ đó ngài ngại khi nói chuyện với nhau, và hơi tức nhau vì câu chuyện không vui giữa hai ông bố.
30 năm trôi qua, giờ đến ngày con tôi vào lớp 1. May thay, tôi cho hẳn con vào trường quốc tế nên không gặp các vấn đề hội phụ huynh và những khoản tiền không mong đợi này. Nhưng mấy ngày nay, gặp gỡ bạn bè xung quanh, câu chuyện của các ông bố bà mẹ chúng tôi luôn có mục họp phụ huynh đầu năm, và câu kêu ca về các loại tiền phải đóng.
Có cô bạn tôi đã cho con vào trường tư có tiếng, học phí hơn chục triệu tháng, để đỡ nỗi vất vả với các bất cập trường công. Thế nhưng, buổi họp phụ huynh đầu năm, cô choáng luôn vì một vị trong ban phụ huynh nói thẳng: "Phải đóng góp nhiều hơn hẳn các lớp khác, để có tiếng nói với nhà trường". Tất cả các ngày lễ, vị phụ huynh đó đều đề xuất trích quỹ quà cáp cho các thầy cô, kể cả Tết Trung thu.
Có người bạn khác, cũng cho con vào một trường tư có tiếng ở Hà Nội, ngoài rất nhiều loại đóng góp, ban phụ huynh lại còn đề xuất đóng quỹ để thưởng lớn cho các bạn cán bộ lớp.
Mùa tựu trường, tôi muốn viết lại câu chuyện năm xưa của người cha nay đã khuất, để hy vọng các vị phụ huynh nào đọc được, xin hãy đừng quá vô tư hăng hái đề xuất các khoản đóng góp mà trường không yêu cầu. Không chỉ ở trường công, kể cả là đã vào trường tư có tiếng, cũng rất nhiều gia đình đang phải phấn đấu hết sức, gò ép các khoản chi phí khác để đủ trang trải cho con vào môi trường học tập tốt nhất có thể.
Không phải phụ huynh nào cũng đủ can đảm đứng lên ý kiến ngược lại "số đông" và nhận lại sự ác cảm từ họ như ba tôi, nhưng quả thực, các khoản đóng góp đang tăng gánh nặng lên nhiều gia đình.
Nếu có phụ huynh cảm thấy mình có điều kiện tốt, muốn tình nguyện đóng góp nhiều hơn cho nhà trường và các giáo viên, nên chăng họ tự đóng góp riêng (giữ kín đáo), đừng nêu lên ý kiến để biến chúng thành các khoản bắt buộc chung cho cả các gia đình khác, để giúp cho những phụ huynh ít điều kiện hơn cảm thấy bớt bối rối?
Tác giả: Nguyễn Ánh Hồng
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ